Quảng Nam đang huy động nguồn lực để phát triển du lịch về nguồn dựa trên những khu di sản văn hóa thế giới, di tích, câu chuyện lịch sử về “một thời oanh liệt”...
Hội An đang là địa điểm “hot” được đông đảo du khách trong và ngoài nước tìm đến tham quan
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Quảng Nam là tỉnh có tài nguyên du lịch phong phú khi sở hữu 2 di sản văn hóa thế giới và nhiều di tích cấp quốc gia như phố cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, Phật Viện Đồng Dương.... Bên cạnh đó, Quảng Nam có bãi biển dài, các đảo ven bờ rất có giá trị cho du lịch nghỉ dưỡng và du lịch biển.
Đặc biệt, khoảng 10 năm trở lại đây, Quảng Nam trở thành trung tâm thu hút khách quốc tế lớn của cả nước, trong đó nổi bật là phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. Dựa trên những lợi thế sẵn có, tỉnh định hướng trở thành trung tâm du lịch quốc tế quan trọng trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các di sản văn hóa thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, bên cạnh phát triển du lịch xanh, tỉnh đang phát triển du lịch về nguồn. Đây là loại hình du lịch văn hóa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, du khách không chỉ được tham quan, giải trí, mà còn có cơ hội trải nghiệm, hiểu biết thêm nhiều kiến thức lịch sử, văn hóa của địa phương nói riêng và của dân tộc nói chung.
UBND tỉnh Quảng Nam vừa gửi Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Trong đó, đối với các nhiệm vụ đã được phê duyệt, nguồn kinh phí đã và sẽ được phân bổ trong các kế hoạch, chương trình phát triển của thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam và của Trung ương. Đối với các nhiệm vụ chưa được phê duyệt thực hiện dự án thành phần giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2035, dự toán tổng kinh phí thực hiện là 1.670 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, mục tiêu của Đề án là bảo vệ tính toàn vẹn, chân xác, giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản; đảm bảo tính thống nhất và hài hòa giữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản với phát triển kinh tế, xã hội. Tiếp tục nghiên cứu, nhận diện những giá trị mới làm phong phú thêm giá trị lịch sử - văn hóa và giá trị đương đại của Di sản. Hoàn thiện quy hoạch không gian và đưa vào mở rộng khoanh vùng bảo vệ của Di sản Văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP. Hội An cho hay, Tỉnh ủy Quảng Nam đã có nghị quyết chuyên đề về việc xây dựng Hội An trở thành thành phố văn hóa và du lịch. Phát triển du lịch Hội An theo hướng bảo tồn tối đa về văn hóa, sinh thái, trong đó phải bảo tồn khu phố cổ và vùng đệm của nó, các làng nghề truyền thống, các lễ hội của dân gian...
“Theo quan điểm của Thành phố, sẽ phát triển theo hướng ‘phố trong làng, làng trong phố’, bảo tồn các giá trị sản xuất truyền thống; phát triển sản phẩm du lịch mới trên cơ sở giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sinh thái”, ông Sơn nhấn mạnh.
Ngoài đô thị cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn là một hạt nhân quan trọng góp phần đưa Quảng Nam trở thành trung tâm văn hóa nghệ thuật, điểm đến hấp dẫn hàng đầu về du lịch di sản văn hóa. Ông Nguyễn Công Khiết, Phó Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn chia sẻ, trong 3 năm bị đại dịch Covid-19, hạ tầng du lịch chưa được quan tâm đúng mức. Đến năm 2023, có nguồn lực được tích lũy, Ban Quản lý tập trung ưu tiên cho phát triển hạ tầng.
Cụ thể, ngoài việc cải tạo cảnh quan di sản, Ban Quản lý tập trung thay đổi hạ tầng bên ngoài di sản, đầu tư sửa chữa Bảo tàng Sa Huỳnh - Champa… Bên cạnh việc tăng cường đầu tư các dịch vụ tiện ích cho du khách, Ban Quản lý cũng tăng cường các suất biểu diễn nghệ thuật dân gian Chăm ở trong di tích và trong nhà biểu diễn nghệ thuật dân gian Chăm.
“Tiếp tục khai quật con đường thiêng dẫn vào khu Thánh địa Mỹ Sơn tại tháp K sau khi các di tích được lộ rõ yếu tố gốc. Ban Quản lý sẽ có giải pháp bảo tồn nguyên trạng yếu tố gốc trước khi mở cửa phục vụ du khách. Đây là sản phẩm mới về khảo cổ học phục vụ du lịch, nhằm thu hút nhiều du khách đến đây trải nghiệm được lâu hơn, tạo thành quần thể du lịch phát triển kinh tế của Mỹ Sơn nói riêng và huyện Duy Xuyên nói chung”, ông Khiết nói.
Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng đi đôi với việc bảo tồn di sản
Không chỉ là du lịch…
Bên cạnh hai di sản trên, Quảng Nam còn có nhiều khu di tích nổi tiếng được nhiều du khách tìm đến. Điển hình là Khu di tích lịch sử Trung Trung bộ - Nước Oa (xã Trà Tân, Bắc Trà My). Cảm nhận đầu tiên của du khách khi đặt chân đến vùng đất hoang sơ và dung dị này là sự bình yên. “Đến đây, chúng tôi được tận hưởng không khí trong lành, cây cối xanh mát, được tìm hiểu lịch sử, thăm lại quá khứ oanh liệt của vùng đất này”, du khách Huỳnh Kim Phẩm chia sẻ.
Nhận thức được tiềm năng du lịch của địa phương, từ năm 2019, huyện Bắc Trà My đã có Đề án Phát triển du lịch huyện giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030. Huyện cũng đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến du lịch, quảng bá điểm đến Bắc Trà My.
Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, muốn khai thác du lịch bài bản, huyện Bắc Trà My cần xác định xem các sản phẩm dịch vụ đã sẵn sàng chưa. “Thời gian di chuyển từ Hội An đến Bắc Trà My khoảng 2 giờ đồng hồ là không quá xa, giao thông cơ bản ổn. Vì vậy, địa phương cần sớm hoàn thiện các thủ tục, quy trình để có sự kết nối cùng các đơn vị lữ hành khai thác tiềm năng du lịch”, vị lãnh đạo chia sẻ.
Các doanh nghiệp du lịch cũng nhận định, Bắc Trà My đang bảo tồn rất tốt cảnh quan và bản sắc văn hóa của cư dân địa phương. Đây là nền tảng để khai thác du lịch theo đúng định hướng của tỉnh Quảng Nam.
Tại Khu di tích Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước), mỗi dịp cuối tuần, lễ tết, lại có rất đông người đến thăm. Chị Nguyễn Thị Anh (Quảng Ngãi) cho hay, mọi vật nơi đây đều in dấu thời gian, từ hàng chè tàu được chăm tỉa, ngôi nhà cổ kính, hiện vật được lưu giữ cẩn thận.
“Vào những dịp nghỉ lễ, cuối tuần tôi thường dẫn con đi tham quan những di tích trong và ngoài tỉnh. Đó không chỉ là dịp về thăm chốn làng quê, mà còn là cơ hội để con trẻ mở rộng kiến thức và hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử của dân tộc”, chị Anh chia sẻ.
Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tỉnh chú trọng việc bảo tồn các tài nguyên văn hóa bản địa để xây dựng, phát triển các sản phẩm văn hóa đa dạng, độc đáo; đưa Quảng Nam trở thành trung tâm văn hóa nghệ thuật, điểm đến hấp dẫn hàng đầu về du lịch di sản văn hóa trong vùng với đô thị cổ Hội An và Khu di tích Mỹ Sơn làm hạt nhân. Đồng thời, tập trung vào khai thác thế mạnh du lịch văn hóa, tham quan di tích, du lịch nghiên cứu văn hóa Champa, văn hóa Sa Huỳnh, di tích lịch sử cách mạng.
“Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo ngành du lịch đẩy mạnh việc xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của các thị trường khách, cả thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng; nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cấp hạ tầng du lịch, hạ tầng giao thông phục vụ khách du lịch”, ông Bửu nhấn mạnh.
Thanh Chung