Theo các nhà nghiên cứu, giếng cổ Xó La, còn gọi là giếng "vua" trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) là công trình thể hiện nhiều đặc trưng văn hóa của cư dân biển đảo. Điều kỳ diệu của giếng cổ này là tuy chỉ cách mé biển lúc thủy triều lên cao nhất khoảng 5-7m, nhưng nước luôn ngọt, thanh mát bốn mùa và không bao giờ khô cạn.
Nước giếng cổ Xó La luôn trong, xanh và ngọt.
Nói về nguồn gốc tên giếng, nhiều bậc cao niên ở Lý Sơn cho rằng, sở dĩ gọi là "Xó" vì toàn bộ nền giếng nằm trên một rẻo đất thấp, nơi lõm sâu nhất của hình cánh cung bờ biển; còn "La" bắt nguồn từ tên cây la. Giếng Xó La là giếng nước ở góc ruộng hẹp có nhiều cây la (tra).
Các nhà nghiên cứu nhận định, giếng nước Xó La xuất hiện muộn nhất vào thời Vương quốc Chăm, khoảng thế kỷ XV về trước. Khi người Việt đến, các giếng nước của người Chăm, trong đó có giếng Xó La, vẫn được tiếp tục sử dụng, duy trì cho đến ngày nay. Như vậy, giếng Xó La có "tuổi" ít nhất cũng hơn 5 thế kỷ.
Nước giếng luôn trong, xanh, ngọt
Dù trải qua nhiều biến thiên của thời gian và dòng chảy lịch sử nhưng giếng cổ Xó La hiện còn tương đối nguyên vẹn. Nằm trên dải đất thoai thoải từ chân núi Hòn Vung ở phía bắc chạy dài ra phía biển, giáp với một doi cát hẹp lượn vòng cung, giếng cổ Xó La có tổng diện tích mặt bằng là 72,3m2, nền giếng có dạng hình chữ nhật với chiều dài 7,3m, chiều rộng 6,3m.
Giếng có chiều sâu (từ mặt đất xuống đáy giếng) 6,7m, thành giếng dày 20cm, cao 0,65m xây bằng đá ong, trát vữa xi-măng. Lòng giếng hình tròn, đường kính 1,9m, được kè bằng đá cuội, đá phún xuất thạch, xen lẫn đá vôi. Đá ở đây được lựa chọn kỹ lưỡng về kích cỡ và hình dạng, kè vào nhau khá công phu, vừa đẹp mắt, vừa rất chắc chắn, lại có khe hở vừa phải để nước mạch có thể thoát ra dễ dàng.
Theo lời kể của các bậc cao niên, trước đây, đáy giếng hình vuông, có bốn súc gỗ lim lớn chèn chung quanh. Về sau, khi nạo vét, người dân đã thay những súc gỗ đó bằng đá. Phần nước trong lòng giếng chiếm khoảng 1,5m. Nước trong xanh, khi mặt trời rọi xuống có thể nhìn thấy đáy.
Tuy chỉ cách mé biển lúc thủy triều lên cao nhất khoảng 5-7m, nhưng nước giếng Xó La luôn ngọt, thanh mát bốn mùa, không thua bất cứ giếng nước ngọt nào trong đất liền và là giếng nước ngon nhất, có mạch nước ngầm ổn định nhất ở đất đảo.
Những năm đỉnh hạn, tất cả các giếng nước trên đảo Lý Sơn đều bị nhiễm mặn, riêng giếng Xó La thì không cạn mà cũng không nhiễm mặn. Khi sử dụng nước giếng để pha trà, nấu rượu, đều tạo nên một hương vị riêng: Đậm đà và thơm. Hầu như tất cả các quán cà-phê, nước giải khát, dịch vụ ăn uống trên đảo Lý Sơn, kể cả những người thích uống trà, đều sử dụng nước lấy từ giếng này. Cũng do nhu cầu dùng nước giếng Xó La, trên đảo xuất hiện dịch vụ lấy nước giếng bán lại cho người dùng. Nhiều người, chủ yếu là người cao tuổi neo đơn, đời sống khó khăn, sống dựa vào việc lấy nước giếng Xó La.
Những tháng mùa hè, nguồn nước ít hơn, những người lấy nước phải chọn thời điểm giếng thưa, vắng người (sáng tinh mơ hoặc chiều tối), dùng gàu lấy nước từ giếng lên theo cách thủ công, cho vào can nhựa (20-30 lít) rồi đưa lên xe đạp, xe máy vận chuyển đến cho người dùng.
Nghiên cứu về hệ thống nước ngầm trên đảo Lý Sơn, các nhà khoa học cho biết, hầu hết các giếng trên đảo đều có hai dòng nước ngầm, một dòng thấm ra từ lòng đảo và một dòng thấm từ biển vào nên các giếng đều bị nhiễm mặn. Ở giếng Xó La chỉ có một mạch nước ngầm thấm từ trong lòng đảo nên giếng được cung cấp nguồn nước ngọt quanh năm và không bị nhiễm mặn.
Di sản quý hiếm
Trên góc độ lịch sử, giếng cổ Xó La có nhiều nét tương đồng về kết cấu, vật liệu, hình dáng, vị trí với các giếng Chăm hiện còn sử dụng hoặc mới phát hiện ở Bình Sơn, Đức Phổ (Quảng Ngãi), Cù Lao Chàm, Hội An, Quế Sơn (Quảng Nam), Đông Hà, Gio Linh (Quảng Trị), Nghi Xuân, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), Quảng Trạch (Quảng Bình), Tĩnh Gia (Thanh Hóa), Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận)...
Các nhà nghiên cứu cho rằng, đây là loại hình giếng cổ, do người Chăm đào để lấy nước uống và sinh hoạt, một số giếng ở ven biển, hải đảo (Cù Lao Chàm, Lý Sơn) còn kết hợp bán nước ngọt cho các thương thuyền. Như vậy, sự hiện diện của giếng cổ Xó La ở Lý Sơn đã thêm một bằng chứng vật chất - văn hóa khẳng định sự tồn tại của cư dân Chăm trên đất đảo, cũng như kinh nghiệm của họ trong việc đoán định rất giỏi các mạch nước ngầm để đào giếng lấy nước ngọt.
Trên phương diện văn hóa, đây là công trình thể hiện nhiều đặc trưng văn hóa của cư dân biển đảo. Con người đã tận dụng và khai thác cũng như ứng xử với thiên nhiên theo truyền thống của mình. Mặc dù trải qua nhiều thế hệ chủ nhân, nhưng về mặt kỹ thuật, cư dân sinh sống ở đây vẫn kế thừa và phát huy thành quả của nhau để cùng hướng đến mục đích mang lại lợi ích cho con người.
Về giá trị thẩm mỹ du lịch, giếng cổ Xó La nằm ở vị trí gần giữa đảo, địa thế khá đẹp, một bên là biển, một bên là chân núi hòn Vung, gần Khu tượng đài và Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, có đường đi lại thuận lợi, nên có nhiều ưu thế để trở thành một điểm du lịch lý thú.
Khách tham quan có thể đến với giếng cổ Xó La bằng cách tản bộ dọc theo bờ biển để ngắm mây, nhìn sóng. Khi đã mỏi chân thì dừng lại thăm giếng Xó La, tự mình dùng gàu lấy lên một ít nước ngọt rửa mặt và nếm thử để cảm nhận vị nước giếng mát lành, lắng nghe người dân kể về những truyền thuyết kỳ ảo, hư hư thực thực gắn với giếng Xó La từ bao đời nay.
Để bảo vệ và phát huy giá trị di tích giếng cổ Xó La, ngoài việc công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2017, những năm qua, chính quyền địa phương và ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân địa phương nâng cao nhận thức, có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ và khai thác, phát huy giá trị di sản quý hiếm này phục vụ phát triển du lịch.
Bài và ảnh: Hiển Cừ