Đề án Di sản đương đại Mang Thít là tiền đề góp phần bảo tồn và phát triển “Vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành một vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến trên bản đồ du lịch khu vực, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của địa phương và của quốc gia trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa và hệ sinh thái địa phương.
Đề án Di sản đương đại Mang Thít là tiền đề góp phần bảo tồn và phát triển “Vương quốc lò gạch”. Ảnh: Nguyễn Hoàng Kha
Bảo tồn giá trị di sản đương đại
Sản xuất gạch - gốm không những là thế mạnh của vùng, giải quyết việc làm cho phần lớn lao động tại địa phương mà còn đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế của huyện Mang Thít. Không chỉ mang giá trị về kinh tế, hình ảnh những lò gạch nằm san sát nhau, nhìn từ xa giống như một “vương quốc” với hàng trăm “tòa lâu đài” nhỏ được bố trí dọc theo tuyến kênh Thầy Cai và tỏa ra các vùng phụ cận tạo nên một bức tranh đa sắc màu tại vùng quê mộc mạc, yên bình.
Đồng thời, tạo điểm đến hấp dẫn về du lịch, dịch vụ với chất lượng hàng đầu cả 3 khía cạnh về điểm tham quan trải nghiệm, ăn nghỉ, lữ hành; kết nối, lan tỏa tác động tới các khu du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận tạo mối liên kết, cộng hưởng bền vững.
Nâng cao vị thế, tiếng vang trong nước với quốc tế cho tỉnh Vĩnh Long, địa phương Mang Thít và toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong lộ trình phát triển bền vững và hấp dẫn du lịch bằng sự “lột xác” qua giá trị di sản cũ sang một sự chuyển đổi sáng tạo hài hòa với tính chất đương đại.
Qua đó, tạo tiền đề và hình mẫu cho các dự án đầu tư tại địa phương trên nguyên tắc lấy hệ sinh thái và văn hóa bản địa làm chân đế cho phát triển bền vững. Giải quyết việc làm và thu nhập cao, bền vững cho nền kinh tế và người dân địa phương, đảm bảo ổn định trong đời sống của người dân qua việc tái định cư tại chỗ.
Đối tượng chính của đề án là việc bảo tồn vùng di sản đương đại Mang Thít, cụ thể là các lò gạch cần phải được bảo tồn và phát huy giá trị. Ngoài các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được ghi danh và công nhận, khu lò gạch Mang Thít chính là một di sản về phương thức sản xuất và công cụ sản xuất truyền thống rất độc đáo của sự kết hợp giao thoa văn hóa Khmer, Kinh và Hoa. Đây chính là giá trị cốt lõi của khu di sản,…
Bên cạnh đó, nhằm bảo tồn và phát triển “Vương quốc lò gạch”, đề án đặt ra nhiệm vụ chủ yếu: dừng phá dỡ các lò gạch, bảo vệ nguyên trạng và phát triển văn hóa, nghệ thuật, du lịch, dịch vụ dựa trên khối di sản lò gạch và nhà xưởng; lập quy hoạch tổng thể định hướng cho toàn bộ vùng di sản gồm vùng đệm, vùng lõi và vùng trung tâm lõi di sản,…; xây dựng các kế hoạch, đề án và chương trình đầu tư, tài trợ, hợp tác phát triển của chính quyền, các nhà đầu tư và hộ gia đình, theo đó lập quy hoạch chi tiết (1/500) đối với từng khu vực đầu tư cụ thể, nhằm phục hồi và chuyển đổi công năng của hệ thống lò gạch thành một vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, hướng tới đề nghị UNESCO công nhận di sản đương đại trong bối cảnh mới.
Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân dừng phá dỡ, bảo tồn lò gạch; xây dựng chính sách xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ thực hiện đầu tư một số mô hình điểm như mô hình cụm lưu trú, dịch vụ homestay; cụm xưởng nghệ thuật, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, các địa điểm triển lãm, tổ chức sự kiện; cụm vườn cộng đồng; mô hình trình diễn nghệ thuật sắp đặt trên đất, nước, cánh đồng lúa,…
Việc phát triển mới các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch, dịch vụ cần phải đạt được sự kết hợp giữa văn hóa vùng miền đặc sắc, hoạt động giải trí lành mạnh đa dạng, có chất lượng để thu hút đông đảo du khách đến tham quan.
Công viên nghệ thuật gốm đỏ Vĩnh Long góp phần quảng bá làng nghề gạch, gốm Mang Thít và sản phẩm du lịch Vĩnh Long.
Chuyển đổi từ đơn chức năng sang đa chức năng
Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai các chính sách và giải pháp để người dân đồng thuận, ngừng tháo dỡ các lò gạch nằm trong khu quy hoạch để làm tiền đề thực hiện đề án.
Theo ông Phan Văn Giàu - Giám đốc Sở VHTTDL, Đề án Di sản đương đại Mang Thít hướng đến mục tiêu tạo sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương, góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Việc thực hiện đề án đòi hỏi có thời gian chuẩn bị, triển khai theo từng bước để tạo sự đồng thuận và cùng tham gia của người dân.
Do đó, việc ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù bảo tồn lò gạch, gốm thuộc đề án có ý nghĩa quan trọng, nhằm hỗ trợ một phần kinh phí để người dân giữ lại các lò gạch truyền thống, giữ hiện trạng cho vùng di sản trong tương lai.
Khi đề án đã được triển khai thực hiện và có nhà đầu tư tham gia, người dân trong vùng di sản có điều kiện đưa những lò gạch truyền thống của gia đình vào hoạt động du lịch, hướng đến mục tiêu chuyển đổi sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Để góp phần quảng bá thương hiệu “Vương quốc lò gạch” Mang Thít, thời gian qua tỉnh Vĩnh Long tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, thu hút đông đảo người dân, du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, thưởng ngoạn, tạo hiệu ứng tích cực về sự phát triển làng nghề gạch, gốm trong tương lai.
Ngoài ra, các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh đã xây dựng chương trình tour đưa khách về tham quan “Di sản đương đại Mang Thít”, chương trình được chào bán cho các nhóm khách lẻ và cả cho các đối tác lữ hành lớn thị trường TP Hồ Chí Minh.
Việc bảo tồn và phát triển “Vương quốc lò gạch” gắn với phát triển du lịch có nhiều yếu tố thuận lợi, trong đó phải kể đến xu hướng thích du lịch khám phá - trải nghiệm tôn vinh cái đẹp có tính tự nhiên và lịch sử văn hóa đang nở rộ trong nước và thế giới; vị trí địa lý và giao thông thuận lợi, có tính kết nối cao, có thể giúp Mang Thít trở thành một điểm du lịch đồng thời là một điểm giải trí, nghỉ dưỡng thường kỳ của người dân từ TP Hồ Chí Minh và du khách nội địa.
Khách du lịch trải nghiệm, chụp ảnh với lò gạch.
Từ công tác bảo tồn ban đầu, “Vương quốc lò gạch” sẽ chuyển đổi từ đơn chức năng sang đa chức năng với các khu vực phục vụ du lịch như dịch vụ nhà hàng, homestay, bảo tàng gốm, spa chăm sóc sức khỏe, dịch vụ mua sắm sản vật địa phương và các sản phẩm nghệ thuật gốm,... hài hòa với điều kiện sinh thái địa phương.
Khi đưa vào vận hành sẽ tạo động lực cho Mang Thít chuyển mình, phát huy sự độc đáo vốn có đem lại hiệu quả kinh tế, văn hóa - xã hội, sinh thái - môi trường của địa phương.
Bài, ảnh: Ngọc Trảng - Hữu Thoại