Nhiều điểm du lịch nói không với rác nhựa

Cập nhật: 07/05/2024
Từ ngày 27/4, UBND huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu du khách không mang theo các sản phẩm nhựa dùng một lần ra các xã đảo. Đây là hành động thể hiện quyết tâm bảo vệ hệ sinh thái và xây dựng ngành du lịch xanh, bền vững của địa phương.

Ảnh: Nguyễn Nam

Từ những chốt kiểm soát rác thải nhựa...

Cảng tàu khách quốc tế Ao Tiên (Cái Rồng) và 6 bến cảng tại 5 xã đảo của huyện Vân Đồn được lắp đặt các tấm pano, áp-phích chủ đề không mang rác thải nhựa ra đảo. Ngay tại bến tàu, khách du lịch đều được tuyên truyền để lại rác thải nhựa dùng một lần (chai lọ, cốc, túi nylon) ở khu vực xuất bến. Từ ngày 27/4, du khách tới 5 xã đảo Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen không được mang theo các sản phẩm nhựa dùng một lần. Du khách và người dân sẽ được hỗ trợ sử dụng các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường để thay thế túi nylon. Các cơ sở lưu trú được vận động sử dụng dụng cụ ăn uống bằng gỗ, sứ, thủy tinh, thay thế đồ nhựa, đầu tư máy lọc nước đặt tại phòng, phân loại rác thải và hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần.

Chương trình “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” được huyện Vân Đồn triển khai từ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay. Vân Đồn đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ giảm 50% lượng rác thải nhựa trên địa bàn 5 xã đảo, và đến năm 2030 sẽ không còn rác thải nhựa trên địa bàn các xã đảo.

Đây được đánh giá là bước đi cụ thể trong việc xây dựng điểm đến du lịch xanh, thân thiện. Trước đó, từ ngày 15/9/2023, huyện đảo Cô Tô có yêu cầu không cho du khách mang các sản phẩm nhựa dùng một lần ra đảo. Hiện nay, đa phần các khách sạn, homestay trên đảo đã bổ sung vào nội quy không sử dụng túi nylon, đồ nhựa dùng một lần. Các cơ sở lưu trú và cung cấp dịch vụ tại Cô Tô có thể từ chối đón tiếp các tour, khách du lịch mang theo túi nylon khi làm thủ tục nhận phòng. Công an huyện và bộ đội biên phòng lập những chốt kiểm soát ngay tại cảng Cô Tô để tuyên truyền và phát túi giấy hỗ trợ du khách. Trên đảo đặt các cây nước lọc miễn phí, khuyến khích du khách sử dụng cốc, bình nước cá nhân. Nhờ những biện pháp mạnh tay từ chính quyền địa phương và sự hưởng ứng của người dân, xã đảo Cô Tô sau một thời gian đã có những thay đổi rõ rệt. Môi trường biển đã được cải thiện rõ nét. Cá heo đã xuất hiện gần bờ sau nhiều năm vắng bóng, nhiều rạn san hô bắt đầu sinh trưởng tốt. Đặc biệt, sau 10 năm, Cô Tô xuất hiện rùa biển trở lại.

... đến những tour du lịch “kiêng nhựa”

Điều hành một công ty du lịch nhỏ tại đảo Cát Bà, Nguyễn Minh Ngọc (30 tuổi, Cát Bà, Hải Phòng) cho biết, tour du lịch vớt rác của công ty đã triển khai từ năm 2018 và ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ của các bạn trẻ. Bắt đầu từ một sáng kiến của một nhóm du khách Australia, Ngọc cho vận hành tour vớt rác trên vịnh Lan Hạ mỗi sáng thứ 7 hằng tuần. Ban đầu chỉ là một nhóm bạn tình nguyện đi vớt rác trên biển, sau đó Ngọc phát triển thành một tour du lịch trải nghiệm cho khách. Từ chỗ chỉ có khách quốc tế, những năm gần đây, ngày càng nhiều các bạn trẻ Việt Nam đăng ký tham gia. Nhiều gia đình có con nhỏ cũng đăng ký và rất hào hứng với trải nghiệm này. Nhờ những chuyến đi thực tế, các em nhỏ đã có ý thức không dùng túi nylon, đặc biệt các em đã tác động tới bạn bè và người chung quanh, hạn chế và không sử dụng túi nylon trong sinh hoạt hằng ngày.

Kết quả giám sát môi trường hằng năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, trung bình mỗi khách du lịch lưu trú thải ra 1,2 kg rác mỗi ngày đêm. Trong đó, rác thải nhựa là túi nylon, hộp xốp, cốc nhựa chiếm 60%. Theo các chuyên gia môi trường, mối nguy hại đe dọa môi trường biển lớn nhất chính là túi nylon, rác thải nhựa và các loại rác khó phân hủy thải ra ngoài môi trường.

Theo kinh nghiệm của Minh Ngọc, nhiều du khách đến Việt Nam sẵn sàng chi thêm tiền để có những trải nghiệm “xanh”. Họ cũng có xu hướng ưu tiên lựa chọn các cơ sở lưu trú, tour tham quan thân thiện với môi trường. Theo một nghiên cứu của Tripadvisor, có 34% du khách sẵn lòng chi trả thêm để ở những khách sạn thân thiện với môi trường và 50% du khách quốc tế sẵn lòng chi trả thêm cho các công ty du lịch có lợi ích cho cộng đồng và hoạt động bảo tồn. “Du lịch xanh tạo điều kiện cho sự gia tăng của du khách có mức chi tiêu cao và có ý thức văn minh khi đi du lịch”, một chuyên gia trong ngành du lịch cho biết.

Từ năm 2023, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp với Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, thực hiện chương trình truyền thông thay đổi hành vi thông điệp “kiêng nhựa” hướng đến các tổ chức, doanh nghiệp, người dân địa phương. Trong đó, website www.kiengnhua.vn vận hành được xem như cẩm nang cho những người du lịch, cung cấp thông tin, giúp du khách có thể đo lường mức độ ảnh hưởng của từng món đồ nhựa dùng một lần, từ đó có thể lựa chọn hoặc tiếp tục sử dụng nhựa dùng một lần, hoặc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường.

Cúc Chi

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 3/5/2024