Các vùng đất ngập nước được đánh giá là có sự đa dạng sinh học cao nhất trong tất cả các hệ sinh thái. Do đó, trong những năm qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác hiệu quả gắn với bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học tại khu vực này.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, các vùng đất ngập nước có vai trò quan trọng đối với tài nguyên nước và cuộc sống con người. Đất ngập nước cũng là không gian bảo tồn đa dạng sinh học quan trọng; bảo vệ, giảm thiểu tác động của bão, nhất là các hệ sinh thái rừng ngập mặn, là tấm chắn bảo vệ vùng ven biển. Các vùng đất ngập nước cung cấp lương thực, thực phẩm, hỗ trợ phát triển kinh tế từ việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Gần đây, vùng đất ngập nước còn được khai thác mạnh để phát triển ngành du lịch. Do đó, việc bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước là một trong những mục tiêu ưu tiên của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đối với Bà Rịa - Vũng Tàu, các vùng đất ngập nước chủ yếu tập trung ở Vườn quốc gia Côn Đảo, rừng ngập mặn ở Long Sơn, TP.Vũng Tàu và các ao đầm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu… Các vùng đất ngập nước này có tính đa dạng sinh học cao, với nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế, quý, hiếm.
Các vùng đất ngập nước của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có phân bố rải rác tại các hệ sinh thái: Hệ sinh thái ven biển, đảo: đối với phần nội địa, tỉnh có chiều dài đường bờ biển 304 km, trong đó bờ biển phần đất liền dài 130,7 km (tính theo đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm), hình thành bởi các cửa sông nhỏ, các vùng đất ngập nước tự nhiên và rừng ngập mặn. Đáng chú ý là các bãi cát ven biển, bãi đá ven biển, cồn cát ven biển, rừng ngập mặn tự nhiên, rừng đước trồng.
Diện tích rừng ven biển gồm 9.309,8 ha của Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu và diện tích của Vườn quốc gia Côn Đảo là 19.990,7 ha, trong đó có khoảng 30 ha rừng ngập mặn, 1.500 ha rạn san hô, 30 ha thảm cỏ biển. Hệ sinh thái các thủy vực nội địa: Bà Rịa - Vũng Tàu lại có một hệ thống thủy vực khá dày đặc tạo bởi bốn dòng sông chính, bao gồm: sông Thị Vải - Cái Mép; sông Dinh; sông Ray; và sông Đu Đủ. Ngoài ra, tỉnh còn có một hệ thống hồ chứa, đập dâng, ao, bàu, rạch tự nhiên và nhân tạo phục vụ nhu cầu sinh hoạt và phát triển kinh tế, có thể kể đến như: hồ Linh, hồ Tràm, hồ Đá Đen, hồ Sông Ray, hồ Châu Pha, hồ Xuyên Mộc, hồ Bàu Sen, hồ Bàu Trũng và hồ Mang Cá. Ngoài ra, còn có hồ An Hải và hồ Quang Trung 1,2 của huyện Côn Đảo.
Các vùng đất ngập nước trên địa bàn tỉnh có tính đa dạng sinh học cao, với nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế, quý, hiếm.
Vườn quốc gia Côn Đảo hiện có 14.000 ha đất ngập nước, trong đó, có khoảng 2.113 ha vùng đất ngập nước mặn ven biển gồm các vịnh nông khi triều thấp, các khu vực bờ biển, ven biển có đá, cát, sỏi, vùng có rừng ngập mặn. Theo các nhà nghiên cứu, vùng đất ngập nước ở Côn Đảo là cái nôi của đa dạng sinh học và cung cấp nước cũng như những điều kiện cơ bản giúp nhiều loài động thực vật tồn tại. Đây cũng là nơi tập trung ở mức cao các loài chim, loài thú có vú, bò sát, động vật lưỡng cư, cá và các loài nhuyễn thể.
Trong số các vùng đất ngập nước ở Côn Đảo, rừng ngập mặn có diện tích hơn 30 ha, là một trong những khu rừng nguyên sinh hiếm hoi còn lại của Việt Nam. Rừng ngập mặn phân bố rải rác ở nhiều khu vực khác nhau với diện tích không lớn nhưng đa dạng, khu vực lớn nhất khoảng 5,9 ha, nhỏ nhất khoảng 0,5 ha. Các rạn san hô ở Côn Đảo cũng thuộc loại cổ xưa nhất ở Việt Nam, phân bố tại khu vực nước nông xung quanh các đảo, chiếm tổng diện tích khoảng 1,8 ha. Các rạn san hô ghi nhận mức độ đa dạng sinh học cao với hơn 342 loài, 61 giống, 17 họ đã được ghi nhận trong vùng.
Để chủ động ứng phó với sự suy thoái đa dạng, Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đã thực hiện nhiều dự án nhằm phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ngoài phục hồi thành công các rạn san hô cứng tại khu Ramsar (khu đất ngập nước), vườn còn phối hợp với Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ thực hiện đề tài Nghiên cứu trồng thử nghiệm một số loài cây ngập mặn trên nền cát, đá, sỏi, vụn san hô ngập triều không thường xuyên với tổng diện tích 4,5 ha tại khu vực ven bờ biển các đảo thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo như Hòn Bà, Hòn Bảy Cạnh và khu vực Ông Đụng (đảo Côn Sơn).
Ngoài ra, Vườn còn thực hiện các hoạt động quan trắc môi trường nước biển; giám sát một số loài động vật quý hiếm xuất hiện tại vùng biển Côn Đảo và các nghiên cứu, giám sát vùng phân bố của các loài bò biển, cá heo… Đồng thời phục hồi một số hệ sinh thái điển hình như san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn…
Trước những giá trị về đa dạng sinh học của các khu đất ngập nước trên địa bàn, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4143 /UBND-VP về việc Triển khai thực hiện Kế hoạch hành động Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương, tiếp tục tổ chức thống kê, kiểm kê, phân loại các vùng đất ngập nước thuộc địa bàn quản lý theo pháp luật về đất đai, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Từ đó triển khai kế hoạch trồng, phục hồi các hệ sinh thái rừng ngập mặn, vùng cửa sông, ven biển, rạn san hô, thảm cỏ biển… để tái lập sự đa dạng sinh học trước đây.
Việc bảo vệ diện tích rừng và số loài động thực vật quý hiếm bị đe dọa trong khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu và Vườn quốc gia Côn Đảo… cũng được tăng cường. Để phát huy giá trị các vùng đất ngập nước, thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn, phục hồi các vùng đất ngập nước như: trồng rừng ngập mặn; lựa chọn mô hình ứng dụng phục hồi san hô cứng tại khu Ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo; đồng thời, triển khai dự án di dời, cứu hộ trứng và rùa con để phục hồi quần thể rùa biển tại Côn Đảo trước tác động của nhiệt độ tăng, triều cường, nước biển dâng do biến đổi khí hậu (BĐKH); quan trắc môi trường nước biển định kỳ; tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải…
Bảo vệ, phát triển diện tích rừng ngập mặn là một trong những giải pháp quan trọng để bảo tồn hệ sinh thái tại khu đất ngập nước.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở TN&MT tỉnh hiện nay, công tác quản lý vùng đất ngập nước cũng đang gặp nhiều khó khăn, khiến cho diện tích đất ngập nước có nguy cơ ô nhiễm môi trường và bị thu hẹp. Nguyên nhân chủ yếu là tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng; đồng thời do sự phát triển nhanh chóng của đời sống, kinh tế - xã hội. Chẳng hạn như các vùng đất ngập nước của Côn Đảo đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác thủy sản, các loại chất thải như dầu mỡ cặn, túi ni lông... từ cửa sông đẩy ra.
Trong khi đó, diện tích rừng ngập mặn ở các địa phương như: TP.Vũng Tàu, TX.Phú Mỹ, huyện Xuyên Mộc cũng giảm rõ rệt do nạn phá rừng ngày càng tăng; cơ sở chế biến hải sản ven sông xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường đã làm hệ sinh thái rừng ngập mặn ngày càng bị thu hẹp. Trong giai đoạn 2020 - 2030, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tập trung xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển các hệ sinh thái đất ngập nước ở các vùng dễ bị tổn thương, nơi bị áp lực phát triển kinh tế - xã hội và các hoạt động sản xuất tự phát làm thu hẹp diện tích đất ngập nước; đồng thời, kiểm soát việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo quy định cũng như hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đối với đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.
Việt Nam hiện có tổng diện tích đất ngập nước khoảng 11,85 triệu ha (không kể diện tích sông suối ngập nước theo mùa và điểm nước nóng, nước khoáng và đảo Hoàng Sa, Trường Sa), chiếm 37% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước. Trong nhiều năm qua, công tác quản lý đất ngập nước ở Việt Nam đặt mục tiêu bảo tồn, phát triển bền vững cũng như duy trì đặc tính sinh thái của hệ sinh thái đất ngập nước, trong đó tập trung cho các vùng đất ngập nước có hệ sinh thái đặc thù, đa dạng sinh học cao, có chức năng duy trì nguồn nước và cân bằng sinh thái, có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia.
Cả nước hiện đã có 9 khu bảo tồn được công nhận là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar) với tổng diện tích hơn 120 nghìn ha, bao gồm: 7 vườn quốc gia (Xuân Thủy, tỉnh Nam Định; Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn; Bầu Sấu - Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai; Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp, Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau; Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) và 2 khu bảo tồn thiên nhiên (Láng Sen, tỉnh Long An và Vân Long, tỉnh Ninh Bình). Cùng với 9 khu ramsar hiện có, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thẩm định Hồ sơ Ramsar Bắc Đồng Nai và nhận được đề xuất đề cử Khu Ramsar Cần Giờ.
Đến nay, 23 tỉnh thành phố trên cả nước đã có quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học và xác định rõ nhiều vùng đất ngập nước quan trọng cần được bảo vệ, quản lý dưới hình thức khu bảo tồn. Tổng cộng có 47 khu đất ngập nước quan trọng được đưa vào quy hoạch thành lập khu bảo tồn đến năm 2030 theo Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước.
Lê Hoàng