Cầu dành cho người đi bộ trên phố Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) trở nên sống động, thu hút rất đông khách du lịch và người dân đến tham quan, trải nghiệm nhờ một dự án nghệ thuật biến nó thành "thủy cung".
Cầu đi bộ qua phố Trần Nhật Duật trông giống như một đường hầm thủy cung vào ban đêm.
Tối 3/5, tại khu phố cổ Hà Nội, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã tổ chức khánh thành Dự án nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, những năm gần đây, quận Hoàn Kiếm luôn chú trọng phát triển các không gian sáng tạo, không gian nghệ thuật. Chính quyền quận Hoàn Kiếm đã kết hợp với các nhóm nghệ sĩ, ủng hộ những ý tưởng nghệ thuật và văn hóa mới, sáng tạo, tạo nên hình ảnh mới cho đô thị.
Trong đó, cầu đi bộ Trần Nhật Duật kết nối khu phố cổ và khu vực ngoài đê sông Hồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm lâu nay chưa phát huy được hết công năng, chưa có điểm nhấn về mỹ thuật. Chính quyền quận Hoàn Kiếm hết sức ủng hộ các sáng tạo của các nghệ sĩ để biến cây cầu thành một không gian văn hóa - sáng tạo.
Thế giới sinh vật biển tại cầu đi bộ.
Sau khi thực hiện khảo sát, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn cùng các đồng nghiệp là các nghệ sĩ: Vũ Xuân Đông, Lê Đăng Ninh, Cấn Văn Ân đã có ý tưởng biến cây cầu đi bộ này trở nên vui tươi, sinh động hơn cũng như được thắp sáng vào buổi tối bởi ánh sáng của các tác phẩm sắp đặt nghệ thuật công cộng, có một phần được sử dụng từ vật liệu tái chế.
Chủ đề được nhóm nghệ sĩ lựa chọn là “Nước”. Các tác phẩm sắp đặt tương tác khắp các vị trí và địa hình đặc thù trên cây cầu đi bộ biến hóa cây cầu trở thành một bộ sưu tập tác phẩm sắp đặt ánh sáng.
Rất đông du khách đến trải nghiệm trong dịp khai trương.
Trong đó, tác phẩm "Thủy cung" của họa sĩ Vũ Xuân Đông gợi cảm giác giống như một đường hầm thủy cung đầy hấp dẫn với đủ loại mô hình các loài cá đại dương đang bơi lội phía trên vòm cầu. Các loài cá, mực, sứa… được làm từ đồ nhựa, nilon tái chế…
Dọc hành lang thành cầu, tác phẩm sắp đặt ánh sáng với chủ đề Sóng của họa sĩ Lê Đăng Ninh cũng gợi lại ký ức của những lớp sóng sông Hồng chuyên chở phù sa suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Xen giữa những lớp sóng là hình ảnh vẽ tay in mộc bản tái hiện những người lao động đủ các ngành nghề quanh khu vực Hà Nội thời đầu thế kỷ XIX trong nghiên cứu về “Kỹ thuật của người An Nam” của Henri Oger được hiện lên dưới ánh đèn led đủ màu sắc.
Những bức tranh được lấy từ cuốn Kỹ thuật của người An nam (Henri Oger) tạo nên vẻ đẹp giàu chất truyền thống trong các tác phẩm nghệ thuật đương đại.
Phía chân cầu thang đi bộ từ cả hai hướng được họa sĩ Cấn Văn Ân vẽ các bức Cá chép vượt Vũ Môn từ kho tàng tranh dân gian Hàng Trống…
Lối lên cầu được các nghệ sĩ tái hiện hình ảnh cá chép vượt vũ môn - một đề tài nổi tiếng trong tranh Hàng Trống.
Với các tác phẩm nghệ thuật, cây cầu đi bộ như một “gạch nối” giữa 2 khu vực phố cổ trong đê và khu vực Phúc Tân ngoài đê; đồng thời, nối không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân và khu phố cổ với Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm.
Các địa điểm và không gian nghệ thuật này khi được kết nối với nhau tạo thành một tour đi bộ trải nghiệm nghệ thuật công cộng, đồng thời giúp thúc đẩy thói quen đi bộ khám phá các di sản văn hóa nghệ thuật trong đô thị, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân.
Giang Nam