Trên núi Cô Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang hiện có bầy voọc bạc Đông Dương quý hiếm sinh sống. An Giang có 37 ngọn núi, đồi lớn nhỏ, nhưng chỉ có núi Cô Tô là nơi duy nhất có loài linh trưởng này.
Đàn voọc trên núi Cô Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Ông Trần Văn Thành ở trên đỉnh núi Cô Tô, còn được gọi là Thành "voọc" vì ông yêu thương, chăm sóc bầy thú quý này. Khi nghe tiếng ông Thành gọi "Mai, Mai về ăn", lũ voọc từ rừng cây xuất hiện chụp lấy thức ăn ông Thành đưa ra. Chúng rất thích ăn mì gói, đây là sự thân thiện thú vị vì trong tự nhiên, voọc rất nhát, luôn tránh xa người…
Bảo vệ đàn thú hiếm
Đỉnh núi Cô Tô cao 614m so với mực nước biển, khu vực voọc sống nằm lưng chừng núi, độ cao 450m trở lên. Núi Cô Tô là một trong những ngọn núi cao trong vùng Thất Sơn, hằng năm thu hút khá đông khách du lịch, hành hương. Để lên núi, khách di chuyển bằng phương tiện xe ôm, hoặc đi bộ theo lối mòn. Dưới chân núi và dọc đường lên núi có nhiều hộ dân sinh sống. Những hộ dân này cùng ông Thành là tai mắt "bảo vệ" đàn thú không bị quấy nhiễu, săn bắt.
Ông Thành kể, năm 1996, ông vào mé rừng hái rau phát hiện một con voọc đang núp trên cây, nó có lông màu xám tiệp với đá núi và cây rừng nên rất khó nhìn thấy. Ban đầu ông tưởng khỉ vốn có nhiều trên núi, nhưng khi nhìn kỹ lại con thú có đuôi dài to khác với khỉ, bộ lông cũng đẹp hơn. Sau đó, con voọc biến mất, từ đó khi vào rừng hái rau, trái cây ông Thành luôn quan sát theo dõi.
Phát hiện con thú, ông Thành không săn đuổi, đánh bẫy mà nhẹ giọng như gọi khỉ: "Mai, Mai" rồi thảy trái chuối, mít, mì gói, bánh mì… cho nó. Ban đầu, con voọc còn nhát người nên núp từ xa, sau mới bạo dạn leo xuống cây lượm thức ăn ông Thành cho. Lâu ngày, quen hơi ông Thành, nó đến gần cầm thức ăn ông đưa, đó là một con đực. Một chiều nọ, ông Thành đang ở trong nhà gần Vồ Hội Lớn trên tảng đá lớn trên núi Cô Tô thì nghe tiếng "khẹc, khẹc" liên tục, ông thấy lạ nên chạy ra sân thì thấy "bạn voọc" cùng một đàn gồm năm con, trong đó có hai con nhỏ.
Là người sống nơi rừng núi nên ông Thành ứng xử trân trọng với thiên nhiên. Thay vì đuổi bầy voọc đi, ông Thành vào nhà lấy mấy gói mì cho chúng ăn. Thế là bầy voọc lâu lâu lại mon men ra khu vực Vồ Hội Lớn xin thức ăn. Bầy voọc cũng tinh khôn, không vào nhà ông Thành hay các hộ dân phá phách.
Dần dà, chuyện ông Thành gắn bó với bầy voọc trên đỉnh núi được người dân trên núi, cán bộ kiểm lâm biết đến. Lên núi kiểm tra, cán bộ kiểm lâm nhìn thấy bầy thú có lông viền mặt màu xám và chân đen đã xác định chúng thuộc loài voọc chà vá quý có tên trong "sách đỏ".
Ai cũng ngạc nhiên không hiểu lũ voọc đến từ đâu vì lâu nay vùng núi An Giang rất hiếm gặp loài này? Ngành kiểm lâm đã tuyên truyền cho người dân rõ đây là thú quý hiếm cần bảo vệ, cấm săn bắt hay nuôi nhốt dưới mọi hình thức. Ý thức được trách nhiệm, ông Thành cùng cư dân trên núi tự nguyện chăm sóc không công đàn voọc này. Khi phát hiện bóng thợ săn, kẻ xấu mang súng săn, bẫy thú lên núi… thì họ gọi báo lực lượng chức năng.
Như đền đáp lại, bầy voọc gắn bó với người thành câu chuyện thú vị, hấp dẫn với du khách, giúp người dân có thêm thu nhập từ quán nước, hàng ăn. Nhiều du khách hiếu kỳ lên núi mang theo trái cây, mì gói gọi voọc ra để cho chúng ăn. Tuy là dã thú, nhưng voọc có quy tắc rõ ràng, con lớn nhất ăn trước sau đó mới tới những con nhỏ trong đàn. Nhưng đâu phải ai cũng may mắn gặp được voọc. Cứ thế, hàng chục năm qua, ông Thành và người dân trên núi "nuôi" đàn voọc phát triển…
Nguy cơ tuyệt chủng
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang ghi nhận, bầy voọc trên núi Cô Tô năm 2014 có sáu cá thể, năm 2016 có ba cá thể, năm 2020 ghi nhận chín cá thể. Theo đánh giá, núi Cô Tô với rừng tự nhiên gồm cây gỗ lớn, nhỏ kết hợp và cây bụi lá là điều kiện khá thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của loài voọc. Nghiên cứu hoạt động của loài này cho thấy, núi Cô Tô có các hang động với các hốc nhỏ và các tán cây rừng có bóng mát làm nơi chúng ẩn náu. Tuy nhiên, với số lượng quần thể loài hiện đang tồn tại rất ít, thì nguy cơ bị tuyệt chủng rất cao, cho nên chúng cần được bảo vệ ở mức cao nhất.
Ông Nguyễn Thành Liêm, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm An Giang thông tin, đàn voọc được bảo vệ tốt, từ lúc chúng xuất hiện cho đến nay chưa có trường hợp nào người dân trên núi săn bắt chúng để lấy thịt hoặc nuôi nhốt. Bầy voọc hay về khu vực Vồ Hội Lớn, Vồ Hội Nhỏ, sân Tiên, là nơi cao nhất trên núi, cho nên từ trước đến nay, lực lượng kiểm lâm phối hợp với hộ dân trên núi cùng bảo vệ. Ngành kiểm lâm hỗ trợ một phần nguồn thức ăn cho chúng gồm trái cây, mì gói thông qua ông Thành. Ngoài ra, việc bảo vệ còn được thực hiện qua các đợt tuần tra, kiểm tra chống săn bắt.
Hàng chục năm gắn bó với chúng, ông Thành và cư dân vui, buồn lẫn lộn và không tránh khỏi lo lắng khi ba con voọc trong đàn chết. Tuy vậy, người dân trên núi vui mừng khi thấy con voọc cái ôm con nhỏ màu vàng đậm rất đẹp đu đưa trên cây. Ông Thành đếm, bầy voọc hiện có 14 con. Lúc này khô hạn, nên bầy voọc rúc vào rừng sâu, có lúc ông Thành gọi "Mai Mai" thì chúng kéo đàn về ăn, lúc thì lại không có con nào.
Ông Nguyễn Thành Liêm thông tin thêm: "Mối lo hiện nay là chưa tìm được bầy voọc khác đưa lên núi để chúng bắt cặp sinh sôi với bầy voọc núi Cô Tô. Chúng là bầy voọc duy nhất trên vùng núi An Giang nên việc giao phối gần, lâu ngày sẽ bị cận huyết, suy thoái giống, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng rất cao".
Trong tháng 4 vừa qua, lửa cháy trên núi Cô Tô nhiều ngày liền nên số phận bầy voọc bị đe dọa. Nhưng cán bộ kiểm lâm cho biết, khu vực cháy cách xa nơi chúng sinh sống và cháy chủ yếu là cây tạp, tre, tầm vông, lớp thực bì, dây leo và đây không phải là nguồn thức ăn của voọc. Thức ăn của chúng chủ yếu là lá, chồi cây, quả... Sau khi xử lý đám cháy, không phát hiện xác thú rừng bị chết cháy.
Tuy voọc là loài quý hiếm nhưng cho đến nay, ở An Giang vẫn chưa có hội thảo nào liên quan đến công tác bảo vệ động vật hoang dã, quản lý rừng đặc dụng trong đó có hoạt động bảo tồn voọc chà vá trên núi Cô Tô. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, mức độ đe dọa đối với sự tồn tại của voọc bạc Đông Dương theo IUCN (2016) xếp vào nhóm nguy cấp. Theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ, loài voọc được xếp nhóm IB - động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Trong công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), loài này có trong phụ lục II.
Voọc là loài thú có giá trị khoa học, kinh tế cao. Để bảo tồn quần thể này, cần thực hiện các giải pháp như tăng cường tuần tra, kiểm soát tình trạng săn bắt tại các khu vực phân bổ của loài; kiểm soát, ngăn chặn nạn khai thác rừng trái phép, gây mất sinh cảnh sống và nguồn thức ăn của chúng. Ngoài ra, cần thúc đẩy tái sinh, phục hồi rừng, thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về quan trắc theo dõi sự biến động quần thể loài để kịp thời đưa ra các biện pháp bảo tồn hiệu quả…
Bài, ảnh: Thanh Dũng