Phát huy giá trị lịch sử, văn hóa đền Cao An Phụ - Hải Dương

Cập nhật: 22/05/2024
Nằm trong quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương của thị xã Kinh Môn (Hải Dương), đền Cao An Phụ là một trong những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử. Trong khuôn viên đền, có nhiều cây cổ thụ 600-700 năm tuổi và nguồn nước linh thiêng không bao giờ cạn từ giếng Ngọc, giếng Mắt Rồng, minh chứng cho sự trường tồn của khu di tích.

Ðền thờ An Sinh Vương Trần Liễu trên đỉnh núi An Phụ.

Ngự trên đỉnh cao nhất của dãy núi An Phụ (dài 17 km) giữa không gian hùng vĩ của núi rừng, đền Cao An Phụ sở hữu vẻ đẹp rất ấn tượng. Ðền có tên tự là An Phụ Sơn từ, là nơi thờ An Sinh Vương Trần Liễu, thân phụ của Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn. Ðền được xây dựng sau khi Trần Liễu qua đời.

Thuở sơ khai, đền chỉ là ngôi miếu nhỏ. Trải qua thời gian và những thăng trầm của lịch sử, miếu thờ đã bị đổ. Sau nhiều lần trùng tu, trên nền đất của ngôi miếu cổ đã được tạo dựng thành ngôi đền khang trang, bề thế với những nét kiến trúc cổ xưa. Ðến nay, đền vẫn lưu giữ bảo tồn được những cổ vật từ thời xưa mang lại những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn cho hậu thế.

Theo lịch sử ghi lại, An Sinh Vương sinh năm Kiến Gia đầu tiên (1211), là anh ruột của Vua Trần Thái Tông. Năm 1237, triều đình cắt đất ở quanh núi An Phụ, ban cho Trần Liễu lập thái ấp và phong làm An Sinh Vương. Năm Nguyên Phong thứ nhất (1251), sau khi Trần Liễu mất, người dân đã lập đền thờ ông trên núi An Phụ và chính là đền Cao An Phụ ngày nay.

Nhờ vẻ đẹp ấn tượng, không gian tâm linh độc đáo mà đền Cao An Phụ đã trở thành điểm đến rất hút khách. Ngôi đền trên đỉnh non cao này mang kiểu kiến trúc "tiền nhất, hậu đinh" với ba gian nhà tiền tế, ba gian nhà trung từ và một gian hậu cung. Trải qua nhiều lần trùng tu lớn, nhỏ nhưng đền Cao An Phụ vẫn giữ được nét riêng và lưu giữ bảo tồn những cổ vật từ thời xưa. Tại gian tiền tế còn lưu giữ bộ hoành phi, câu đối nói về công tích của An Sinh Vương Trần Liễu. Hậu cung là nơi thờ tượng Ngài và Ðệ Nhất Vương Cô, Ðệ Nhị Vương Cô - hai người con gái của Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Bên cạnh đền thờ An Sinh Vương, chung quanh không gian hùng vĩ của dãy An Phụ người dân cũng xây dựng nhiều công trình kiến trúc độc đáo.

Cũng trên đỉnh non cao, nằm thấp hơn ngôi đền chút ít là chùa Tường Vân còn gọi là chùa Cao. Chùa cũng quay hướng đông, được xây dựng từ thời Trần, trong khuôn viên có hàng cây đại thụ. Qua nhiều lần trùng tu, chùa vẫn mang hình bóng cũ cùng vẻ cổ kính rêu phong. Ðiểm nổi bật của chùa là thờ Tam Giáo Ðồng Nguyên nên trong chùa có bày tượng Phật, tượng Ðức Thánh Hiền và tượng Ngọc Hoàng Thượng Ðế. Xa xa về phía đông bắc chùa Tường Vân là núi Yên Tử, nơi Trần Nhân Tông tu hành lập nên phái Trúc Lâm Thiền của Việt Nam. Bên trái chùa Tường Vân là đền thờ Mẫu Tứ Phủ. Từ chùa Tường Vân đi xuống phía chân núi là chùa Gạo. Tương truyền chùa Gạo xưa là kho thóc gạo của An Sinh Vương Trần Liễu dựng lên để trữ lương thực cung cấp cho triều đình.

Tại khu quần thể di tích đền Cao An Phụ còn có khu tượng đài thờ Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn. Tượng cao 12,7 m được ghép từ 65 phiến đá. Bức tượng danh tướng nét mặt uy nghi tay tỳ đốc kiếm, tay cầm cuốn thư, nhìn về hướng đông nơi cửa sông Bạch Ðằng nhắc nhở hậu thế luôn chú ý gìn giữ, bảo vệ quê hương đất nước. Ðược biết, người đặt viên đá đầu tiên tại vị trí xây dựng tượng đài (ngày 5/10/1993) là Ðại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ngay dưới chân tượng đài Hưng Ðạo Vương là bức phù điêu khổng lồ làm từ gốm dài 45 m, rộng trung bình là 2,5 m được ghép bởi 265 viên gạch với vẻ đẹp hết sức ấn tượng. Bức phù điêu miêu tả khái quát về toàn bộ cuộc kháng chiến của quân dân Ðại Việt chống giặc Nguyên Mông thế kỷ 13. Hằng năm, Lễ hội đền Cao An Phụ được tổ chức trang trọng vào ngày mồng 1 tháng 4 âm lịch (ngày mất của An Sinh Vương Trần Liễu).

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Kinh Môn Mạc Thị Huyền cho biết: Ðể danh tiếng đền Cao An Phụ và quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương lan tỏa đến muôn nơi, chính quyền xã An Sinh, Ban Quản lý khu di tích và các cơ quan chuyên môn của thị xã cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp gắn sát với thực tiễn như: Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị lịch sử, văn hóa và vẻ đẹp của danh thắng; khôi phục lại một số nghi lễ truyền thống từng được người dân tổ chức xưa kia và đa dạng hóa các trò chơi dân gian; xây dựng các tour du lịch tâm linh thu hút khách thập phương…

Bài và ảnh: Quốc Vinh

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 21/5/2024