Bền bỉ sưu tầm câu Then cổ và không ngừng sáng tạo ra những làn điệu Then mới, tích cực truyền dạy và tâm huyết gìn giữ di sản Then Tày trong gần 40 năm qua cho quê hương, đó là tấm gương nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Thụy.
Sinh ra trong lòng bản Tày
Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Thụy (Sinh năm 1969), dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở bản Khuổi Phường, xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên (Lào Cai). Vùng quê nơi ông sinh ra có trên 90% dân tộc Tày sinh sống. Trải qua thời gian, đồng bào Tày nơi đây đã hình thành một kho tàng văn hóa truyền thống với bản sắc đa dạng, độc đáo, mang đậm lời ăn, tiếng nói của dân tộc mình. Trong đó, nổi bật là những câu hát Then cổ được sáng tác, diễn xướng và lưu truyền ngay trên mảnh đất Vĩnh Yên. Được nuôi dưỡng từ vốn văn hóa bản địa ấy, ngay từ khi còn nhỏ, ông Hoàng Văn Thụy đã say mê và lắng đọng trong tâm hồn mình những câu ca, làn điệu hát Then, hát Khắp ngọt ngào và mang đậm giá trị triết lý nhân sinh.
Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Thuỵ miệt mài gìn giữ điệu hát Then của dân tộc Tày.
Lớn lên, những câu Then theo ông đến trường, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong gia đình, bản làng và những sinh hoạt văn hóa cộng đồng của bản Khuổi Phường nói riêng và xã Vĩnh Yên nói chung. Xưa kia, cuộc sống nơi đây tuy có khó khăn, thiếu thốn nhưng người dân Vĩnh Yên luôn coi làn điệu hát Then là tài sản tinh thần mang đậm bản sắc của dân tộc mình, là cầu nối giữa trời với đất, giữa con người với thần linh trong các nghi lễ cúng Then. Câu hát Then gắn kết cộng đồng làng bản trong các hoạt động văn hóa gắn với các phong tục, tập quán. Bởi vậy, ở địa phương này đã từng có nghệ nhân Hoàng Thị Cứ, dân tộc Tày, từng lặn lội ngày đêm các bản làng để sưu tầm, ghi chép những bài Then cổ để mong lưu giữ di sản của cha ông và truyền lại cho thế hệ mai sau.
Tiếp nối “truyền nhân”
Tự hào được sinh ra trong lòng bản Tày, giữa những âm vang ngọt ngào, sâu lắng của làn điệu Then, ông Hoàng Văn Thụy ngay từ khi còn trẻ tuổi cho đến nay, đã tâm huyết thể hiện trách nhiệm và niềm say mê vừa sưu tầm, ghi chép, gìn giữ câu Then cổ quý giá của các bản làng nơi ông sinh sống, vừa không ngừng sáng tạo ra những bài hát Then hiện đại.
Nghệ nhân Hoàng Văn Thuỵ tích cực truyền dạy hát Then, đàn tính cho thế hệ trẻ trong các bản làng.
Ông Thụy kể rằng, ngay từ năm 1985, khi ấy ông mới 16 tuổi, trong xã ông có nghệ nhân dân gian Hoàng Thị Cứ, một người phụ nữ được dân bản kính trọng bởi sự bền bỉ và tâm huyết trong hành trình sưu tầm, lưu giữ và truyền lại cả một kho tàng hát Then, đàn tính. Cảm phục tâm huyết ấy của nghệ nhân dân gian Hoàng Thị Cứ, vào mỗi buổi sinh hoạt câu lạc bộ hát Then, đàn tính do bà Cứ chủ nhiệm và tổ chức, ông Hoàng Văn Thụy đều có mặt để tham gia, học tập và thuộc những bài Then cổ, hòa mình vào không gian diễn xướng thấm đẫm chất liệu của Then Tày quê hương mình. Dần dần, như mưa dầm thấm lâu, giá trị nhân văn cao đẹp của những làn điệu Then thấm dần vào con người ông Thụy và không biết từ lúc nào, hình thành trong ông tình yêu với câu hát dân gian của xứ sở. Ông trở thành học trò của nghệ nhân Hoàng Thị Cứ, được bà truyền dạy nhiều kiến thức trong nghệ thuật hát Then cũng như những nghi lễ cúng Then cổ truyền của đồng bào dân tộc Tày.
Đến năm 2012, nghệ nhân dân gian Hoàng Thị Cứ do tuổi cao, sức yếu đã qua đời, người dân trong các bản làng không khỏi lo lắng khi cả một gia tài văn hóa về hát Then theo cụ Cứ về với miền mây trắng. Thế nhưng, nỗi lo ấy không diễn ra bao lâu bởi ngay sau khi cụ Cứ qua đời, ông Hoàng Văn Thụy đã sẵn sàng đứng ra tiếp tục công việc mà “truyền nhân” còn đang dở dang. Đó là tiếp tục công việc sưu tầm, gìn giữ và truyền dạy về hát Then. Ông cùng với bà con dân bản bắt tay vào công việc tìm lại câu ca di sản của dân tộc mình với một ý thức làm việc nghiêm túc, miệt mài và không ngừng sáng tạo.
Trao truyền và sáng tạo không ngừng
Để duy trì hoạt động bảo tồn và truyền dạy hát Then, ông Hoàng Văn Thụy đã báo cáo địa phương để tiếp tục tổ chức, duy trì hoạt động của câu lạc bộ hát Then, đàn tính của bản, của xã. Lấy không gian là nhà văn hóa bản, mỗi tháng sinh hoạt định kỳ một lần, câu lạc bộ hát Then, đàn tính do ông Hoàng Văn Thụy làm chủ nhiệm đã duy trì hoạt động đều đặn qua các năm, ngày càng thu hút được đông đảo người dân đủ các lứa tuổi tham gia. Trong đó, nhiều phụ nữ dân tộc Tày trong bản có vốn sống, vốn kiến thức về hát Then, đàn tính dã tham gia tích cực, là những hạt nhân để ông Thụy truyền dạy và tổ chức các hoạt động diễn xướng. Ông Thụy cho biết, đến nay, câu lạc bộ hát Then, đàn tính của bản ông có 25 thành viên làm nòng cốt, ngoài ra, đông đảo các cháu học sinh và các phụ nữ trong bản cũng đam mê tham gia sinh hoạt để học tập kiến thức về hát Then, đàn tính.
Nghệ nhân Hoàng Văn Thuỵ cùng các thành viên câu lạc bộ hát Then tham gia nhiều hoạt động tại địa phương và toàn quốc.
Cách thức ông Hoàng Văn Thụy sưu tầm và gìn giữ hát Then là ông tích cực đi đến các bản làng trong và ngoài xã, gặp các nghệ nhân, các bậc cao niên trong làng, nghe họ nói chuyện, kể, hát về hát Then, đàn tính và các nghi lễ Then. Nghe đến đâu, ông tỉ mỉ ghi chép vào cuốn sổ tay cá nhân rồi về nhà, ông tập hợp, phân loại, nhờ người đánh máy để cho dễ đọc và lưu giữ được tốt hơn. Ông mang những bài Then cổ đó ra giới thiệu, truyền dạy cho các thành viên trong câu lạc bộ để mỗi người là một địa chỉ lưu giữ quan trọng. Cùng với công việc đó, ông Hoàng Văn Thụy còn không ngừng nghiên cứu, sáng tạo ra những bài hát Then hiện đại vừa mang đậm đặc trưng của những câu Then cổ, vừa mang hơi thở cuộc sống hôm nay. Đến nay, ông Hoàng Văn Thụy đã sưu tầm, lưu giữ được trên 10 bài hát Then cổ được hình thành ngay tại quê hương ông. Đồng thời, ông cũng sáng tác được trên 60 bài hát Then mới ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước, ca ngợi nông thôn mới… được đánh máy, đóng thành quyển để lưu giữ và truyền dạy.
Khi được hỏi về yếu tố nào quan trọng để một người có thể tiếp cận và thuần thục hát Then, nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Thụy chia sẻ: Để đến với hát Then, mỗi người cần có tình yêu, niềm đam mê với câu ca di sản của dân tộc mình, có kiến thức, sự am hiểu về những giá trị của hát Then, đàn tính cũng như môi trường, nghệ thuật diễn xướng, sau đó mới bàn đến năng khiếu của mỗi người.
Trải qua thời gian, vốn kiến thức về hát Then, đàn tính của ông Hoàng Văn Thụy ngày càng được tích lũy và đa dạng hơn. Không dừng lại ở việc tổ chức sinh hoạt văn hóa tại bản làng, câu lạc bộ hát Then do ông làm chủ nhiệm ngày càng lớn mạnh và tham gia biểu diễn tại xã, huyện, tỉnh và toàn quốc nhân dịp ngày hội văn hóa các dân tộc, liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn tính toàn quốc. Năm 2019, ông và câu lạc bộ đạt giải A cấp tỉnh tại Hội thi văn nghệ quần chúng tỉnh Lào Cai. Ông Thụy cho biết, đến nay, câu lạc bộ của ông đã tham gia biểu diễn tại các kỳ liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn tính toàn quốc (khu vực phía Bắc) được tổ chức tại các tỉnh như Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang… đội của ông từng đạt 03 giải A tại các tỉnh như Bắc Cạn (2009), Lạng Sơn (2012), Tuyên Quang (2015). Những năm gần đây, nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Thụy còn dành thời gian đến các nhà trường từ mầm non đến THPT trên địa bàn để phổ biến, truyền dạy và diễn xướng hát Then cho các em học sinh. Tại các buổi ngoại khóa, các chương trình trải nghiệm hướng nghiệp, ngày hội văn hóa các dân tộc của các nhà trường, nghệ nhân Hoàng Văn Thụy với cây đàn tính cổ truyền đã giới thiệu một cách đầy đủ, dễ hiểu và truyền cảm những kiến thức về hát Then, đàn tính cho các em học sinh. Sau đó, ông truyền dạy tỉ mỉ những bài Then do ông sáng tác để truyền cảm hứng và hình thành trong mỗi em học sinh tình yêu câu ca xứ sở.
Nói về những khó khăn trong truyền dạy hát Then hiện nay, nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Thụy chia sẻ rằng: Giới trẻ ngày nay dưới sự tác động của sự phát triển xã hội, công nghệ thông tin và mặt trái trong đời sống đã ít nhiều bị mai một kiến thức cũng như tình yêu đối với hát Then. Tuy là dân tộc Tày nhưng nhiều em còn ngại tiếp cận với hát Then, chưa chịu khó tìm hiểu và học tập cũng như trình diễn hát Then trong và ngoài nhà trường. Ông mong rằng, thế hệ trẻ hôm nay và mai sau không quên câu ca của cha ông, di sản của đất nước và nhân loại, để mỗi người trẻ là một hạt nhân tích cực trong bảo tồn, gìn giữ và trao truyền.
Đồng chí Hoàng Viết Hồng - Phó Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên (Lào Cai) cho biết: “Câu lạc bộ hát Then Vĩnh Yên được thành lập và duy trì hoạt động rất hiệu quả. Trong suốt những năm qua, nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Thụy là một công dân tích cực, tâm huyết và không ngừng sáng tạo trong hành trình tìm lại, bảo tồn, trao truyền và tiếp nối câu hát Then của dân tộc Tày. Tấm gương của nghệ nhân Hoàng Văn Thụy có sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng, được dân bản tin yêu. Nghệ nhân Hoàng Văn Thụy cùng câu lạc bộ hát Then, đàn tính đã và đang đóng góp tích cực không chỉ cho địa phương mà còn có công lao đưa câu hát Then của bản làng vươn ra toàn quốc”.
Noi gương và được nghệ nhân Hoàng Văn Thuỵ truyền cảm hứng, các em học sinh dân tộc Tày tại các nhà trường trên địa bàn tích cực học và diễn xướng hát Then, đàn tính.
Ghi nhận những đóng góp tích cực, hiệu quả trong công tác sưu tầm, bảo tồn và truyền dạy hát Then, đàn tính, năm 2018, ông Hoàng Văn Thụy được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, trong những năm qua, ông đã được Hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp từ xã đến Trung ương tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen.
“Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, điều đó rất cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Thái trên cả nước gìn giữ, bảo tồn và không ngừng sáng tạo để câu hát Then ngày càng giàu đẹp, phong phú, độc đáo và có sức sống trường tồn trong lòng nhân loại. Nghệ nhân Hoàng Văn Thuỵ là minh chứng sinh động cho việc gìn giữ và trao truyền câu hát Then ở thực tiễn địa phương của đồng bào dân tộc Tày”, đồng chí Hoàng Viết Hồng nhấn mạnh./.
Bài và ảnh: Nguyễn Thế Lượng