Thừa Thiên Huế: “Đánh thức” tiềm năng du lịch

Cập nhật: 03/05/2024
Với tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, địa lý và văn hóa lịch sử, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tích cực tìm hướng phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn.

Du khách đến với khu dịch vụ du lịch sinh thái Khe Đầy

Chú trọng khai thác du lịch sinh thái, trải nghiệm

Khu dịch vụ du lịch sinh thái Khe Đầy, xã Bình Thành những ngày này rất đông du khách đến thưởng ngoạn, trải nghiệm. Chính quyền địa phương đã tổ chức thành lập tổ liên kết du lịch cộng đồng phục vụ du khách tại khu du lịch. Hiện tại, khu du lịch này đã được UBND TX. Hương Trà quy hoạch chi tiết với diện tích 30ha, trong đó 7ha giao cho cộng đồng khai thác, quản lý. Sau quá trình đi vào hoạt động, đến nay khu du lịch (KDL) Khe Đầy đã thu hút lượng khách khá lớn, bình quân trên 1.000 lượt khách/ngày vào mỗi dịp hè.

Anh Nguyễn Văn Bình, một hộ kinh doanh tại KDL Khe Đầy chia sẻ, khu du lịch này mang lại cho người dân địa phương nguồn thu nhập đáng kể. Nguyện vọng của bà con là được các đơn vị chức năng thường xuyên tổ chức tập huấn về kiến thức, kỹ năng làm du lịch để người dân tổ chức ngày càng hiệu quả hơn...

Chủ tịch UBND xã Bình Thành, ông Nguyễn Chí Thịnh thông tin thêm, hiện tại, thị xã đã đầu tư nâng cấp đường giao thông, hệ thống điện chiếu sáng và bãi đỗ xe cho KDL đạt tiêu chuẩn. Sau khi KDL Khe Đầy có quy hoạch chi tiết, địa phương tích cực kêu gọi các nhà đầu tư để phát triển KDL xứng tầm, trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn của Bình Thành, bên cạnh khu lưu trú Homestay Gee Garden quy mô đầu tư hơn 60 tỷ đồng, điểm du lịch văn hóa truyền thống đồng bào Cơ tu thôn Bồ Hòn và du lịch trải nghiệm vườn cây ăn quả ở 2 thôn Hòa Dương, Hòa Hợp.

Hương Trà là điểm đến sở hữu đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch. Cụ thể, có các làng nghề truyền thống, các di tích lịch sử, các làng quê xanh mát, suối thác đa dạng, các mô hình sản xuất nông nghiệp… Ở khu vực đồng bằng có tour du lịch cộng đồng ở Quê Chữ (phường Hương Chữ) đã đưa vào khai thác tour tuyến cho khách nước ngoài. Tại đây có mô hình homestay, dịch vụ đạp xe trong làng, thăm và trải nghiệm trồng rau cùng nông dân, làm bánh nậm lọc, thăm đình, chùa và được phục vụ ẩm thực địa phương, ngâm tắm thuốc trị liệu... Cùng với vùng đồi núi, các khu vực ven sông Hương và sông Bồ, các công trình hồ thủy điện, hồ chứa nước, núi non hùng vĩ, nhiều khe suối hoang sơ là tiềm năng, ưu thế để phát triển du lịch dã ngoại, du lịch sinh thái. Theo Trưởng phòng Văn hóa thông tin TX. Hương Trà Nguyễn Văn Duật, địa phương đang tập trung kêu gọi nhà đầu tư vào các điểm du lịch như Khe Đầy (xã Bình Thành), Khe Lạnh, Khe Sâu, Khe Hung, Suối Máu (xã Bình Tiến), các lòng hồ thủy điện trên địa bàn…

Nâng cao hiệu quả liên kết

Giai đoạn 2023-2025, thị xã Hương Trà tập trung phát triển dịch vụ, du lịch, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm mang tính đặc trưng, có sức cạnh tranh cao; nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác du lịch giữa thị xã với các địa phương trong và ngoài tỉnh. Thị xã Hương Trà đang có kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng, gắn với làng nghề, hình thành “tam giác” các điểm tham quan: Hương Xuân, Hương Chữ, Hương Văn. Đồng thời, phối hợp với Sở Du lịch, các doanh nghiệp ở Quảng Nam, Đà Nẵng khảo sát, trải nghiệm tìm hiểu để đánh giá chất lượng nhằm quảng bá các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn.

Ông Đỗ Ngọc An, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà cho biết, thị xã đang tập trung đẩy nhanh công tác quy hoạch của thị xã và các xã, phường, trong đó có quy hoạch phân khu dịch vụ - du lịch ở các địa phương có tiềm năng. Sau khi hoàn thiện quy hoạch, việc kêu gọi đầu tư sẽ thuận lợi hơn. Thị xã cũng sẽ tập trung tháo gỡ các khó khăn, xây dựng các cơ chế chính sách hấp dẫn để thu hút đầu tư. Đồng thời, thị xã quan tâm đầu tư hạ tầng thiết yếu tại các điểm du lịch; phối hợp Sở Du lịch đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về phát triển du lịch nhằm “đánh thức” tiềm năng này ở địa phương.

Tiềm năng thì đã rõ. Lợi thế lớn của Hương Trà còn là địa phương nằm sát TP. Huế. Điều này giúp Hương Trà thuận lợi phát triển những sản phẩm có tính bổ trợ cho du lịch văn hóa - di sản. Vấn đề là các địa phương có lợi thế về du lịch phải phối hợp chặt chẽ giữa việc xây dựng chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với phát triển tiềm năng du lịch.

Việc xây dựng cơ chế đầu tư và hưởng lợi phù hợp từ khai thác tiềm năng du lịch cho các địa phương có lợi thế cũng là vấn đề bức bách đang đặt ra. Một chính sách phát triển du lịch bền vững cho toàn vùng là yếu tố quyết định, khi mà tiềm lực đầu tư của các địa phương đang còn nhiều hạn chế. Cần có giải pháp đồng bộ, vừa hỗ trợ nguồn vốn vay, xây dựng khâu thông tin, tập huấn hướng dẫn người dân đầu tư khai thác các dịch vụ như du lịch sinh thái, trải nghiệm, lưu trú homestay, dịch vụ ẩm thực, cung cấp các sản phẩm truyền thống của địa phương, các loại hình văn hóa của đồng bào Cơ tu...

Trước tiên, cần tiến hành điều tra, thống kê, đánh giá về những địa bàn có tiềm năng để xây dựng các dự án và kêu gọi đầu tư phù hợp; hoàn thiện công tác quy hoạch chi tiết các điểm du lịch trên địa bàn, hướng đến phát triển các loại hình du lịch có lợi thế, tạo cho du lịch trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bài, ảnh: Bá Trí

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế - baothuathienhue.vn - Đăng ngày 27/4/2024