Từ lâu, làng Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku, Gia Lai) là một trong những điểm đến quen thuộc của du khách khi đặt chân đến Gia Lai. Riêng tôi, mỗi lần có dịp về lại Pleiku - nơi gắn bó trong suốt những năm tháng tuổi trẻ, thế nào cũng ghé thăm ngôi làng văn hóa du lịch này cùng bao kỳ vọng.
Lần này cũng vậy, chỉ khác là tôi đi cùng 2 cha con một du khách mới quen ở Hội An. Gặp nhau ở Hội An, khi nghe tôi kể về Gia Lai, về Pleiku với những ngôi làng trong phố, anh đã đề nghị tôi dẫn đến làng Ốp để tham quan. Chúng tôi đã có một chiều loanh quanh ở ngôi làng có tuổi đời gần 100 năm khi nắng chiều nhạt dần. Hoàng hôn đổ dài trên thung lũng Ia Lâm đỏ ối.
Nghe tôi kể những điều mình biết về làng, người bạn mới tên Mark nói: “Lần tới, tôi sẽ trở lại nơi này cùng gia đình. Tây Nguyên, Gia Lai đã mang lại cho tôi một cảm giác rất khác, rất đặc trưng và tôi sẽ ở lâu hơn nữa. Tôi cũng sẽ chia sẻ để bạn bè tôi biết đến vùng đất này”.
Nghe Mark tâm tình, tôi chợt nhớ về hành trình một vòng Tây Bắc của mình và nhóm bạn mới đây. Không chỉ đơn thuần đi tham quan danh lam thắng cảnh, chúng tôi đến Tây Bắc còn là để xem đồng bào Thái, Tày, Nùng, HMông làm du lịch cộng đồng.
Sau chuyến đi, tôi thường nghĩ về những ngôi làng ở phố núi Pleiku như: làng Ốp, làng Wâu (xã Chư Á), làng Ia Nueng (xã Biển Hồ). Dù chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố nhưng bà con nơi đây vẫn giữ được nét đặc trưng riêng có. Nó là mạch sống chảy hàng trăm năm, qua bao nhiêu thế hệ của người dân tộc thiểu số sống bên các ngọn núi lửa đã tắt.
Đêm hội làng Ốp. Ảnh: Phan Nguyên
Làng Ốp có lịch sử thành lập gần 100 năm (1927), có ngôi nhà rông to đẹp nằm nép mình dưới những tàng cây cổ thụ. Nếu ở đây được làm thêm bảng tên ghi chú “nhà rông” kèm với bảng mã QR giúp du khách có thể quét, đọc thông tin để hiểu thế nào là nhà rông, chức năng, công dụng của nó ra sao hay những câu chuyện liên quan đến nhà rông thì chắc chắn sẽ còn thu hút sự quan tâm tìm đến của du khách nhiều hơn.
Bởi lẽ, từ những thông tin này, mỗi người sẽ tự cảm nhận được hồn cốt của nhà rông, của văn hóa Tây Nguyên trong mỗi sự vật, hiện tượng hiện hữu trên vùng đất này. Hoặc như dưới những tàng cây cổ thụ của nhà rông bố trí những nghệ nhân ngồi đan lát, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ truyền thống và có gian hàng để du khách trải nghiệm thì cũng sẽ tạo thêm sự sinh động, hấp dẫn du khách.
Làng Ốp còn có những giọt nước mát lành. Chiều chiều, các mẹ, các chị lại đeo gùi ra lấy nước về dùng, dù nhà ai cũng có giếng. Quan sát thì tôi thấy giọt nước đã làm mái che, có mấy du khách hiếu kỳ đưa máy chụp ảnh, hỏi han vài em nhỏ đi lấy nước.
Điều này khiến tôi nghĩ đến việc nên có thêm thông tin liên quan đến câu chuyện về những giọt nước để người dân có thể kể lại cho du khách như: nguồn gốc của giọt nước, vì sao giữa vùng đất khô cằn trên cao lại có mạch nước, cách người già Jrai tìm mạch nước…
Tiếp đó, khuyến khích cộng đồng tự kể với nhau, người già kể cho thanh niên, trẻ con bên bếp lửa, lúc nhàn rỗi… sau đó thì kể lại cho khách tham quan. Đây cũng là tư liệu để truyền thông, là mạch nguồn để lưu giữ văn hóa, là chất keo gắn kết thế hệ này với thế hệ kia.
Không những thế, làng Ốp còn có người biết đánh chiêng, truyền dạy cồng chiêng, có người biết dệt thổ cẩm, biết đan lát, ủ rượu ghè, biết nấu ăn các món truyền thống. Có ngôi nhà sàn với đầy đủ nhà vệ sinh, cảnh quan đẹp có thể tận dụng làm nơi lưu trú cho du khách.
Việc còn lại là cần người đứng ra xâu chuỗi, kết nối để bà con có thể được đi, được xem cách người ta làm du lịch cộng đồng; được trải nghiệm ở khách sạn, xem cách người khác làm dịch vụ, phục vụ người khác; được đào tạo theo hướng cầm tay chỉ việc, ra một sản phẩm cụ thể, từ đó trở về áp dụng tại ngôi làng của mình.
Không gian sinh hoạt cộng đồng ở nhà rông làng Ốp. Ảnh: Tạ Ngọc Điệp
Giảng viên, ngoài thầy cô giáo ở trường chuyên môn, có thể là người lao động, hướng dẫn viên du lịch lành nghề, nhà báo, nhà văn, du khách có khả năng truyền dạy.
Trong đó, chính quyền địa phương cần hỗ trợ tối đa bằng động viên, khuyến khích người dân tham gia khóa học, có chính sách để hỗ trợ bà con trong giai đoạn đầu. Cán bộ văn hóa - xã hội, đoàn thanh niên cần bám sát, hướng dẫn về công nghệ, truyền thông. Người học cần sắp xếp thời gian, chủ động tham gia các khóa đào tạo. Bài học cần sát với thực tế, trang bị cho người dân kỹ năng giao tiếp, kỹ năng mềm, kỹ năng sống cơ bản để có thể tạo cảnh quan môi trường đẹp mà gần gũi, giữ vệ sinh, giao tiếp, kể chuyện, quản lý tài chính, tiếp thị sản phẩm, đa dạng hóa những sản phẩm mà mình đang có. Tận dụng tài nguyên để làm du lịch. Ví dụ như ở nhà sàn, uống cà phê bên dưới, ngồi bếp lửa, nướng khoai, bắp.
Tham quan, trải nghiệm cuộc sống tại giọt nước, vườn rau, hái rau và chế biến món ăn theo yêu cầu; cùng nhau giã gạo, đi lấy nước bằng gùi và trái bầu khô. Ban đêm, dưới ánh lửa nhà sàn, người già có thể kể khan, đánh chiêng, hát dân ca hoặc cùng nhau ngồi khung cửi dệt vải hay vót tre đan lát, tạc tượng cũng là trải nghiệm thú vị cho du khách.
Mỗi sản phẩm du lịch phải làm sao chạm được đến 5 giác quan của du khách. Họ có thể nhìn thấy, nghe thấy, cảm nhận thấy, cảm giác, mùi vị, hương sắc trong từng chi tiết, sản phẩm. Tổng hợp được những yếu tố đó trong hồn cốt của sản phẩm là con đường để chạm đến trái tim, chinh phục du khách.
Và tôi nghĩ, du lịch Gia Lai nói chung, du lịch Pleiku nói riêng sẽ làm được. Có điều chúng ta phải bền bỉ, đồng hành cùng người dân.
Tạ Ngọc Điệp