Giữa mùa hoa ban nở, chúng tôi có chuyến hành trình từ ATK Thái Nguyên, nơi khởi phát của Chiến dịch Điện Biên Phủ, lên vùng Tây Bắc, nơi có mảnh đất Điện Biên từng ghi dấu tích trận đánh “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” 70 năm trước.
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đèo De, xã Phú Đình (Định Hóa).
Chuyến về nguồn này, chúng tôi xuôi về Hà Nội, theo đường 6 qua tỉnh Hòa Bình, rồi ngược lên Sơn La và đặt chân đến Điện Biên giữa những ngày đầu Hè nắng gió Lào bỏng rát. Trên đường đi, vừa ngắm cảnh đẹp rừng núi Tây Bắc hùng vĩ, hiểm trở, chúng tôi vừa được nhà báo Phan Hữu Minh chia sẻ: Đường lên Tây Bắc giờ đã đẹp lắm rồi chứ không vất vả như xưa. Nhưng đây không phải con đường hành quân của các đơn vị bộ đội ở Việt Bắc lên Điện Biên Phủ năm đó.
Theo lời của nhà báo Hữu Minh, tôi tìm hiểu lịch sử và được biết, sau sự kiện ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp đặc biệt của Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, một cuộc chuyển quân lớn trong lịch sử chiến tranh cách mạng đã bắt đầu. Khi đó, các đơn vị chủ lực như: Đại đoàn Quân tiên phong 308, Trung đoàn 74, Trung đoàn Sông Lô, Trung đoàn 209 được thành lập từ Thái Nguyên cùng với hàng nghìn dân công Việt Bắc đã dùng ngựa, xe đạp thồ và cả hai vai gồng gánh theo hướng Tây dọc đường 37, qua đèo Khế (tỉnh Tuyên Quang), vượt các con đèo hiểm trở trên đất Phù Yên tới ngã ba Cò Nòi (Sơn La), rồi mới theo đường số 6 mà hành quân tới chiến trường Điện Biên...
Tại Điện Biên, chúng tôi đã tham quan các di tích lịch sử như: Đồi A1, Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng...
Trên Di tích Đồi A1, chúng tôi gặp nhiều đoàn khách là cựu chiến binh ở các tỉnh thành, trong đó có ông Nguyễn Văn Hùng, ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đi cùng đoàn ra thăm chiến trường. Biết chúng tôi ở Thái Nguyên, ông vồn vã chào hỏi và nói: Tôi được nghe nhiều về ATK Định Hóa, nơi Trung ương Đảng và Bác Hồ từng làm việc lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp, cũng là nơi phát tích Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng chưa có dịp đến thăm. Nhất định, thời gian tới, khi sức khỏe cho phép, tôi sẽ đến Thái Nguyên để trải nghiệm con đường hành quân của các đại đoàn quân năm xưa từ Việt Bắc lên Tây Bắc.
Lời của ông Hùng như đưa tôi ngược dòng lịch sử về quãng thời gian hơn 70 năm trước. Đó là vào năm 1953, trước khi mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị đã chỉ đạo xây dựng mô hình tập đoàn cứ điểm để diễn tập thực binh tại xã Đồng Thịnh (Định Hóa). Tất cả các địa điểm của quân Pháp tại Điện Biên Phủ đều được mô phỏng để phục vụ bộ đội ta diễn tập đánh địch. Đây là bước chuẩn bị quan trọng, góp phần để Chiến dịch Điện Biên Phủ đi đến thắng lợi. Sau thành công của cuộc tập trận này, tại lán Tỉn Keo, xã Phú Đình (Định Hóa), ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Du khách tham quan Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên đồi D1, nằm ở trung tâm TP. Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên). Ảnh: Nguyên Ngọc.
Tôi lần giở các tư liệu tìm hiểu và băn khoăn không biết tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện các tour du lịch kết nối về nguồn ở hai đầu trận đánh từ ATK Định Hóa đến chiến thắng Điện Biên Phủ chưa? Đem thắc mắc này trao đổi với ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, Giám đốc Công ty Khách sạn du lịch Dạ Hương, chúng tôi được ông chia sẻ: Dù tỉnh chưa có ký kết hợp tác phát triển du lịch chính thức, song các công ty lữ hành du lịch căn cứ theo nhu cầu của người dân vẫn tổ chức các chuyến hành trình về nguồn từ Việt Bắc đến Tây Bắc (trong đó có tỉnh Điện Biên). Tuy nhiên, thực hiện cung đường như các đại đoàn quân hành quân ra trận qua Đèo Khế, Tuyên Quang như xưa trong Chiến dịch Điện Biên Phủ thì chưa có (chủ yếu đi theo đường 6 từ Hòa Bình lên Tây Bắc - PV).
Ông Hiệp cũng cho biết, tour du lịch kết nối về nguồn ở hai đầu trận đánh từ ATK Định Hóa đến Chiến thắng Điện Biên Phủ là một ý tưởng mới, tuyệt vời. Thời gian tới, Hiệp hội sẽ họp bàn để có thể tham mưu cho Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch Thái Nguyên về ý tưởng kết nối tour du lịch ý nghĩa này. Đồng thời, Hiệp hội Du lịch tỉnh cũng sẽ trao đổi với Hiệp hội Du lịch tỉnh Điện Biên để có những định hướng cụ thể, tham mưu cho Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch hai tỉnh nội dung liên kết nhằm phát triển du lịch, nhất là du lịch về nguồn.
Cũng theo ông Hiệp, những năm gần đây, hoạt động du lịch Thái Nguyên đã có nhiều khởi sắc, phát triển được nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng. Tỉnh cũng ký kết và có sự liên kết, hợp tác tương đối tốt với các địa phương trong vùng Việt Bắc, vùng duyên hải Bắc Bộ, Tây Nguyên, TP. Hồ Chí Minh… và nhiều địa phương khác trong phát triển du lịch.
Khi thực hiện bài viết này, tôi bỗng nhớ đến hoạt động của anh Đình Tiệp, 42 tuổi, ở quê hương ATK Định Hóa, trong tháng 4 vừa qua đã thực hiện chuyến đi bộ từ ATK Việt Bắc đến chiến trường Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Hành trình của anh bắt đầu ngày 10/4/2024 từ Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích ATK Định Hoá, xóm Tỉn Keo, xã Phú Đình. Bước chân của anh đã trải dài qua các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Sơn La và kết thúc tại Tượng đài chiến thắng trên đồi D1, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Anh Tiệp chia sẻ: Trong lịch trình, tôi đều dừng chân tham quan, tìm hiểu tại các điểm di tích lịch sử kháng chiến, cùng những cảnh quan nổi bật dọc đường, để tưởng nhớ và tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Tôi chỉ suy nghĩ đơn giản, thực hiện chuyến hành trình này nhằm tôn vinh quá khứ và tiếp sức cho tương lai, mong muốn mọi người cùng nhau ghi dấu ấn lịch sử! Và tôi đã rất hạnh phúc sau chuyến hành trình ý nghĩa.
Xem hành trình của anh Tiệp, nhiều người cũng chia sẻ niềm háo hức muốn được trải nghiệm một lần cung đường này, để hình dung chặng đường vất vả hành quân năm xưa của các đoàn quân từ Việt Bắc lên Tây Bắc. Tôi nghĩ, biết đâu thời gian tới, việc kết nối du lịch giữa Thái Nguyên và các tỉnh Tây Bắc nói chung, Điện Biên nói riêng sẽ sớm thành hiện thực, đáp ứng lòng mong mỏi của nhiều người...
Linh Lan