Lâm Đồng bảo tồn đa dạng sinh học cho phát triển bền vững

Cập nhật: 15/05/2024
Lâm Đồng là tỉnh có tính đa dạng sinh học cao, đây là nền tảng góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những năm qua, địa phương này triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên đa dạng sinh học.

Tỉnh Lâm Đồng với diện tích tự nhiên trên 9.773,5 km2 nằm ở phía Nam Tây Nguyên có địa hình phong phú, chủ yếu là vùng núi và cao nguyên. Chính địa hình này đã tạo ra nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo với các hệ sinh thái (HST) đi cùng đó là mức độ đa dạng sinh học (ĐDSH) rất cao. 

Đối với HST trên cạn của tỉnh, rừng chiếm lớn nhất với 53,1% diện tích tự nhiên. Rừng tự nhiên ở Lâm Đồng có tổng diện tích 532.398 ha, phân bố trên các độ cao khác nhau với 6 kiểu thảm thực vật chính bao gồm rừng lá rộng thường xanh (206.819 ha), rừng hỗn giao lá rộng, lá kim (28.660 ha), rừng lá kim (116.468 ha), rừng lá rộng rụng lá (19.725 ha), rừng hỗn giao gỗ phân tán với tre nứa (98.795 ha), rừng tre nứa thuần loại (61.931 ha).

Với HST đất ngập nước, địa phương này có trên 13.181 ha, chiếm 1,34% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh, chủ yếu là thủy vực các dòng chảy của sông suối, các hồ chứa nước và các vùng đất ngập nước thường niên hay định kỳ trong năm. Một số HST ngập nước điển hình là vùng lòng hồ các thủy điện trong tỉnh như hồ Đa Nhim, hồ Đại Ninh, hồ Đan Kia... Còn các vùng đất ngập nước một phần trong năm hay ngập nước quanh năm như vùng Bàu Sen, Bàu Chim của Vườn Quốc gia Cát Tiên với thảm thực vật chủ yếu là đồng cỏ ngập nước nơi sinh sống của các loài chim và thủy sản.

Lâm Đồng hiện có 6 khu bảo tồn đa dạng sinh học với hệ động, thực vật phong phú. Ảnh: KP.

Với HST trên cạn, Lâm Đồng đã xác định được 3.526 loài thực vật rừng và 393 loài nấm; trong số này có 131 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam vào năm 2007; 45 loài được liệt kê trong danh mục đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và 43 loài được ghi trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP về quản lý động thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Các nhà nghiên cứu đã thống kê được 86 loài thú, 301 loài chim, 102 loài bò sát và lưỡng cư, 686 loài côn trùng và 111 loài cá. Riêng với loài cá trong HST đất ngập nước, Lâm Đồng có 111 loài cá thuộc 20 họ trong 8 bộ, trong đó có 5 loài nằm trong danh sách bị đe dọa cấp quốc gia trong Sách đỏ Việt Nam. Các nhà nghiên cứu cũng thống kê được 257 loài thực vật phiêu sinh, 63 loài động vật đáy. 

Lâm Đồng hiện có 9 khu bảo tồn ĐDSH, trong đó có 6 khu đang hoạt động và 3 khu bảo tồn đã được chọn và quy hoạch và sẽ lần lượt thành lập để đưa vào hoạt động trong thời gian đến. Trong 6 khu bảo tồn đa dạng sinh học đang hoạt động, diện tích rộng nhất chính là Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang. Toàn bộ khu vực này có tổng diện tích 275.439 ha, trong đó vùng lõi 34.943 ha; vùng đệm 72.232 ha và vùng chuyển tiếp 168.264 ha. Trong vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển này có Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Tháng 6/2015, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc - UNESCO đã công nhận khu vực cao nguyên Lang Biang và vùng phụ cận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang.

Hai Vườn quốc gia trên địa bàn tỉnh cũng có diện tích rộng, trong đó Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà rộng 56.436 ha do tỉnh quản lý và Vườn Quốc gia Cát Tiên rộng 27.228,8 ha do Trung ương quản lý. Tại khu vực này, tỉnh tiến hành giao rừng cho các ban quản lý rừng thuộc đơn vị nhà nước quản lý hoặc cho các tổ chức kinh tế thuê để quản lý rừng, trồng rừng, bảo vệ động vật rừng, thực vật rừng kết hợp với kinh doanh dịch vụ, du lịch sinh thái dưới tán rừng; đảm bảo mọi diện tích rừng và đất lâm nghiệp đều có chủ quản lý. Các địa phương như TP Đà Lạt, huyện Đơn Dương, các phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo quy định.

Tiếp đến là Khu bảo tồn ĐDSH thứ 5 và thứ 6 của tỉnh là Khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học bao gồm 2 khu vực do Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên quản lý tại TP Đà Lạt và tại huyện Đức Trọng với tổng diện tích quy hoạch 454 ha, trong đó tại Đà Lạt là 348 ha và Đức Trọng 106 ha. Hiện 2 khu rừng này đều có bộ phận quản lý gồm trạm trưởng, phó trạm trưởng và các nghiên cứu viên nhằm thực hiện các nhiệm vụ về nghiên cứu khoa học, quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH theo chức năng nhiệm vụ được giao và thực hiện các quy định về quản lý rừng đặc dụng.

Đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn là nguồn tài nguyên để địa phương này khai thác phát triển kinh tế - xã hội trong đó có du lịch. Ảnh: KP.

Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành 2 trung tâm cứu hộ động vật hoang dã nguy cấp trên địa bàn, 1 tại Vườn quốc gia Cát Tiên, 1 tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Trung tâm cứu hộ Vườn quốc gia Cát Tiên đã được xây dựng từ năm 2011, mở rộng năm 2015 với tổng diện tích 66 ha, gồm khu cứu hộ gấu và khu cứu hộ động vật linh trưởng với các phân khu chức năng như khu nuôi nhốt, khu thăm khám chữa bệnh, khu cách ly, khu bán hoang dã tập thích nghi. Còn Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà có diện tích 30 ha được đặt tại khu vực Công viên bảo tồn động vật hoang dã Tây Nguyên. 

Tại đây, bên cạnh các khu nuôi nhốt, khu bán hoang dã, sẽ có bệnh viện thú y để chăm sóc, cứu hộ và nghiên cứu về thú. Nhiệm vụ chung của Trung tâm này là chữa trị, nuôi dưỡng, phục hồi khả năng sinh sống của các loài động vật hoang dã trước khi thả về môi trường tự nhiên; tiếp nhận động vật hoang dã từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh, chăn nuôi không đủ điều kiện và từ các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, khu vực Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ thu giữ từ các vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép để chăm sóc, cứu hộ, nuôi thả bán hoang dã tại công viên.

Với nguồn tài nguyên đa dạng sinh học trên, từ năm 2008, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Chương trình hành động bảo tồn ĐDSH giai đoạn 2008 - 2020. Trong năm 2014 tỉnh tiếp tục đưa ra kế hoạch hành động bảo tồn ĐDSH tỉnh Lâm Đồng cho giai đoạn 2015 - 2020. Trong năm 2017, Lâm Đồng có Quyết định 169/QĐ-UBND ngày 23/1/2017 phê duyệt quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tỉnh sau đó đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về ĐDSH cấp tỉnh.

Trong năm 2022, Sở TN&MT Lâm Đồng đã xây dựng báo cáo hiện trạng ĐDSH và các khu bảo tồn xác lập chế độ bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; cung cấp thông tin phục vụ xây dựng Quy hoạch bảo tồn ĐDSH quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng như góp ý đối với hồ sơ quy hoạch bảo tồn ĐDSH quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030; cung cấp thông tin về hiện trạng loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ trên địa bàn Lâm Đồng. 

Theo kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dang sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng dự kiến quy hoạch xây dựng ba khu bảo tồn loài/sinh cảnh cấp tỉnh. Đây là các khu bảo tồn đa dạng sinh học do địa phương quản lý, bao gồm: Khu bảo tồn Núi Voi để bảo tồn loài thông đỏ tại khu vực huyện Đức Trọng và Lâm Hà; Khu bảo tồn Phát Chi để bảo tồn loài trà mi Đà Lạt và đảng sâm tại khu vực Thành phố Đà Lạt; Khu bảo tồn Mađaguôi để bảo tồn các loài: trà mi bạc, hoàng đằng, quế rừng tại khu vực huyện Đạ Huoai.

Theo đó, về công tác quản lý, Khu bảo tồn loài thông đỏ Núi Voi, tỉnh Lâm Đồng dự kiến sẽ giao cho Ban Quản lý Khu du lịch hồ Tuyền Lâm quản lý; Khu bảo tồn loài/sinh cảnh Phát Chi dự kiến giao cho Ban Quản lý rừng Lâm Viên quản lý; Khu bảo tồn loài/sinh cảnh Madaguôi dự kiến giao cho Ban Quản lý Khu du lịch Madaguôi quản lý. 3 đơn vị được giao quản lý có trách nhiệm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Nhà nước về quản lý rừng đặc dụng, các khu bảo tồn.

Lực lượng kiểm lâm triển khai công tác tuần tra, bảo vệ rừng, đa dạng sinh học. Ảnh: BLĐ. 

Để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học, UBND tỉnh phân công cụ thể các sở, ban, ngành của tỉnh chịu trách nhiệm phối hợp trong công tác bảo tồn ĐDSH; lồng ghép công tác bảo tồn trong các chính sách của tỉnh. Cụ thể như việc giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình trong đó ưu tiên cho các cộng đồng người dân tộc thiểu số trong tỉnh đã được thực hiện và duy trì hiệu quả, đóng góp đáng kể cho công tác giảm nghèo, ổn định đời sống cư dân vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số... 

Thời gian qua, địa phương này tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng là cơ sở để bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn. UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở NNPTNT, các huyện và thành phố tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các phòng, ban, đơn vị trực thuộc, chính quyền cấp xã, đơn vị chủ rừng, Hạt Kiểm lâm và cơ quan chức năng có liên quan, tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng để đảm bảo hoàn thành mục tiêu, kế hoạch năm 2024;

Sở NNPTNT chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp, giải pháp theo phương án phòng cháy đã được phê duyệt để thực hiện có hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô 2023  -2024. Lên kế hoạch có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần theo phương châm 4 tại chỗ để kịp thời xử lý, dập tắt ngay các đám/điểm cháy rừng mới phát sinh, không để bùng phát, cháy lớn.

Về công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc chỉ đạo lực lượng chức năng thực thi pháp luật thực hiện nghiêm, có hiệu quả Chỉ thị số 9/CT-UBND ngày 06/9/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động nuôi, trồng, buôn bán, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại ra môi trường tự nhiên tập trung tại các khu vực đầu nguồn các hồ, đập, sông, suối; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Lê Chi

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 14/5/2024