Miền Trung được ví là xứ sở của “biển xanh, cát trắng, nắng vàng”. Trong những năm qua, lĩnh vực du lịch biển luôn được các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung chú trọng đầu tư phát triển, mang lại hiệu quả, có đóng góp lớn trong thành tích chung của du lịch từng địa phương và khu vực. Tuy nhiên, phát triển du lịch biển ở miền Trung vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, còn thiếu sự đột phá và mang tính mùa vụ.
Bán đảo Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới là nơi thu hút nhiều dự án du lịch, dịch vụ ở Quảng Bình.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định du lịch biển, đảo là một trong bốn dòng sản phẩm chủ đạo, có lợi thế của du lịch Việt Nam. Sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch biển, đảo, du lịch biển, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung bước đầu đã tìm được hướng đi phù hợp để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, trở thành một cực tăng trưởng của ngành du lịch.
Nằm ở tâm điểm của miền Trung, hội đủ các điều kiện thuận lợi về hạ tầng giao thông, thời tiết, khí hậu và lực lượng lao động nhân lực cao, trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển du lịch biển, từ đó tạo sự thu hút và kết nối với các địa phương khác.
Biến tiềm năng thành lợi thế
Năm 2024, thành phố Đà Nẵng mang đến cho du khách chuỗi các sự kiện - lễ hội đặc sắc như: lễ hội bóng đá Việt Nam - Brazil 2024, lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, liên hoan nghệ thuật đường phố quốc tế, liên hoan phim châu Á Đà Nẵng... Gần đây, nhiều sản phẩm du lịch mới theo từng giai đoạn được ra mắt phục vụ nhu cầu của khách du lịch như: trình diễn nhạc nước, trình diễn mô-tô nước, flyboard kèm hiệu ứng âm thanh, ánh sáng và pháo hoa, khai trương phố đi bộ Bạch Đằng và thí điểm dịch vụ về đêm trên cầu Nguyễn Văn Trỗi và công viên bờ đông chân cầu Nguyễn Văn Trỗi.
Đặc biệt là chương trình tàu hỏa du lịch Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng “Kết nối di sản miền Trung” với nhiều trải nghiệm đặc sắc. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng chia sẻ: “Sự kiện lễ hội bóng đá Việt Nam - Brazil là khởi đầu hoàn hảo cho mùa du lịch biển năm nay và tạo tiền đề cho Đà Nẵng trở thành điểm đến đáng mong chờ cho loại hình du lịch thể thao trong thời gian tới”.
Là địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tỉnh Quảng Nam có bờ biển dài hơn 125 km, với nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng như: Cửa Đại, An Bàng, Tam Thanh, Bãi Rạng... cùng với nhiều hòn đảo gần bờ, là nguồn tài nguyên lớn để phát triển du lịch biển, đảo. Để phát triển du lịch biển, Quảng Nam đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch. Đặc biệt, từ khi cầu Cửa Đại bắc qua sông Thu Bồn và tuyến đường ven biển nối từ thành phố Hội An tới sân bay Chu Lai, huyện Núi Thành được đưa vào sử dụng đã tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực vùng phía đông, mở ra cơ hội mới cho phát triển du lịch biển.
Trước đây, phần lớn các cơ sở du lịch, mạng lưới dịch vụ phục vụ du khách chỉ tập trung ở khu vực Hội An (phía bắc sông Thu Bồn), nhưng từ khi tuyến đường lớn ven biển được đưa vào sử dụng đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở du lịch quy mô lớn ở phía nam sông Thu Bồn.
Tiêu biểu như: khu nghỉ dưỡng phức hợp Nam Hội An - Hoiana, Tui Blue Nam Hội An, Vinpearl Resort & Golf Nam Hội An... mang lại tiện nghi đẳng cấp quốc tế, góp phần thu hút và “níu chân” du khách đến tham quan, trải nghiệm và nghỉ dưỡng tại Quảng Nam dài ngày hơn. Hiện nay, các khu nghỉ dưỡng quy mô lớn này đều được kết nối thông suốt với sân bay Chu Lai, sân bay quốc tế Đà Nẵng, cảng Kỳ Hà và cảng biển du lịch Cửa Đại, nên rất thuận lợi cho du khách khi đến tham quan.
Ở phía bắc miền Trung, Quảng Bình không chỉ nổi tiếng với hệ thống hang động kỳ vĩ mà còn có dải cát ven biển dài hơn 116 km với nhiều bãi tắm đẹp, hoang sơ, nước trong, cát mịn. Địa hình ven biển tạo nên nhiều cảnh quan kỳ thú, hấp dẫn như đèo Ngang, thắng cảnh Vũng Chùa, đảo Yến cùng mũi Rồng thuộc dãy Hoành Sơn đâm ngang ra biển. Bên cạnh việc thư giãn trong làn nước trong xanh khi đến với các bãi biển tại Quảng Bình, du khách còn được trải nghiệm các hoạt động thú vị khác như trượt cát, sử dụng xe mô-tô địa hình trên đồi cát; câu mực về đêm; thưởng thức hải sản tươi sống vừa mới đánh bắt...
Thời gian qua, trên vùng đất cát ven biển, tỉnh Quảng Bình đã đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng như đường giao thông, điện để giúp các nhà đầu tư triển khai các dự án du lịch, khu nghỉ dưỡng có quy mô lớn như: quần thể sân golf, nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC, khách sạn Wyndham, Pullman, Vinpearl...
Đặc biệt, từ một vùng cát trắng bên kia sông Nhật Lệ, đến nay bán đảo Bảo Ninh trở thành đô thị biển gắn với dịch vụ nghỉ dưỡng nổi tiếng của Quảng Bình. Theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, du lịch biển có vai trò rất quan trọng đối với ngành du lịch của tỉnh. Hằng năm, số lượng khách đến Quảng Bình lựa chọn loại hình du lịch biển có xu hướng tăng lên và chiếm hơn 70% tổng số lượt khách du lịch đến Quảng Bình. Doanh thu từ hoạt động du lịch biển chiếm tỷ trọng tương đối cao trong tổng doanh thu du lịch của tỉnh.
Nhiều sản phẩm đặc sắc
Với mục tiêu phát triển thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp và hướng tới điểm đến du lịch hàng đầu châu Á, Đà Nẵng đang tập trung triển khai nhiều giải pháp phát triển du lịch đồng bộ, trong đó đẩy mạnh hợp tác liên kết với Thừa Thiên Huế - Quảng Nam - Quảng Bình và Hà Nội, mở rộng hợp tác với các tỉnh, thành phố khác như: Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Lạt... Gần đây, với sự hỗ trợ của ngành đường sắt, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế đưa vào hoạt động đoàn tàu du lịch Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung”.
Đây được xem là sản phẩm du lịch mới không chỉ kết nối giao thông của hai địa phương, mà còn mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến với hai thành phố du lịch vừa cổ kính, vừa hiện đại. Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Hồ Thanh Tú đánh giá, đoàn tàu du lịch Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng đưa vào khai thác đã mang đến cho du khách cơ hội trải nghiệm cung đường mềm mại ven biển tuyệt đẹp của Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, du khách có nhiều lựa chọn để tham gia vào tour kết nối hành trình di sản miền Trung. Sản phẩm này phù hợp với thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng (khách inbound), đặc biệt dòng khách từ thị trường Tây Âu ưa trải nghiệm, khám phá.
Cũng tại Đà Nẵng, còn có thêm một sản phẩm du lịch mới, ít nơi có được, đó là “điểm đến du lịch cưới”. Tiếp nối đám cưới của cô dâu Kashmera và chú rể Inderdeep (Ấn Độ), diễn ra từ ngày 19 đến 21/1/2024 với gần 500 khách mời, tại khách sạn Sheraton Grand Danang Resort, thành phố biển xinh đẹp này đón thêm hai cặp đôi Ấn Độ đến tổ chức đám cưới trong tháng 2/2024.
Ông Dhinesh Rajarathinam, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn và Tổ chức sự kiện Dated Luxury Weddings, đơn vị tổ chức các đám cưới của cô dâu chú rể Ấn Độ tại Đà Nẵng cho biết: “Trong năm 2024, chúng tôi đã nhận được yêu cầu tư vấn tổ chức cưới cho khoảng 30 cặp đôi quốc tế. Riêng các cặp đôi từ Ấn Độ, chúng tôi tổ chức hôn lễ cho 6-8 cặp đôi trong năm nay”.
Tương tự, ngành du lịch Quảng Nam cũng đang nỗ lực tạo ra những sản phẩm du lịch mới, đa dạng nhằm phục vụ du khách trong dịp hè. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết, mới đây, tỉnh đã tổ chức chương trình kích cầu thu hút khách du lịch với chủ đề “Quảng Nam - Miền xanh Di sản” diễn ra từ tháng 5 đến tháng 11/2024, gồm hai giai đoạn; trong đó, giai đoạn một “Quảng Nam - Cảm xúc mùa hè” từ tháng 5 đến tháng 8 và giai đoạn hai “Mùa vàng xứ Quảng” từ tháng 9 đến hết tháng 11/2024.
Chương trình kích cầu này thu hút hơn 100 doanh nghiệp hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh tham gia với nhiều gói sản phẩm du lịch đặc sắc và chính sách giá ưu đãi đi kèm các dịch vụ chất lượng cao. Nhiều gói sản phẩm du lịch mới ngay sau khi tung ra đã gây sự chú ý, thu hút du khách như: gói ba ngày hai đêm, với hành trình trải nghiệm nghỉ dưỡng tại các khách sạn hạng sang và tự do tham quan các điểm đến nổi tiếng: Phố cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, Vinwonder Nam Hội An, Rừng dừa Bảy Mẫu; gói sản phẩm nghỉ dưỡng biển cao cấp, golf...
Sau một thời gian bị chững lại do sự cố môi trường, du lịch biển Quảng Bình đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, cơ sở hạ tầng du lịch ven biển vẫn là nơi có khu nghỉ dưỡng đạt các tiêu chuẩn cao nhất tỉnh. Ngay cả lao động trong ngành du lịch, lao động du lịch biển cũng chiếm tỷ lệ cao nhất, với hơn 60%. Bước vào mùa du lịch năm nay, cùng với việc đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu nghỉ dưỡng, giải trí thể thao tại điểm du lịch bãi biển, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình phối hợp với doanh nghiệp phát triển các dịch vụ thể thao trên biển, như: lướt ván, mô-tô nước, dù bay, đua thuyền buồm; các sản phẩm du lịch đường sông và một số dịch vụ giải trí ban đêm trên bãi biển.
Đưa vào hoạt động từ mùa hè năm 2022, mô hình du lịch Blue Sea QB đang khá thành công với việc khai thác không gian của bãi cát trên bờ biển Nhật Lệ mang tới nhiều ấn tượng cho du khách. Chị Ngô Thanh Hiền, đại diện Blue Sea cho biết, cơ sở đã được đầu tư thêm nhiều dịch vụ và “khoác áo mới” cho không gian check-in. Du khách đến đây vừa thưởng thức đồ uống, nghe nhạc, vừa thỏa sức thả mình trong không gian biển Nhật Lệ khoáng đạt và lung linh, trong sự mơn man của từng ngọn gió nồm Đồng Hới.
Đặc biệt, nằm trên vùng cát ven biển phía nam tỉnh Quảng Bình là những cánh quạt gió khổng lồ xen giữa đồi cát điệp trùng, len giữa những hồ nước tự nhiên trong vắt. Khung cảnh tuyệt đẹp và lãng mạn ấy là địa điểm check-in lý tưởng cho du khách khi đặt chân đến Quảng Bình. Hiện nay, với tour du lịch “Cung đường biển Hải Ninh”, du khách được trải nghiệm một không gian rộng mở với cát trắng, nắng vàng, hồ nước trong xanh và những “cây quạt gió” khổng lồ, khám phá cuộc sống thường nhật của những người dân vùng biển hiền hòa, chân chất và thưởng thức các đặc sản tươi ngon của làng biển Quảng Bình.
Bài, ảnh: Hương Giang, Anh Đào và Tấn Nguyên
Miền trung tạo động lực tăng trưởng mới từ du lịch biển - Bài 2: Hướng tới phát triển bền vững