Chuyển đổi xanh ngành du lịch tại TP Nha Trang (Khánh Hòa): Cần những giải pháp sát thực tế

Cập nhật: 21/05/2024
Vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thông qua quyết định về việc phê duyệt Đề án chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh đối với TP Nha Trang giai đoạn 2024-2030. Trong đó, phát triển du lịch xanh là lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong đề án.

Có thể nói, việc xây dựng đề án là bước đi cần thiết, thể hiện nỗ lực của tỉnh Khánh Hòa trong việc bảo đảm phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để chuyển đổi xanh ngành du lịch đạt hiệu quả thiết thực, cần đánh giá và có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình kinh tế của tỉnh Khánh Hòa tiếp tục có nhiều khởi sắc. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) quý I-2024 tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước, qua đó đưa Khánh Hòa trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP xếp thứ 4 cả nước. Trong bức tranh kinh tế của tỉnh Khánh Hòa, du lịch là gam màu chủ đạo, là lĩnh vực mũi nhọn. Trong năm 2024, tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu sẽ đón hơn 9 triệu lượt khách du lịch với doanh thu đạt trên 40.000 tỷ đồng, trong đó, phấn đấu đón 3 triệu lượt khách quốc tế và 6 triệu lượt khách nội địa. 

Là đô thị hạt nhân của tỉnh Khánh Hòa, TP Nha Trang có kinh tế phát triển, tốc độ đô thị hóa cao và đón lượng lớn du khách đến tham quan hằng năm. Vì vậy, việc tiên phong thực hiện chuyển đổi xanh ngành du lịch là nhiệm vụ cấp thiết của thành phố, là bước đi hiệu quả để tiến tới đạt được những mục tiêu kinh tế đề ra. Bên cạnh đó, đây cũng là biện pháp góp phần xây dựng ngành công nghiệp du lịch bền vững, bảo vệ môi trường, thiên nhiên trước những tác động của con người.

Không gian xanh giúp nâng cao sức khỏe người dân và du khách (trong ảnh: Người dân đi bộ trong công viên dọc đường Trần Phú, TP Nha Trang).

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch xanh tại TP Nha Trang cũng như tỉnh Khánh Hòa còn gặp những khó khăn nhất định. Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, quy mô các trường đại học trên địa bàn tỉnh còn nhỏ dẫn đến khả năng cung cấp nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế; việc phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn chưa hiệu quả; hệ thống thu gom rác không đồng bộ. Đặc biệt, có trường hợp người dân phân loại rác tại nguồn nhưng không có phương tiện, thiết bị chuyên dùng phù hợp để vận chuyển rác đã phân loại. Bãi chôn lấp không có quy trình phù hợp phục vụ việc phân tách và xử lý chất thải sau khi phân loại. Nhiều hoạt động xây dựng, kinh doanh ven biển đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của hệ sinh thái.

Bên cạnh đó, trào lưu du lịch, khám phá thiên nhiên tự phát cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến môi trường. Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Ngọc Tùng (trú tại phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang) cho biết, bản thân có sở thích đi phượt cùng bạn bè tại những địa điểm vẫn còn hoang sơ, vắng vẻ, chưa chịu nhiều tác động của con người. Tuy vậy, anh Tùng cũng thẳng thắn thừa nhận, việc được đắm mình trong không gian thiên nhiên sau những giờ phút lao động mệt mỏi là nhu cầu chính đáng, nhưng nhiều người lại chưa có ý thức bảo vệ thiên nhiên, thể hiện qua những hành động xấu xí như bẻ cành cây để đốt lửa, xả rác sau mỗi lần cắm trại, ăn uống trong rừng... gây ảnh hưởng xấu tới môi trường tự nhiên.

Có cầu ắt sẽ có cung, theo đó, ngày càng có nhiều cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn, homestay xuất hiện không theo quy hoạch, thậm chí là xây dựng trái phép, ảnh hưởng đến diện tích rừng tự nhiên. Nhiều mô hình kinh doanh dịch vụ không có biện pháp xử lý, phân loại rác thải hiệu quả; nước thải chưa qua xử lý đã xả trực tiếp vào môi trường gây ô nhiễm hệ sinh thái núi rừng, biển đảo.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Minh Nhựt, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa nhận định, bản chất du lịch xanh là gắn hoạt động du lịch với nhiệm vụ bảo vệ môi trường; khai thác và sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên và các nguồn lực; bảo đảm sự hài hòa trong phát triển du lịch và gìn giữ yếu tố tự nhiên; phải chủ động tạo ra không gian xanh trong cuộc sống, chứ không phải cứ vào rừng, lên núi thì gọi là du lịch xanh. Theo ông Phạm Minh Nhựt, các hoạt động xây dựng, phát triển khu du lịch sinh thái cần tuân theo định hướng và quy hoạch của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, việc quản lý loại hình này đang gặp không ít khó khăn vì chưa có hành lang pháp lý cụ thể.

Một trong những hạn chế tồn tại khi phát triển du lịch xanh là số lượng mẫu mã các sản phẩm có chất liệu thân thiện với môi trường chưa nhiều. Theo ông Vũ Hồng Quảng, chủ nhà hàng ẩm thực 5 Viên (đường Hoàng Diệu, TP Nha Trang), người dân cũng như doanh nghiệp rất ủng hộ việc chuyển đổi xanh ngành du lịch cũng như những lĩnh vực khác, tuy nhiên, việc mua các sản phẩm có chất liệu thân thiện với môi trường như ống hút giấy, chai giấy, cốc giấy, túi giấy... còn gặp khó khăn do các sản phẩm này chưa được bán rộng rãi tại các cửa hàng, siêu thị ở TP Nha Trang. Bên cạnh đó, giá thành các sản phẩm này phần lớn cao hơn sản phẩm nhựa truyền thống nên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý người tiêu dùng.

Nâng cao nhận thức để phát triển du lịch xanh

Đánh giá việc phát triển du lịch xanh tại TP Nha Trang tuy còn gặp nhiều trở ngại, nhưng với quyết tâm bảo vệ môi trường thì dù việc khó cũng phải tìm cách tháo gỡ, theo đồng chí Hồ Văn Mừng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nha Trang, thành phố đặt mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế. Trong đó, đối với lĩnh vực du lịch, cần đẩy mạnh phát triển các loại hình theo hướng tăng trưởng xanh, du lịch bền vững, phát triển sản phẩm du lịch xanh, du lịch cộng đồng. Thành phố cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn đầu tư hệ thống thu gom, phân loại và tái chế nhằm tái sử dụng nước thải, rác thải cho các mục đích khác nhau; hạn chế sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm cường độ phát thải khí nhà kính. Cùng với đó, triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030.

Mong muốn thành phố có thêm nguồn lực để thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành du lịch, ông Vũ Hồng Quảng nhận định, các cơ quan quản lý nhà nước nên có lộ trình thay thế các sản phẩm gây hại đến môi trường nhưng cần bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và sự tiện lợi của người dân. Cần có cơ chế ưu đãi để động viên, khuyến khích các nhà máy tăng cường sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa phát sinh chi phí trong khâu sản xuất, từ đó giúp giảm giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, để chuyển đổi hiệu quả mô hình du lịch xanh cần chú trọng việc nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về lợi ích của việc bảo vệ môi trường. Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cần phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động tuyên truyền; chủ động cung cấp thêm nhiều thông tin, kiến thức về những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong thực hiện xanh hóa không gian sống, không gian du lịch. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường tiếp nhận thông tin phản ánh, kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động vi phạm về bảo vệ môi trường.

Bài và ảnh: Hoàng Chung

Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân - qdnd.vn - Đăng ngày 21/5/2024