Vườn chim trời giữa thị trấn An Châu - An Giang

Cập nhật: 27/05/2024
Nhiều năm qua, hình ảnh đàn chim trời ở thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang trở nên quen thuộc với người dân. Ngày nào cũng vậy, vào lúc bình minh hay hoàng hôn, chúng bay lượn quanh thị trấn kêu hót vang.

Đàn cò trắng trong vườn chim.

Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều nơi chim trời đến trú ngụ nhưng phần đông đều ở các vùng xa, ít người và các loại xe qua lại, nhưng bầy chim này lại chọn nơi trú ngụ ở khu đất vườn thuộc khóm Hòa Long 3, cách Quốc lộ 91 vài trăm mét.

Trong đàn chim, chiếm số lượng nhiều nhất là cò trắng, số còn lại là cồng cộc cùng nhiều loài chim khác. Chúng sinh sống được như thế nhờ nhiều người dân bảo vệ, trong đó, tích cực nhất là ông Tư Phát, tên thật là Nguyễn Kỳ Phát.

Hơn 10 năm qua, ông Tư Phát đã che chở cho đàn chim dù chẳng thu được lợi ích kinh tế nào mà hằng ngày còn phải nhọc công bảo vệ khi chúng bị săn bắt, lại còn bị một số người phàn nàn bởi tiếng ồn ào từ vườn chim.

Bù lại, ông Tư Phát lại có niềm vui tinh thần khi mỗi ngày ngắm bầy chim yên bình vỗ cánh chao lượn, kêu inh ỏi trong sân vườn. Ông cho biết, khu sân chim rộng hơn 5 héc-ta, là nơi chủ đất của ông trồng nhiều cây tràm, cây xoài cùng vài loại cây khác. Ông đến xin ở nhờ, giữ vườn.

Khi đó, khu vườn tĩnh lặng chưa có chim chóc làm tổ. Không lâu sau, vài con cò trắng nhiều lần bay đến đậu vẩn vơ trong vườn cây như thăm dò “đất địa” để làm tổ.

Những cánh cò bay chấp chới liên tục trong sân vườn đã thu hút sự chú ý của ông Phát nhưng vốn không ưa sát sinh nên ông không săn bắt chúng làm thịt hay bán, cũng không phá tổ bắt chim non, lấy trứng. Khi thấy chim non trên tổ rơi xuống đất, ông còn tìm cách đưa chúng lên tổ lại.

Bầy chim có nơi trú ẩn tốt như phát ra tín hiệu kêu đồng loại cho nên chim kéo đến vườn mỗi ngày một đông. Ban đầu, chỉ vài trăm cá thể, rồi số lượng tăng nhanh, đếm không xuể.

Thấy đàn chim quá đông, ông Phát báo lại chủ đất. Với quan niệm “đất lành chim mới đậu” mang lại tốt lành, cho nên chủ đất cũng không cho người đánh bẫy hay đuổi chim đi. Như sự cộng hưởng tự nhiên, mặc dù bầy chim về ở nhưng cây trong vườn không bị héo lá, héo thân mà ngày càng xanh tốt.

Qua thời gian, bầy chim tăng dần số lượng, cứ mỗi thân cây là có chim ở, làm tổ. Chim, cò đậu nhiều quá cho nên nhiều cây tràm nhìn từ xa như đang trổ hoa trắng. Ông Phát ước chừng có hơn 7.000 con chim.

Thế là từ công việc làm bảo vệ vườn cây, nay ông Phát thêm nhiệm vụ “bất đắc dĩ” là bảo vệ vườn chim. Nhưng có chim sẽ lại có người săn bắt.

Khi thấy có người lén lút giăng lưới, đặt bẫy hay mang súng, ná thun bắn chim thì ông tìm cách khuyên răn, năn nỉ họ đừng đánh bắt vì lũ chim ăn côn trùng cũng có ích cho nhà nông. Nhưng đâu phải ai cũng nghe lời, nhìn nhiều con chim bị sát hại ông buồn lắm nhưng vẫn ôn hòa giải thích, ngăn cản để mong họ nghĩ lại.

Một số người dân gần vườn chim trước đó khó chịu với tiếng ồn ào của bầy chim nhưng sau nhận ra tiếng chim líu lo, hót rộn ràng như bản hòa ca được thiên nhiên ban tặng cho nên từ chỗ ghét bỏ, họ đã cùng ông Phát bảo vệ chúng.

Ban ngày, đàn chim bay tỏa đi các hướng kiếm ăn, chiều tối lại bay về tổ kêu inh ỏi, rồi tiếng chim non kêu ríu rít rất vui tai. Nhìn lũ chim non tập bay, chuyền cành qua lại, cánh còn non yếu, bay rớt lên, rớt xuống, ông Phát thấy thư thả tinh thần. Lũ chim non cảm nhận sự bình yên cho nên rất dạn người.

Chuyện ông Phát giữ bầy chim trời, nhiều người bảo đó là việc bao đồng nhưng ông không hề bận tâm. Ông Phát định một ngày nào đó sẽ làm quán nước sinh thái trong vườn chim cho du khách đến tham quan, ngắm chim, cò, để từ đó gửi thông điệp kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã.

Sân chim cũng gần các điểm trường học và việc dã ngoại ngắm chim để tìm hiểu về tập tính sinh sống của chúng cũng là bài học bổ ích, thiết thực cho thầy, cô giáo và học sinh; từ đó góp phần chung tay trong việc bảo vệ chim trời và các loài động vật hoang dã khác.

Bài và ảnh: Thanh Dũng

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 26/5/2024