Là 1 trong 20 tập thể, cá nhân được vinh danh tại Chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2024; từ năm 2019 đến nay, Vườn quốc gia Cúc Phương liên tiếp được tổ chức World Travel Awards (WTA) vinh danh là Vườn quốc gia hàng đầu Châu Á.
Tham quan Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp.
Tại buổi họp báo về Chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2024, Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương Nguyễn Văn Chính xúc động chia sẻ: Vinh dự này thuộc về lớp lớp cán bộ, viên chức, lao động tại Vườn quốc gia Cúc Phương trong hành trình 60 năm qua.
Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên gắn kết chặt chẽ bảo tồn giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, Vườn quốc gia Cúc Phương được thành lập năm 1962, là Vườn quốc gia đầu tiên trong hệ thống các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam.
Với diện tích hơn 22 nghìn ha trải rộng trên địa bàn 3 tỉnh gồm: Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa, Vườn Quốc gia Cúc Phương có hệ động thực vật phong phú đa dạng mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới. Nhiều loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao được phát hiện và bảo tồn tại đây.
Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương bày tỏ: "Đối với chúng tôi, sứ mệnh cao cả là bảo vệ rừng. Với những nỗ lực không mệt mỏi của lực lượng kiểm lâm và sự chung tay của cộng đồng địa phương, đến nay, tại Vườn Quốc gia Cúc Phương đã chấm dứt hoàn toàn nạn phá rừng làm rẫy, số vụ vi phạm lâm luật giảm trên 70% so với trước đây, mức độ thiệt hại về tài nguyên rừng rất nhỏ.
Đặc biệt, không có điểm nóng phá rừng xảy ra trên địa bàn. Đây chính là nền tảng quan trọng để Vườn Quốc gia Cúc Phương bảo vệ, phát triển hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học".
Đa dạng hệ sinh thái.
Hiện nay, với diện tích hơn 22 nghìn ha, Vườn Quốc gia Cúc Phương đang lưu giữ và bảo tồn hơn 2.000 loài thực vật thuộc 117 bộ và hơn 2.000 loài động vật quý hiếm, đặc biệt là: Voọc Mông Trắng, Báo Gấm, Gấu Ngựa....
Từ năm 1985, Vườn Quốc gia Cúc Phương đã xây dựng vườn cây thực vật với diện tích 167 ha và là một trong ba vườn thực vật đầu tiên của Việt Nam được ghi trong danh mục Vườn thực vật Quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Chính cho biết thêm, việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên gắn kết chặt chẽ với bảo tồn những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc đó chính là những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Đây cũng là cơ sở quan trọng để Vườn Quốc gia Cúc Phương đưa ra sáng kiến làm du lịch sinh thái, với các sản phẩm du lịch độc đáo như: Tour "Về Nhà", "Hành trình hồi sinh", Hội xuân "Thêm xanh cho cánh rừng già", Tour về đêm… Tất cả đều nhất quán với phương châm: "Mỗi khách tham quan là một sứ giả lan tỏa tình yêu thiên nhiên!".
Mới đây nhất, bắt đầu từ ngày 4/5, Vườn quốc gia Cúc Phương chính thức mở tour đêm trên hành trình dài khoảng 5 km. Du khách sẽ đi xe điện tham quan, trải nghiệm ngắm đom đóm và động vật hoang dã ban đêm.
Du khách hào hứng với tour ngắm Vườn Quốc gia Cúc Phương vào ban đêm.
Mỗi tour đêm kéo dài khoảng một tiếng, thời gian tham quan từ 19 giờ đến 22 giờ, tất cả các ngày trong tuần. Gia đình anh Nguyễn Anh Đức, du khách đến từ quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết: "Lũ trẻ đặc biệt thích thú khi được ngắm nhìn Tê tê, Cầy vằn, Cầy mực, Mèo rừng, Rái cá và Culi trong rừng vào ban đêm. Đây quả thật là một trải nghiệm thú vị".
Anh Đức cũng cho biết thêm, gia đình anh rất quan tâm theo dõi những hoạt động của Vườn, mấy năm trở lại đây, hễ có hoạt động mới là gia đình lại thu xếp để trở lại thăm quan. Có thời gian hòa mình vào thiên nhiên, giúp các con của anh thấu hiểu sự quý giá mà thiên nhiên ban tặng, gia đình thêm một dịp gắn kết nhau.
Đáng chú ý, Vườn quốc gia Cúc Phương chú trọng gắn kết các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thông qua phát triển du lịch sinh thái nhằm cải thiện đời sống của người dân. Khuyến khích cộng đồng dân tộc Mường địa phương tham gia vào các hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
Hoạt động du lịch cộng đồng đã tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của cộng đồng; nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên cho cộng đồng, xác định rõ hơn vai trò của người dân trong hoạt động của Vườn; giúp cộng đồng giữ gìn được một số nét văn hoá và một số nghề truyền thống; nâng cao dân trí thông qua việc giao tiếp với khách du lịch.
"Công tác quản lý, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên đã được Ban lãnh đạo Vườn Quốc gia Cúc Phương thực hiện tốt trong nhiều năm qua trên 4 phương diện: Quản trị tốt, Thiết kế và quy hoạch tốt, Quản lý hiệu quả và Bảo tồn thành công. Chúng tôi đang nỗ lực hoàn thiện 50 chỉ số theo các khuyến nghị của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (UICN) để được công nhận là Danh lục xanh", Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương Nguyễn Văn Chính khẳng định.
Thành công trong xã hội hóa công tác bảo tồn đa dạng sinh học
Giám đốc Nguyễn Văn Chính khẳng định: "Trong nhiều năm qua, nhất là sau khi Nhà nước có chủ trương đổi mới, có định hướng xã hội hóa công tác bảo tồn đa dạng sinh học, chúng tôi đã nhận được nhiều nguồn lực, nhiều sự hỗ trợ kể cả trong và ngoài nước để thực hiện công tác bảo tồn".
Hành trình hồi sinh - một hoạt động thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm.
Dự án bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam tại Vườn quốc gia Cúc Phương từ lâu được đánh giá là mô hình cứu hộ loài nguy cấp tiêu biểu trong khu vực và trên thế giới, bởi vì, thành quả của Dự án đã giúp bảo tồn và phát triển thành công loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao ngoài tự nhiên.
Đồng thời cũng là mô hình nghiên cứu, giáo dục môi trường, tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động cho cộng đồng xã hội, nhất là các thế hệ học sinh, sinh viên, nghiên cứu viên, tình nguyện viên trẻ.
Đây còn là biểu tượng của sự hợp tác có hiệu quả trong lĩnh vực khoa học bảo tồn loài giữa Vườn quốc gia Cúc Phương với các đối tác của nước ngoài nói chung và Vườn thú Leipzig nói riêng.
Ở dự án này có vai trò đóng góp tăng trưởng, thu hút lao động địa phương, nâng cao nguồn thu nhập cho Vườn và cả sự kết nối và giao thoa giữa văn hóa, nghiệp vụ bảo tồn loài của người Đức và văn hóa bản địa, nghiệp vụ bảo tồn loài từ những người làm nghề rừng và cộng đồng cư dân vùng đệm của Cúc Phương.
Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp đầu tiên ở Đông Dương không chỉ là công trình có giá trị to lớn về mặt khoa học mà còn có giá trị rất cao về giáo dục, nâng cao nhận thức về cứu hộ, bảo tồn các loài linh trưởng nói riêng và động vật hoang dã nói chung.
Trung tâm là một trong những tiềm năng, cơ sở phục vụ du lịch, đúng theo chủ trương của Vườn quốc gia đó là, thực hiện thật tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, công tác cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã làm cơ sở để phát triển du lịch sinh thái bền vững.
Du lịch có sự tham gia của cộng đồng là một nguyên tắc quan trọng của du lịch sinh thái, chính vì vậy hoạt động này được triển khai tại Vườn quốc gia Cúc Phương từ khá sớm (từ năm 1993) và Cúc Phương cũng là Vườn quốc gia đầu tiên thực hiện mô hình.
Thông qua hoạt động này góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá địa phương, tạo việc làm, mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương.
Thanh Hà