An Giang: Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng phát triển du lịch

Cập nhật: 29/05/2024
Thời gian qua, tỉnh An Giang tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển du lịch hoàn chỉnh, gồm: Hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông, hạ tầng dịch vụ… để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

An Giang là tỉnh đầu nguồn của vùng châu thổ sông Cửu Long với diện tích 3.424km2, là nơi sinh sống của hơn 1,9 triệu dân gồm cộng đồng các dân tộc anh em Kinh, Chăm, Hoa, Khmer và là cửa ngõ giao thương với các nước khu vực ASEAN như Campuchia, Lào và Thái Lan. Nhiều giá trị văn hóa tại An Giang có tính vượt trội nổi bật so với các địa phương khác trong vùng như tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ Núi Sam (Châu Đốc); nền văn hóa cổ đại Óc Eo - Ba Thê (Thoại Sơn); khu tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (Long Xuyên); khu di tích lịch sử Tức Dụp (Tri Tôn); Nhà mồ Ba Chúc (Tri Tôn).

Ngoài những tài nguyên du lịch văn hóa, An Giang còn có lợi thế về phát triển du lịch sinh thái đặc trưng như loại hình du lịch sông nước và du lịch nông nghiệp. Các điểm du lịch sinh thái như rừng tràm Trà Sư (mô hình rừng ngập nước tiêu biểu của vùng Tây sông Hậu), chợ nổi Long Xuyên, làng Chăm, cù lao Ông Hổ, cù lao Giêng và các điểm tham quan thuộc dãy Thất Sơn là những điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh hấp dẫn du khách gần xa. An Giang có nhiều sản phẩm, quà tặng lưu niệm đa dạng phong phú dành cho du khách. Từ các sản phẩm gắn với các làng nghề truyền thống như: dệt Uzu, lụa Tân Châu, thổ cẩm Chăm, thổ cẩm Khmer, tranh lá thốt nốt cho đến các sản phẩm, đặc sản ẩm thực như: mắm, khô, đường thốt nốt, bánh bò Chăm, Tung lò mò…

Với những lợi thế sẵn có, tỉnh An Giang đang đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hạ tầng thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ hơn. 

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, để phát triển “ngành công nghiệp không khói”, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) xác định mục tiêu: “Khai thác mạnh mẽ lợi thế của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Phát triển hài hòa giữa kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Đồng thời, xác định khâu đột phá: Đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch”.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2020 - 2025), thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành nên tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về vị trí, vai trò của ngành du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, tạo động lực phát triển du lịch theo định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tỉnh An Giang đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về du lịch, tạo bước đột phá phát triển toàn diện, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, hướng tới mục tiêu trở thành một trong những trung tâm du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Năm 2024, An Giang phấn đấu đón 9 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến các khu, điểm du lịch, điểm tham quan. Trong số đó, có 25.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2024 phấn đấu đạt 6.200 tỷ đồng. An Giang đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào 4 khu, điểm du lịch trọng điểm, có lợi thế cạnh tranh cao trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Khu Du lịch Quốc gia Núi Sam (Châu Đốc); Khu Du lịch Núi Cấm, rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên); Khu Du lịch Mỹ Hòa Hưng - cồn Phó Ba (Long Xuyên); Khu Di tích Văn hóa Óc Eo-Ba Thê (Thoại Sơn). An Giang đang đẩy nhanh việc thực hiện các dự án hạ tầng giao thông liên kết vùng và liên kết các huyện, thị xã, thành phố để phát triển kinh tế xã hội, trong đó có phát triển du lịch.

Về hạ tầng giao thông, An Giang tập trung thực hiện các dự án liên kết vùng và liên kết huyện, thị xã, thành phố để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có phát triển du lịch, như: Dự án thành phần 1 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1; đề xuất, kiến nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư các dự án tuyến nối từ điểm đầu đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và điểm đầu đường cao tốc đến điểm đầu Quốc lộ 91 đi Cửa khẩu Khánh Bình (theo tuyến Quốc lộ 91C); dự án xây dựng cầu Tôn Đức Thắng (kết nối từ TP. Long Xuyên với xã Mỹ Hòa Hưng); dự án đầu tư xây dựng cầu Tân Châu - Hồng Ngự…

Hệ thống cáp treo ở Khu du lịch Núi Cấm (huyện Tịnh Biên). Ảnh: TS. 

Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục chuẩn bị, rà soát danh mục dự án thuộc lĩnh vực du lịch, chính sách ưu đãi mời gọi đầu tư song song với việc tăng cường thông tin, tuyên truyền, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của An Giang, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư đến với địa phương. Tiếp tục thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh”. 

Về hạ tầng thông tin, An Giang đang đẩy mạnh hoạt động thanh toán điện tử, thương mại điện tử cho DN trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là DN du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là ứng dụng trên môi trường điện tử, thiết bị thông minh. Tăng cường áp dụng công nghệ, giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch để tăng cường tương tác, trải nghiệm, khám phá của du khách. 

Nghiên cứu mở rộng Cổng thông tin và app du lịch với các tính năng nâng cao (bản đồ số, thực tế ảo(VR), thực tế tăng cường (AR), 3D), mở rộng hệ thống lưu trú trên địa bàn toàn tỉnh. Vận hành thử nghiệm hệ thống du lịch thông minh: Trải nghiệm thực tế qua mạng xã hội Facebook, Zalo, QR code, App du lịch An Giang, phản ánh hiện trường; đẩy mạnh ứng dụng thực tế ảo vào quảng bá di tích, danh lam thắng cảnh An Giang. Đặc biệt, ngành du lịch của tỉnh đã nghiên cứu mở rộng Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh An Giang và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động với nhiều tính năng nâng cao, như: Bản đồ số, thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường, hình ảnh và video clip 360 độ, du lịch tương tác 3D…

Việc đưa vào vận hành Cổng thông tin du lịch và Ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động tỉnh An Giang được xem là bước đi đầu tiên trong việc xây dựng, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, giúp kết nối các chủ thể hoạt động trong ngành du lịch. Thông qua đó, từng bước đáp ứng nhu cầu trải nghiệm ngày càng cao của du khách, hướng đến cung cấp cho du khách những tiện ích, tính năng thông minh, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để có trải nghiệm ngày càng thú vị hơn khi tiếp cận với hoạt động du lịch của An Giang. 

Bên cạnh đó, An Giang đổi mới công tác xúc tiến quảng bá với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, trên nhiều kênh thông tin, nhất là trên các kênh truyền thông chuyên nghiệp, hiện đại, có sức hấp dẫn, thuyết phục du khách quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch và con người An Giang trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khai thác hiệu quả thị trường khách du lịch nước ngoài.

Đồng thời, tăng cường liên kết vùng trong hoạt động du lịch; triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa, tập trung vào kỳ nghỉ hè, nghỉ lễ, Tết và các lễ hội cuối năm. Tiếp tục thực hiện các Chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch đã ký kết: Cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long, Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long; Kế hoạch hợp tác liên kết về du lịch giữa tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp.

Hoàng Hà

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 27/5/2024