Giữ sức sống làng cổ, nhà vườn

Cập nhật: 21/05/2024
Những con đường ở làng Phong Lệ, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã từng được che chắn bởi hàng cây vài chục năm tuổi. Dưới bóng mát, nhà cổ nằm vững chãi, chống chịu mưa gió của miền trung. Trải qua nắng gắt mưa dầm, danh xưng làng cổ Phong Lệ ắt hẳn đã giảm bớt một phần tính nguyên vẹn.

Ông Ngô Tất Hiền kiểm tra một ngôi nhà cổ.

Làng xưa thay đổi

Mỗi năm trôi qua, những làng quê xưa có mái nhà cổ kính, bóng cây xanh rì dần bị mai một, biến mất. Hành trình níu giữ nét văn hóa làng Việt sẽ đi về đâu và bằng những cách thức gì?

Phải khẳng định rằng, người xưa có những dụng ý sâu xa khi chọn thế đất lập làng Phong Lệ. Tổng thể ngôi làng có hình dạng tròn, nằm giữa cánh đồng lúa xanh mướt. Bao quanh làng chính là lũy tre già đan kín kẽ, người dân lấy đó làm nơi nghỉ ngơi khi ra đồng. Hiện nay, tại vị trí miếu Thái Giám của làng vẫn còn tán tre cho bóng mát kết hợp với gốc cổ thụ trăm năm tuổi. Chính không gian đó là đại diện hình thức của nông thôn Việt Nam hết sức yên bình.

Khi chưa có con đường Quốc lộ 1A và đường ray tàu hỏa chạy qua làng Phong Lệ, vùng đất này rộng mênh mông, nền đất cao hơn mức trung bình chung cả khu vực. Ông Ngô Tất Hiền, Trưởng làng Phong Lệ hiểu vùng đất này hơn ai hết. “Làng Phong Lệ có sự phát triển từ rất sớm. Trong văn tế cổ, phía bắc của làng ngày xưa giáp Hải Vân, phía nam giáp Trà Kiệu, phía tây giáp Núi Chúa và phía đông giáp Ngũ Hành Sơn. Đường quê, làng xóm, nhà cửa, thậm chí những con mương thủy lợi từ xa xưa vẫn đang hiện diện khắp làng. Việc quy hoạch của người xưa rất trí tuệ”, ông Hiền nói.

Trong quá trình phát triển của dân cư ở Phong Lệ, số lượng các ngôi nhà xây kiên cố quanh khu vực đình Thần Nông ngày càng nhiều. Đó là trăn trở của những bậc cao niên khi cảnh quan nơi thờ cúng bị ảnh hưởng. Tầm nhìn thoáng đãng một thời thì nay đã bị che khuất. “Đường sá mở rộng giúp cho bà con đi lại thuận tiện nhưng cũng chính từ đó làm mất đi sự bình yên vốn có ở làng quê. Ngay cả mối quan hệ xã hội trong người dân cũng không còn gần gũi như xưa”, ông Ngô Tất Hiền nhấn mạnh.

Đến năm 2025, toàn huyện Hòa Vang đạt tiêu chí đô thị loại IV, đủ điều kiện trở thành thị xã trực thuộc TP Đà Nẵng. Làng Phong Lệ đứng trước thách thức khi cùng phát triển chung, đồng thời cần giữ vững nét truyền thống mà một làng cổ vốn có. Hình ảnh cây tre đã được mang ra thảo luận. Mục tiêu giữ nguyên vẹn bóng mát chung cho làng dần đi đến thành công khi người dân đang chung sức triển khai tái trồng các bụi tre làng. Ở Phong Lệ, việc định hướng phát triển con người được tập trung phát triển từ lâu. Đứng trước sự đổi thay của xã hội, khi con người quá chú tâm về mặt vật chất sẽ dễ làm mất đi giá trị tinh thần của quê hương.

Theo đó, lớp trẻ trong làng có ý thức tích cực tham gia góp ý việc làng, chuyện xóm. Mối quan hệ giữa cuộc sống mới với câu chuyện truyền thống được thể hiện cụ thể ở lễ hội Mục đồng vừa diễn ra ở Phong Lệ. Nét thú vị của lễ hội này là bởi có sự tham gia đông đảo của thanh thiếu niên. Tiềm thức của lớp trẻ trong mối gắn kết với cộng đồng chung quanh trở nên rõ nét từ chính giá trị đạo đức làng xưa để lại.

Giải bài toán bảo tồn

Câu chuyện giữ vững nét văn hóa, lề lối xã hội ở Thừa Thiên Huế cũng đang đặt ra những bài toán khó. GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính từng khẳng định: “Việc chia cắt đất là con đường ngắn nhất dẫn đến sự kết thúc các ngôi nhà vườn Huế”. Ta có thể hình dung được sự thay đổi kiến trúc, cảnh quan của các làng cổ, nhà cổ dưới sức ép đô thị hóa.

Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa ở Thừa Thiên Huế ảnh hưởng rất nhiều đến các làng cổ, nhà cổ, từ đó tác động đến mọi lĩnh vực như đời sống xã hội, môi trường, cảnh quan, kiến trúc… Đối với kiến trúc, đô thị hóa dẫn đến sự chia cắt đất, diện tích bị thu hẹp, công trình manh mún làm biến dạng, thay đổi không gian. Chung quy lại, môi trường sống và nếp sinh hoạt trong mỗi gia đình bị xáo trộn, thay đổi từ hình thức đến công năng kiến trúc.

TS, KTS Nguyễn Ngọc Tùng, Trưởng Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế nhìn nhận rằng, Huế được mệnh danh là “thành phố vườn”. Nhà vườn truyền thống là một trong những yếu tố không thể thiếu của quỹ kiến trúc Huế nên chắc chắn góp phần cho mệnh danh nói trên. “Cụ thể được thể hiện qua đặc trưng kiến trúc, nếp sống gia phong của các thành viên trong gia đình. Về đặc điểm kiến trúc, ngôi nhà, con người và cảnh quan sân vườn chung quanh luôn có mối liên hệ hữu cơ, hài hòa; mật độ xây dựng thấp, diện tích các nhà vườn tương đối lớn và chính quyền có những quy định về diện tích tối thiểu cho phép chia cắt thửa; kiến trúc ngôi nhà không đồ sộ, lấn át chung quanh mà là sự hòa trộn bền vững”, ông Tùng nói.

Về nếp sống, lối sống sinh hoạt trong ngôi nhà vườn hình thành tính cách, ứng xử của các thành viên trong gia đình đối với môi trường, cảnh quan sân vườn chung quanh. Mọi cành cây, ngọn cỏ trong khuôn viên nhà được xem như thành viên của gia đình. Chính vì vậy mới có câu chuyện các cành cây trong nhà vườn được đeo khăn tang khi có thành viên trong nhà qua đời.

Điểm mạnh nổi bật trong công tác bảo tồn nhà vườn truyền thống Huế là từ chính quyền, nhà nghiên cứu, chuyên gia cho đến người dân đều quan tâm, có ý thức giữ gìn, bảo vệ nhà vườn truyền thống. Hiện nay, chính quyền địa phương của Thừa Thiên Huế đang tập trung bảo tồn và phát huy giá trị nhà vườn truyền thống Huế thông qua các chính sách ưu đãi. Đơn cử, dự án bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn tiêu biểu đã đưa mức kinh phí cao nhất cho một ngôi nhà là 700 triệu đồng. Bên cạnh đó còn hỗ trợ kinh phí để gia đình trong nhà vườn truyền thống tập huấn, mua giống cây cảnh… nhằm tạo việc làm, bảo quản và đưa vào du lịch.

Các cơ quan, sở, hội cũng thường xuyên tổ chức các hội thảo, tọa đàm để thảo luận, góp ý, sáng kiến trong bảo tồn nhà vườn truyền thống. Một số chủ nhân nhà vườn có ý thức nâng cao việc bảo tồn, bảo quản ngôi nhà, biến không gian sống của gia đình thành địa điểm du lịch văn hóa, tổ chức sự kiện văn hóa, trưng bày nghệ thuật, tọa đàm học thuật… Với những cách làm cụ thể đó đã và đang góp phần lưu giữ và phát huy giá trị truyền thống, nét đẹp của nhà vườn và làng cổ xứ Huế.

Có thể thấy rõ, tính bền vững của cảnh quan nhà vườn Huế thể hiện qua sự liên kết hài hòa giữa con người (thành viên gia đình), ngôi nhà (kiến trúc không lấn át) và cảnh quan chung quanh (thiên nhiên). Riêng cảnh quan, bố cục sân vườn, cây xanh, mặt nước trong ngôi nhà vườn truyền thống dù theo ý thích, quan điểm của chủ nhân nhưng vẫn rất phù hợp với lối sống, với môi trường, điều kiện khí hậu địa phương và cả nguyên tắc phong thủy. Điều này thể hiện qua bố cục, cách sắp đặt cảnh quan sân vườn.

Một chi tiết thú vị được TS, KTS Nguyễn Ngọc Tùng đánh giá cao là các cây gia vị, rau thường trồng gần bếp, thuận tiện cho việc nấu nướng. Cây cao tạo bóng râm thường được trồng ở hướng tây để che nắng. Các cây bonsai, non bộ, bể nước thường đặt trước nhà Chính để tôn lên vẻ đẹp cho ngôi nhà… Những yếu tố xanh mát đó mở ra lối sống gần gũi với thiên nhiên.

Giá trị của nhà vườn đã được khẳng định. Dù vậy, để bảo tồn đúng và lâu dài cho từng hình ảnh “rặt” xứ Huế đó sẽ cần có chính sách ưu đãi phù hợp nhằm bảo tồn và phát huy những tiềm năng. “Các định hướng đưa ra nên có sự hài hòa và được đánh giá từ nhiều góc độ. Cần có quy hoạch vùng, cụm và có quy hoạch vùng đệm bảo vệ. Bên cạnh đó, không chỉ bản thân những ngôi nhà vườn truyền thống mà cả các công trình ở chung quanh cũng cần có các chính sách, chế tài quản lý. Song song đó phải tham khảo các dự án, những trường hợp tương tự trong và ngoài nước” - TS, KTS Nguyễn Ngọc Tùng gợi mở.

Bài và ảnh: Trường An

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 15/5/2024