Dẫu rằng, cho đến thời điểm hiện tại, huyện Bắc Hà cùng với thị trấn Sa Pa và xã vùng cao Y Tý, huyện Bát Xát là những điểm đến nổi tiếng trên bản đồ du lịch Lào Cai. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, du lịch Bắc Hà vẫn chưa xây dựng được những điểm nhấn quan trọng để thực sự bứt phá trong hành trình phát triển ngành công nghiệp không khói.
Chị Vàng Thị Thông (ngoài cùng, bên phải) hướng dẫn khách du lịch quốc tế trải nghiệm làm nông dân ở Bản Liền. Ảnh: Hoàng Linh
Hiện tại, Bắc Hà đang thu hút một lượng du khách nhất định đến trải nghiệm các mô hình du lịch nông nghiệp, trong đó, chủ yếu là vào các mùa hoa mận Tả Van (xã Tả Van Chư), hoa lê (Hoàng Thu Phố) và mùa thu hoạch quả mận tam hoa, lê Tai-nung... Thêm nữa, có một số điểm du lịch cộng đồng cũng được du khách quan tâm như: Bản Liền, Bản Phố, Na Hối, Tà Chải. Khi đến những điểm này, du khách được trải nghiệm văn hóa dân tộc Tày, Mông. Điển hình như ở Bản Liền, chỉ có khoảng 5 gia đình người Tày ở đây mạnh dạn tham gia dịch vụ homestay, nhưng cũng đã và đang khẳng định dấu ấn với du khách trong nước và quốc tế bằng những trải nghiệm thú vị mang bản sắc văn hóa. Chỉ đơn giản là tạo cơ hội cho du khách cùng trải nghiệm cuộc sống thường nhật của chính người Tày trong khoảng thời gian mà khách lưu trú tại gia đình họ. Quá trình trải nghiệm, các gia đình làm dịch vụ du lịch còn là những hướng dẫn viên trực tiếp giới thiệu về văn hóa dân tộc mình.
Chị Vàng Thị Thông, chủ homestay ở Bản Liền chia sẻ: "Dù là du khách Việt Nam hay khách quốc tế, mỗi lần đến nghỉ dưỡng tại Bản Liền đều thích trải nghiệm đời thường trong cuộc sống của mỗi gia đình người Tày nơi đây như: đi bắt cá suối, làm bánh sắn, đi hái rau rừng, hái lá thuốc, hái chè và sao chè... Rất nhiều đoàn khách sau khi đến Bản Liền nghỉ dưỡng cũng đã trở lại thêm nhiều lần nữa. Đặc biệt, nhiều gia đình rất thích ngày nghỉ cuối tuần, đưa cả gia đình đến đây để tận hưởng không khí trong lành của vùng cao, khám phá những nét đặc sắc văn hóa của người dân bản địa".
Hay như các bản làng người Tày ở Na Hối, Tà Chải, thị trấn Bắc Hà đã hình thành nên những điểm du lịch cộng đồng khá hấp dẫn với văn hóa dân tộc Tày đặc sắc. Đến đây, du khách được trải nghiệm làm nông dân, được tản bộ thăm thú bản làng, nhất là vào mùa mận tam hoa chín rộ, hay như mùa làm cốm... Không chỉ vậy, du khách còn được tham quan những địa danh du lịch nổi tiếng của vùng đất “Cao nguyên trắng” như: Dinh thự cổ Hoàng A Tưởng, chợ phiên Bắc Hà, đền Bắc Hà... Những năm gần đây, bên cạnh những homestay của các gia đình ở bản làng người Tày, người Mông, thì du khách bắt đầu biết đến những farmstay khá ấn tượng ở Bắc Hà như: Kale Farm, Farmstay A Lềnh (Lùng Phình). Trong đó, có Kale Farm - một trong những farmstay đã xây dựng được các sản phẩm du lịch nông nghiệp khá hấp dẫn. Bên cạnh trải nghiệm các mùa hoa trong năm, Kale Farm còn hướng đến các dòng sản phẩm nông nghiệp xanh, canh tác tại trang trại theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường.
Một trong những đặc sắc của Bắc Hà hấp dẫn du khách mà ngành du lịch địa phương đang nỗ lực định hình và phát triển, đó là sản phẩm du lịch bốn mùa, tổ chức thường niên các hoạt động trải nghiệm du lịch phong phú, đậm sắc màu văn hóa các tộc người sinh sống tại Bắc Hà. Thời gian qua, Bắc Hà đã tổ chức thành công các tuần lễ văn hóa du lịch theo 4 mùa trong năm, như Festival “Bốn mùa nghiêng say”, thu hút rất đông du khách đến vùng đất “Cao nguyên trắng” trong dịp này. Cũng chính từ những hoạt động đó, Bắc Hà khai thác tối đa các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn huyện để kể những câu chuyện độc đáo cho khách du lịch tìm hiểu, khám phá. Trong đó, có lễ hội đua ngựa, lễ hội Gầu tào dân tộc Mông, nghi lễ nhảy lửa của dân tộc Dao đỏ, hội xòe dân tộc Tày Tà Chải, nghề thủ công truyền thống (thêu thổ cẩm của đồng bào Mông, nghề rèn đúc nông cụ, nghề chế tác khèn Mông...).
Du khách trải nghiệm mùa hoa cát cánh ở Hoàng Thu Phố. Ảnh: Hoàng Linh
Bắc Hà là vùng đất ẩn chứa nhiều tiềm năng du lịch, hội tụ đủ các loại hình du lịch: du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch chữa lành... Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, việc xây dựng thương hiệu du lịch Bắc Hà vẫn chưa bền vững. Theo đánh giá của địa phương, sản phẩm du lịch chưa thực sự đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch, chưa tạo được dấu ấn đột phá trong phát triển du lịch. Để Bắc Hà thực sự phát huy hết tiềm năng và lợi thế sẵn có, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã ra Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 27/8/2021 về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 2626/QĐ-UBND ngày 4/11/2022 của UBND tỉnh ban hành khung chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó đã đặt mục tiêu phát triển không gian du lịch mới tại Bắc Hà, Mường Khương và Si Ma Cai, hình thành sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt.
Ông Hoàng Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Từ định hướng quan trọng đó, huyện Bắc Hà đã và đang xây dựng, triển khai thực hiện Đề án “Phát triển Khu du lịch Bắc Hà trở thành Khu du lịch đặc sắc của tỉnh và khu vực Tây Bắc”. Theo đó, Bắc Hà sẽ hướng đến và tập trung đẩy mạnh 5 giá trị cốt lõi để phát triển thành điểm đến du lịch đặc sắc của tỉnh Lào Cai và khu vực Tây Bắc: Cao nguyên trắng Bắc Hà; Chợ phiên Bắc Hà; Dinh thự Hoàng A Tưởng; Du lịch thể thao tổng hợp - Bắc H’Adventure (chuyên gia du lịch vùng Nouvelle Aquitaine, Cộng hòa Pháp xây dựng)...
Bằng các nguồn lực sẵn có, huy động từ các nhà đầu tư cũng như chính sách phát triển du lịch của tỉnh Lào Cai, của ngành du lịch Việt Nam, Bắc Hà sẽ thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Đề án “Phát triển Khu du lịch Bắc Hà trở thành Khu du lịch đặc sắc của tỉnh và khu vực Tây Bắc”. Trong đó, sẽ phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc trên cơ sở khai thác hiệu quả các giá trị và tài nguyên du lịch nổi bật, cốt lõi của Bắc Hà để tạo dựng thương hiệu và cạnh tranh cho du lịch địa phương. Xây dựng định hướng và giải pháp phát triển du lịch huyện Bắc Hà đảm bảo đạt các tiêu chí của điểm đến du lịch đặc sắc trong giai đoạn 2023-2030 và các điều kiện của khu du lịch quốc gia trong giai đoạn dài hạn.
Huyện Bắc Hà phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành Khu du lịch đặc sắc của tỉnh Lào Cai và khu vực Tây Bắc với sản phẩm du lịch độc đáo, ấn tượng, tạo dựng bộ nhận diện thương hiệu điểm đến du lịch gắn với “Cao nguyên trắng Bắc Hà” và có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đạt tiêu chuẩn du lịch ASEAN.
Hoàng Linh