Ngày 28/5, Ban quản lý Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Nam Xuân Lạc (Bắc Kạn) đã phát thông báo mời gọi cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Khu bảo tồn.
Một cây nghiến hàng trăm tuổi trong Khu bảo tồn. (Ảnh: Ngọc Tú)
Đây là việc cụ thể hóa nội dung Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Khu Bảo tồn loài - sinh cảnh Nam Xuân Lạc đã được tỉnh Bắc Kạn phê duyệt.
Đây cũng là bước đi quan trọng của tỉnh Bắc Kạn nhằm khai phá tiềm năng du lịch ở Vườn quốc gia, khu bảo tồn vốn chưa được phát huy trong thời gian qua (Bắc Kạn hiện có Vườn quốc gia Ba Bể, hai khu bảo tồn là Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ và Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Nam Xuân Lạc).
Ban quản lý Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Nam Xuân Lạc mời gọi thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái tại 4 điểm và 9 tuyến du lịch với diện tích gần 500ha.
Các điểm, tuyến du lịch này còn rất hoang sơ, nhiều tiềm năng, như: điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Cầu Mục - Lũng Trang; điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Lũng Lỳ; điểm du lịch sinh thái Bản Thi 1; tuyến du lịch Phja Khao - Bản Thi…
Theo Ban quản lý Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Nam Xuân Lạc, với diện tích hơn 3.985ha, khu bảo tồn là một trong những nơi có tính đa dạng sinh học cao.
Nơi đây có hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, thảm thực vật đa dạng và phong phú, đặc biệt là những cây gỗ nghiến hàng trăm năm tuổi được phân bố hầu khắp trong khu.
Di tích đầu cáp tời quặng trên đỉnh núi Phja Khao có từ thời Pháp thuộc. (Ảnh: Ngóc Tú)
Khu bảo tồn là nơi giàu tiềm năng phát triển các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí bao gồm các tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, vẻ đẹp cảnh quan, tài nguyên nhân văn và các giá trị văn hóa lịch sử.
Về giá trị văn hóa lịch sử có thể kể đến các tài nguyên du lịch như di tích hệ thống khai thác mỏ Chợ Điền từ thời Pháp thuộc gồm: cụm kết cấu thép đầu cáp Bình Trai, hệ thống đường xếp đá khai thác khoáng sản, nhà đá thời Pháp tại Lũng Trang...
Nơi đây vẫn còn lưu giữ những nếp nhà sàn cổ, những bộ trang phục truyền thống, những điệu múa, bài ca gắn liền với đời sống nhân dân.
Thông qua mời gọi thuê môi trường rừng, tỉnh Bắc Kạn xác định hợp tác cùng doanh nghiệp giữ rừng, phát triển rừng, bảo tồn, phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên, thực hiện trồng rừng và bảo tồn.
Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đa dạng hệ sinh thái rừng, danh lam thắng cảnh, cảnh quan, môi trường, gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc để phát triển du lịch sinh thái; tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và góp phần giảm nghèo bền vững cho nhân dân địa phương bằng cam kết sử dụng lao động địa phương, nông sản địa phương...
Việc giữ rừng tại các khu vực này được thực hiện tốt góp phần đưa Bắc Kạn đứng đầu cả nước về tỷ lệ che phủ rừng. Tuy nhiên, đời sống của người dân sinh sống, tham gia giữ rừng tại đây lại rất khó khăn.
Do vậy, việc kêu gọi phát triển du lịch sinh thái đi đôi với bảo vệ đang là cách làm được địa phương này lựa chọn nhằm đạt đồng thời hai mục đích: giữ rừng và nâng cao đời sống cho nhân dân, giúp người dân hưởng lợi bền vững từ rừng.
Tuấn Sơn