TP Hải Phòng: Hưởng ứng ngày quốc tế đa dạng sinh học năm 2024 - Cần cân bằng giữa khai thác và bảo tồn

Cập nhật: 23/05/2024
Ngày quốc tế đa dạng sinh học năm 2024, diễn ra thường niên vào 22-5, được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Hãy là một phần của kế hoạch đa dạng sinh học”, là lời kêu gọi các bên liên quan cùng thực hiện khung đa dạng sinh học toàn cầu trong thập niên “Phục hồi hệ sinh thái”. Việc xây dựng mô hình kinh tế gắn kết với bảo tồn là giải pháp để cộng đồng đóng góp bảo vệ giá trị đa dạng sinh học.

Du khách tham quan, khám phá vẻ đẹp hoang sơ tại Vườn quốc gia Cát Bà, huyện Cát Hải. Ảnh: Phan Tuấn

Phát triển du lịch dựa vào tự nhiên

Thời gian gần đây, việc khám phá khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn Phù Long (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng), tham quan thung lũng Rái Cá và trải nghiệm bắt cua, ốc ở rừng ngập mặn trở thành “trend” (xu thế thịnh hành) của nhiều bạn trẻ. Chuyến đi trên thuyền từ 2-3 giờ, vừa tham quan vừa trải nghiệm mò sò, cua… Đây là số ít những mô hình xây dựng sản phẩm du lịch từ thiên nhiên. Khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn Phù Long là hành trình mới lạ, là cơ hội để quan sát thực tế sự đa dạng sinh học và các hệ động thực vật đặc thù của Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà. Bên cạnh đó, hoạt động trekking tour (đi bộ đường dài, đi bộ leo núi, đi rừng) xuất hiện, phát triển ở Cát Bà gần chục năm qua. Là người sống trên đảo Cát Bà từ năm 2014, ông Neahga Leonard, Giám đốc Dự án bảo tồn Voọc Cát Bà chia sẻ, “Càng ngày tôi càng nhận ra lý do mọi người đến đây là vì những điều đặc biệt chỉ có thể tìm thấy ở đây. Vì vậy, cần hướng đến sự cân bằng, tránh tình trạng phát triển vượt xa bảo tồn”.

Không chỉ Cát Bà, trên địa bàn thành phố còn nhiều khu vực có những tiềm năng để xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên. Theo các nhà nghiên cứu Viện Tài nguyên và môi trường biển, vùng bờ Hải Phòng có nhiều tiềm năng để xây dựng hệ thống khu bảo tồn tự nhiên biển với các chức năng và quy mô khác nhau, từ tầm cỡ quốc tế, quốc gia đến cấp thành phố. Ở cấp quốc tế có Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà và Công viên địa chất Cát Bà. Cấp quốc gia có Công viên biển (khu bảo tồn biển) Cát Bà, Khu bảo vệ đất ngập nước Tiên Lãng và khu danh thắng bán đảo Đồ Sơn. Cấp thành phố có khu bảo tồn loài và nơi cư trú quần đảo Long Châu, khu bảo vệ rừng ngập mặn phòng hộ và sinh thái Bàng La.

Xây dựng mô hình kinh tế gắn kết bảo tồn

Gắn kết bảo tồn, thu hút, phát triển du lịch từ giá trị riêng có, được gìn giữ và bảo vệ là vấn đề được thành phố quan tâm từ nhiều năm qua. Gần đây nhất, để bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sinh thái tại vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà, UBND thành phố ban Quy chế quản lý đối với Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà vào ngày 1-2-2024 với nhiều nội dung cụ thể. Trong đó, đặc biệt cấm các hoạt động xây dựng công trình trong vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà. Mọi tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà đều phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. UBND thành phố cũng yêu cầu Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà phải xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học trình UBND thành phố và cơ quan có liên quan phê duyệt theo từng năm. Khu danh thắng và cảnh quan Đồ Sơn - Hòn Dấu được quản lý, bảo vệ tương đối tốt, do nằm trong hệ thống khu bảo tồn quốc gia.

Song những mô hình phát triển kinh tế từ hoạt động bảo tồn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của thành phố. Đơn cử như khu vực cửa các sông Văn Úc, Bạch Đằng… là một trong những khu đất ngập nước lớn nhất của khu vực ven biển Đông Bắc Việt Nam với hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng và phong phú. Đây cũng là môi trường thuận lợi cho các loại thủy sản sinh sống và phát triển. Tuy nhiên, công tác quản lý và bảo tồn vẫn thực sự chưa được hoàn thiện. Theo PGS.TS Trần Đình Lân, nguyên Viện trường Viện Tài nguyên và môi trường biển, thành phố cần quy hoạch các bãi giống đẻ các loài thủy hải sản ở khu vực cửa sông Bạch Đằng, xã Phù Long (huyện Cát Hải), khu bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển khu vực Lập Lễ - Tam Hưng (huyện Thủy Nguyên). Đồng thời, lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học vào các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm sự công bằng, toàn diện và đồng bộ trong quá trình ra quyết định có liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học; thúc đẩy và thiết lập mối quan hệ đối tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm vận động sự ủng hộ, hỗ trợ về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; kịp thời phát hiện, đề xuất và tôn vinh những cá nhân, tập thể, cộng đồng có những mô hình, hoạt động, sáng kiến thiết thực và hiệu quả trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Bài: Bảo Châu

Nguồn: Báo Hải Phòng - baohaiphong.vn - Đăng ngày 20/05/2024