Quảng Ninh có đa dạng sinh học với nhiều hệ sinh thái rừng, biển, đất ngập mặn. Để gìn giữ, phát huy những giá trị này, thời gian qua tỉnh đã siết chặt công tác quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên bảo tồn đa dạng sinh học, coi đây là nhiệm vụ chiến lược, tiền đề cho sự phát triển bền vững.
Cây trâm đỏ tại Vườn quốc gia Bái Tử Long vừa được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Ảnh: Minh Đức
Quảng Ninh có hơn 6.200km2 đất liền và trên 6.100km2 mặt biển, đường bờ biển dài 250km; có 2 vịnh lớn là vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và 2.077 hòn đảo (chiếm hơn 2/3 số đảo trong cả nước)... Vùng biển Quảng Ninh là nơi sinh sống của nhiều loài có giá trị, tạo cơ hội cho phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Tỉnh hiện có Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và 3 khu bảo tồn thiên nhiên (Vườn quốc gia Bái Tử Long, Khu bảo tồn thiên nhiên rừng quốc gia Yên Tử và Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng). Quảng Ninh có đa dạng sinh học với hơn 7.300 loài, chi, họ thuộc 19 ngành, 3 giới động vật, nấm, thực vật và 19 hệ sinh thái chính, trong số đó có nhiều loài đặc hữu, loài nguy cấp thuộc Sách đỏ Việt Nam.
Những năm qua, xác định bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học là nhiệm vụ quan trọng mang tính chiến lược nhằm đảm bảo các mục tiêu phát triển lâu dài, Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp cụ thể. Tỉnh có nhiều quyết sách, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường các giai đoạn; quy hoạch đưa hoạt động nuôi trồng thủy sản ra vùng đệm và vùng phụ khu bảo tồn, khu di sản; triển khai quyết liệt nhiều giải pháp kỹ thuật, pháp lý bảo vệ các hệ sinh thái, loài sinh vật bị cấm đánh bắt trong khu vực bảo vệ tuyệt đối di sản vịnh Hạ Long...
Tỉnh đã phê duyệt Đề án rà soát, xác định hiện trạng tài nguyên Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan vịnh Hạ Long, với 2.500ha rừng tự nhiên núi đá để cập nhật vào hồ sơ quản lý rừng phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững đối với kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Đồng thời, chỉ đạo duy trì, quản lý hiệu quả Vườn quốc gia Bái Tử Long, Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng, Khu bảo tồn rừng quốc gia Yên Tử và diện tích lớn rừng đặc dụng; nghiên cứu triển khai nhiệm vụ thành lập Khu bảo tồn loài sinh cảnh Quảng Nam Châu, Khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui (Tiên Yên), bảo vệ chặt chẽ rừng trâm đỏ, rừng chõi nguyên sinh (Cô Tô), rừng trâm (Vân Đồn)...
Tỉnh cũng quy hoạch, khoanh vùng các khu vực để bảo tồn nguồn gen đối với một số loài đang bị khai thác quá mức, như bãi Cồn Trụi (xã Minh Châu, huyện Vân Đồn), bãi Chương Cả (xã Đại Bình, huyện Đầm Hà) để bảo vệ nguồn gen sá sùng; khoanh vùng bảo tồn nguồn gen ngán tại TX Quảng Yên và huyện Tiên Yên; nghiên cứu phương án thả bổ sung tái tạo bào ngư ra môi trường tự nhiên và nghiên cứu sản xuất giống, nuôi thương phẩm đối với mực ống Cô Tô...
Tại Vườn quốc gia Bái Tử Long, đặc biệt là khu vực đảo Minh Châu đang bảo tồn quần thể rừng cây trâm mốc cổ thụ, gồm 272 cây tuổi thọ từ 150 năm trở lên, trên 2.000 cây dưới 150 năm. Trong đó, 150 cây cổ thụ đáp ứng đủ các tiêu chí đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Vườn còn có 3 cây trâm vỏ đỏ niên đại hơn 300 năm sống trên đảo núi đất, 3 cây trai lý cổ niên đại khoảng 500 năm tuổi sống trên đảo núi đá cũng đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Quần thể trâm mốc bao quanh đảo góp phần chắn bão, chắn sóng bảo vệ xã đảo... Để tiếp tục bảo tồn đa dạng sinh học tại nơi này, mới đây, BQL Vườn quốc gia Bái Tử Long và Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) đã ký kết kế hoạch hợp tác giai đoạn 2024 - 2026, trong đó tập trung đánh giá tiềm năng, hiện trạng, cơ sở dữ liệu hệ sinh thái động thực vật tại Vườn quốc gia Bái Tử Long. Các đơn vị cũng đã khảo sát một số vị trí thuộc đảo Minh Châu và đảo Ba Mùn để làm cơ sở bước đầu xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về đặc điểm môi trường, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển...
Nhân dân thả cá bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực biển huyện Vân Đồn (tháng 3/2024).
Cùng với đó, thời gian qua các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh cũng chủ động nhiều giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học. Đến nay, toàn tỉnh đã quy hoạch 45.146ha khu vực biển dành cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Tỉnh siết chặt kiểm soát hoạt động của phương tiện khai thác thủy sản, ngăn chặn khai thác thủy sản trái phép, khắc phục những khuyến nghị của Uỷ ban châu Âu trong khai thác thủy sản.
Đến nay, hơn 4.000 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên được cập nhật dữ liệu trên Vnfishbase; tất cả tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; 100% tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m đã được ký cam kết an toàn thực phẩm. Tháng 4 vừa qua, Sở NN-PTNT tổ chức đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thủy sản đối với tàu cá. Qua đó, đã xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, nhất là những tàu khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định hoạt động trên vùng biển tỉnh...
Với nhiều giải pháp cụ thể, công tác bảo tồn đa dạng sinh học của Quảng Ninh đang được triển khai hiệu quả. Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2024 được Liên Hợp Quốc lựa chọn chủ đề "Be part of the Plan" (Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học). Hưởng ứng sự kiện này, Bộ TN&MT có văn bản đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, UBND các địa phương phối hợp tổ chức, tăng cường truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học và các giá trị của đa dạng sinh học trong Chiến lược phát triển bền vững của quốc gia; tiếp tục triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đóng góp vào thực hiện các mục tiêu của Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal được thông qua tại Hội nghị COP15.
Cùng với đó, tăng cường hoạt động khẩn cấp ngăn chặn tình trạng khai thác quá mức và buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã, bảo vệ và tôn trọng các phong tục, tập quán bền vững của người dân địa phương sống tại các khu vực dễ bị tổn thương như các khu bảo tồn, vườn quốc gia và những khu vực được công nhận Di sản thiên nhiên; áp dụng các giải pháp giảm ô nhiễm và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học...
Nguyễn Huế