Bình Ðịnh là một trong những địa phương có tính đa dạng sinh học phong phú, nhưng hiện nay, nhiều hệ sinh thái đặc hữu với những loài nguy cấp có nguy cơ tuyệt chủng. Ðiều này đòi hỏi các ngành chức năng liên quan và chính quyền các địa phương có giải pháp hữu hiệu để bảo tồn đa dạng sinh học, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học
Theo Sở TN&MT Bình Ðịnh, trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều hệ sinh thái đặc hữu với những loài nguy cấp có nguy cơ tuyệt chủng, cần ưu tiên bảo vệ. Điển hình là 2 loài vượn má hung và chà vá chân xám thuộc danh sách loài rất nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng; cần được bảo tồn chặt chẽ tại Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn (huyện An Lão). Loài chình mun, chình bông trên đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ); cá mòi cờ hoa, cá mòi mõm tròn, cá măng sữa trên đầm Thị Nại là những loài thủy sản quý, hiếm, có mức độ nguy cấp cao và cần ưu tiên bảo vệ.
Diện tích rừng ngập mặn tại đầm Thị Nại giảm so với trước kia, ảnh hưởng không nhỏ đến bảo tồn đa dạng sinh học. Ảnh: V.L
Ngoài ra, những năm gần đây, Bình Định trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương với nhiều hoạt động du lịch biển, đảo và du lịch sinh thái. Tuy nhiên, do chưa có phương án quản lý chặt chẽ nên hoạt động du lịch phát sinh một số ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái tự nhiên.
TS Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), cho hay: “Hoạt động khai thác du lịch tự phát tại Khu sinh thái Cồn Chim (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) làm phát sinh lượng lớn rác thải, nhất là rác thải nhựa, gây ảnh hưởng đến cảnh quan và chất lượng môi trường, suy giảm tính đa dạng sinh học. Hay hoạt động lặn biển ngắm san hô tại một số khu vực thuộc xã Nhơn Hải, Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ gây suy giảm hệ sinh thái san hô tự nhiên. Do đó, vấn đề phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) cần được chú trọng”.
Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và hoạt động khai thác, đánh bắt thủy, hải sản theo kiểu tận diệt cũng ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề ĐDSH. Theo thống kê của ngành chức năng, trước đây, đầm Thị Nại có trên 1.000 ha rừng ngập mặn và 200 ha thảm cỏ biển. Thế nhưng, hiện diện tích rừng ngập mặn tại khu vực này chỉ còn trên 95 ha; năng suất khai thác tự nhiên của đầm cũng giảm sút đáng kể.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có khoảng 160 loài thực vật thuộc sách đỏ Việt Nam đang bị đe dọa giảm sút số lượng hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng, cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển.
Đồng bộ các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học
Bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Thông điệp của Ngày Quốc tế ĐDSH năm 2024 là “Hãy là một phần của kế hoạch ĐDSH”, góp phần hướng tới mục tiêu toàn cầu đến năm 2050 là “Sống hài hòa với thiên nhiên”. Để lan tỏa thông điệp này, chính quyền các địa phương và ngành chức năng liên quan cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về ĐDSH và vai trò của ĐDSH trong phát triển bền vững; thay đổi hành vi và lối sống hài hòa với thiên nhiên.
Theo ông Đỗ Đình An, Trưởng Phòng TN&MT huyện An Lão, để quản lý, bảo vệ hiệu quả Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn, Phòng TN&MT huyện thường xuyên phối hợp với lực lượng kiểm lâm và UBND xã An Toàn tuyên truyền, vận động người dân địa phương không khai thác, săn bắt trái phép các loại động, thực vật quý hiếm, thuộc danh mục bảo tồn. Ngoài ra, các lực lượng chức năng liên quan tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác, buôn bán trái phép các loài động, thực vật hoang dã, quý, hiếm.
Mặt khác, thực hiện hiệu quả cơ chế chia sẻ lợi ích từ các dịch vụ hệ sinh thái như chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, góp phần tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng. Qua đó, người dân địa phương nâng cao ý thức trong bảo vệ, phát triển rừng; khai thác sản vật dưới tán rừng theo hướng dẫn của cán bộ kiểm lâm và nêu cao trách nhiệm trong nhận khoán bảo vệ rừng.
Còn ông Phan Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ), cho hay: Địa phương thành lập tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý, bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản tại đầm Trà Ổ. Tổ chức cộng đồng thường xuyên tuần tra, kiểm tra để kịp thời ngăn chặn; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hoạt động đánh bắt thủy sản trái phép tại đây.
Theo bà Hà Thị Thanh Hương, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh lập Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Qua đó, đề ra một số giải pháp trọng tâm trong công tác bảo tồn ĐDSH, như: Tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn ĐDSH gắn với phòng ngừa ứng phó biến đổi khí hậu. Xây dựng cơ sở dữ liệu ĐDSH trên địa bàn tỉnh; đầu tư thiết lập hành lang ĐDSH, kết nối Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn với một số khu bảo tồn lân cận thuộc địa phận tỉnh Gia Lai và Quảng Ngãi.
Đồng thời, thực hiện các dự án về ĐDSH, như: Xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống các khu bảo tồn và các loài động, thực vật trong tỉnh. Điều tra, thống kê định kỳ các hệ sinh thái, các loài động vật, thực vật đặc hữu có giá trị khoa học, kinh tế hoặc đang có nguy cơ tuyệt chủng. Thực hiện nhiệm vụ thành lập Khu dự trữ thiên nhiên đầm Thị Nại, Khu bảo tồn biển vịnh Quy Nhơn.
Trên địa bàn tỉnh có 8 hệ sinh thái (HST), gồm HST rừng tự nhiên; HST rừng thứ sinh; HST rừng tre nứa, các thảm cỏ, cây bụi; HST nông nghiệp; HST thủy vực nội địa; HST đầm; HST rạn san hô; HST dân cư, đô thị, khu công nghiệp. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 2.269 loài thực vật bậc cao; 315 loài thực vật nổi; 244 loài chim; 103 loài thú; 45 loài lưỡng cư; 95 loài bò sát; 353 loài côn trùng; 281 loài cá; 160 loài động vật nổi; 210 loài động vật đáy.
Các nguồn gen quý hiếm trên địa bàn tỉnh đã được xác định, có tên trong danh lục các loài quý hiếm của Sách đỏ Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (2015) và Sách đỏ Việt Nam (2006), gồm: 222 loài thực vật bậc cao; 215 loài chim; 92 loài thú; 42 loài lưỡng cư; 56 loài bò sát; 8 loài côn trùng; 114 loài cá.
Văn Lực