Bình Thuận: Đa dạng các loại hình, sản phẩm thu hút du khách

Cập nhật: 31/05/2024
Thời gian tới, tỉnh Bình Thuận phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch có trọng tâm, bền vững và an toàn gắn với an ninh chính trị, bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc. Ưu tiên phát triển loại hình, sản phẩm du lịch đăc trưng, chuyên nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch.

Là một tỉnh ven biển cực Nam Trung Bộ, Bình Thuận là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các địa phương vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Bình Thuận cũng là giao điểm nối liền với các trung tâm du lịch lớn như Nha Trang, Đà Lạt, TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu,… Những năm qua, Bình Thuận đã thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế nhờ vào việc có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú.

Với lợi thế đường bờ biển dài 192 km cùng nhiều bãi biển đẹp, nhiều danh lam, thắng cảnh hấp dẫn, ngành Du lịch Bình Thuận đã tạo nên thương hiệu du lịch biển đặc trưng trên bản đồ du lịch trong nước và thế giới. Điểm du lịch nổi tiếng ven biển của Bình Thuận hầu như phân bố đều tại các khu vực của tỉnh như: Mũi Né - Hòn Rơm (TP. Phan Thiết), biển Kê Gà (huyện Hàm Thuận Nam), bãi đá 7 màu ven biển được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là “Bãi đá có hình dạng và màu sắc nhiều nhất Việt Nam”, Khu bảo tồn biển hòn Cau (huyện Tuy Phong)… Đây chính là những điểm đến hấp dẫn với nhiều sản phẩm du lịch gắn liền với biển được du khách lựa chọn.

Cùng với đó, tỉnh Bình Thuận có khu Bàu Trắng - một địa danh nổi tiếng nằm tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, còn được mệnh danh là “Tiểu sa mạc Sahara” với những ngọn núi cát nhấp nhô có nhiều hình dạng khác nhau và luôn thay đổi do tác động của gió. Hiện nay, Bình Thuận đã được ghi tên trong danh sách 10 tỉnh du lịch nổi bật của Việt Nam, Mũi Né trở thành 1 trong 8 Khu du lịch quốc gia của cả nước. 

Ngoài ra, địa phương này còn là vùng đất hội tụ nhiều nền văn hóa đặc trưng với các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc cùng với hướng đi đúng đắn, bền vững và nâng cao vị trí của du lịch trong cơ cấu phát triển kinh tế của tỉnh. Bình Thuận có nhiều di tích lịch sử - văn hóa kiến trúc cổ gồm các đình như: đình Xuân An (Chợ Lầu, Bắc Bình), đình Xuân Hội (Chợ Lầu, Bắc Bình), đình Đức Thắng (Đức Thắng - Phan Thiết)... 

Hàng năm, nhờ duy trì tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống như Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Trung Thu (Phan Thiết), Lễ hội Dinh Thầy Tím (La Gi), Tết Katê đồng bào Chăm theo đạo bàlamôn (Bắc Bình, Tuy Phong),... và các hoạt động thể thao như Giải đua thuyền rồng truyền thống trên sông Cà Ty, Giải chạy vượt đồi cát Mũi Né (Phan Thiết), Hội thi leo núi Tà Cú (Hàm Thuận Nam), Giải leo núi Linh Sơn Tự (Tuy Phong),... đã thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước đến với Bình Thuận.

Với những lợi thế về nguồn tài nguyên du lịch trên, thời gian tới, tỉnh Bình Thuận sẽ phát huy tối đa các lợi thế tiềm năng về tự nhiên và văn hóa; hài hòa trong xây dựng, phát triển loại hình, sản phẩm du lịch. Phát huy tính trải nghiệm, tăng tính hấp dẫn đáp ứng nhu cầu đa dạng của các thị trường khách du lịch trong từng loại hình, sản phẩm. Phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch có trọng tâm, trọng điểm, bền vững và an toàn gắn với an ninh chính trị, bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc. Ưu tiên phát triển loại hình, sản phẩm du lịch đăc trưng, chuyên nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Bình Thuận

Bình Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025: Đa dạng hóa loại hình, sản phẩm du lịch cơ bản. Tạo sản phẩm du lịch chuyên đề: Du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, sinh thái biển - rừng - đồi cát (thể thao biển, thể thao trên cát,…). Từng bước mở rộng thị trường, tăng lượng khách du lịch lên 11.400.000 vào năm 2025 trong đó khách quốc tế chiếm 10%. Doanh thu du lịch đạt trên 24.600 tỷ đồng; đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 10%.

Đến năm 2030: Đa dạng hóa loại hình, sản phẩm du lịch đăc trưng, ̣chuyên nghiệp. Tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo dựa trên loại hình đặc trưng như: Du lịch chăm sóc sức khỏe (WELLNESS), du lịch kết hợp hội nghị (MICE), du lịch nghiên cứu, tham quan thành phố Phan Thiết (City tour).

Bình Thuận tổ chức lại không gian phát triển du lịch với các sản phẩm du lịch chủ đạo ở các địa phương.

Địa phương này sẽ tổ chức lại không gian phát triển du lịch, trong đó Khu vực 1: Phía Đông Bắc tỉnh Bình Thuận gồm 01 dãy ven biển huyện Tuy Phong (Vĩnh Tân, Vĩnh Hảo, Phước Thể, Liên Hương, Bình Thạnh, Chí Công, Hòa Minh, Phan Rí Cửa và Hòa Phú), phía Đông huyện Bắc Bình (Chợ Lầu, Phan Rí Thành). Trong đó, trọng tâm là đô thị Phan Rí Cửa - Bình Thạnh - Liên Hương. Sản phẩm chủ đạo: Du lich sinh thái, nghỉ dưỡng biển, điều dưỡng chữa bệnh suối khoáng nóng, lặn biển, tham quan khu bảo tồn biển Hòn Cau. Sản phẩm bổ trợ: Du lịch văn hóa Chăm, làng nghề đặc trưng, du lịch homestay.

Khu vực 2: Trung tâm du lịch của tỉnh gồm thành phố Phan Thiết, phía Nam huyện Bắc Bình (Hồng Phong đến Hòa Thắng), dãy ven biển thuộc huyện Hàm Thuận Nam (các xã Thuận Quý, Tân Thuận, Tân Thành) và đảo Phú Quý. Trọng tâm là khu du lịch quốc gia Mũi Né và Nam thành phố Phan Thiết. Sản phẩm chủ đạo: Du lịch MICE, du lịch sinh thái biển, rừng, du lịch thể thao biển, cát, nghỉ dưỡng biển, du lịch WELLNESS, mô hình kinh tế ban đêm. Sản phẩm bổ trợ: Du lịch văn hóa, du lịch homestay; tham quan khu bảo tồn thiên nhiên núi Tà Cú, khu bảo tồn biển đảo Phú Quý.

Khu vực 3: Phía Tây Nam của tỉnh gồm thị xã La Gi, dãy ven biển huyện Hàm Tân, khu vực ven hồ Sông Dinh 3. Loại hình gồm: Du lịch nông nghiệp, trải nghiệm (vui chơi giải trí), du lịch di tích lịch sử - văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng biển, thể thao biển, du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch cảnh quan hồ sông Dinh. Sản phẩm chủ đạo: Du lich sinh thái nghỉ dưỡng biển, tham quan các di tích, lễ hội Dinh Thầy Thím, Hòn Bà. Sản phẩm bổ trợ: Du lịch nông nghiệp, trải nghiệm vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng, du lịch homestay.

Khu vực 4: Phía Tây Bắc của tỉnh, gồm một phần huyện Hàm Thuận Bắc (Đa Mi, La Dạ, Đông Giang, Đồng Tiến, Thuận Hòa,…), một phần huyện Hàm Thuận Nam (Thị trấn Thuận Nam, xã Mỹ Thạnh, xã Hàm Cần,…), huyện Tánh Linh, huyện Đức Linh. Loại hình gồm: Du lịch về nguồn, du lịch cộng đồng, di tích lịch sử - văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch khám phá, trải nghiệm rừng. Sản phẩm chủ đạo: Du lich nghỉ dưỡng rừng, hồ cảnh quan, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, khám phá, trải nghiệm Sản phẩm bổ trợ: Du lịch nông nghiệp, du lịch homestay.

Tỉnh sẽ đầu tư các loại hình, sản phẩm du lịch có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả về kinh tế gắn với đảm bảo chính trị, văn hóa, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc, phù hợp với quy hoạch và chiến lược phát triển du lịch, quy hoạch vùng tỉnh Bình Thuận; đảm bảo đến năm 2030, hoàn thiện phát triển đa dạng và định vị toàn bộ hệ thống loại hình, sản phẩm du lịch của tỉnh Bình Thuận.

Tạo nhiều sản phẩm du lịch độc đáo dựa trên loại hình đăc trưng là nghỉ dưỡng cao cấp, sinh thái biển - rừng, trung tâm thể thao biển mang tầm quốc gia và quốc tế kết hợp với du lịch MICE và WELLNESS. Tạo sản phẩm du lịch chuyên đề: Tham quan thành phố Phan Thiết, các di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề, lễ hội - sự kiện, tìm hiểu nền văn hóa Chăm, văn hóa cồng chiêng dân tộc Cơ Ho, Raglai, Chơ ro,… du lịch nghỉ dưỡng biển - rừng - hồ; du lịch nghiên cứu; điều dưỡng chữa bệnh suối khoáng nóng, thể thao biển, thể thao trên cát, nội dung phong phú kéo dài ngày lưu trú của khách và tăng cơ cấu chi tiêu, doanh thu du lịch, đồng thời tạo sự hấp dẫn để thu hút du khách quay trở lại với du lịch Bình Thuận.

Với vị trí địa lý ở duyên hải cực Nam Trung Bộ, có đồi núi, đồng bằng và vùng ven biển, Bình Thuận có lợi thế phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp, sinh thái rừng - biển - đồi cát; du lịch biển, thể thao, giải trí; du lịch MICE; du lịch khám phá, mạo hiểm;... Bên cạnh đó, Bình Thuận còn có nền văn hóa đa dạng, đăc̣ sắc để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh. Cơ cấu lại, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch theo định hướng sau: Du lịch biển, thể thao, giải trí; Du lịch văn hóa; Du lịch điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe; Kết hợp du lịch nghỉ dưỡng - MICE; (5) Du lịch nông nghiệp, sinh thái rừng - biển - đồi cát; (6) Du lịch cộng đồng.

Phát triển các tuyến du lịch trên cơ sở khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù. Hình thành các tour, tuyến du lịch phù hợp, hấp dẫn, chất lượng cao gắn kết các loại hình dịch vụ du lịch với các khu di tích lịch sử, văn hóa, các điểm vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, thể thao, làng nghề. Tập trung xây dựng và hoàn chỉnh thêm một số sản phẩm đặc thù như: Du lịch MICE tập trung tại thành phố Phan Thiết, Mũi Né (khu vực 2), du lịch WELLNESS tại suối nước nóng Bưng Thị (khu vực 3), du lịch cộng đồng (khu vực 1 và 4), các mô hình kinh tế ban đêm, các sản phẩm du lịch biển, các trò chơi trên đồi cát, trải nghiệm xe địa hình, đua xe địa hình quốc tế,...

Phát triển các tuyến du lịch trên cơ sở khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù như các trò chơi trên đồi cát, trải nghiệm xe địa hình. 

Đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, hệ thống vận chuyển khách du lịch chất lượng cao, an toàn, thân thiện môi trường, thân thiện với người khuyết tật. Đảm bảo tổ chức giao thông hợp lý, an toàn, không làm mất mỹ quan. Đảm bảo thoát nước mưa và nước thải, tránh ngập nước gây cản trở giao thông. Phát triển hệ thống cơ sở lưu trú phù hợp với từng loại hình sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch.

Xây dựng kế hoạch xúc tiến, thu hút khách du lịch quốc tế theo từng giai đoạn và phù hợp với từng thị trường trọng điểm; tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch quốc tế chung của cả nước; xây dựng hệ thống thông tin du lịch (website, bản đồ, chỉ dẫn, quầy thông tin du lịch, tờ rơi…) tiện ích, đa dạng thông tin, bằng những ngôn ngữ quốc tế chính; xây dựng các chương trình quảng bá du lịch Bình Thuận ra quốc tế (quảng cáo trên các kênh truyền hình - tạp chí du lịch nước ngoài, tham gia các sự kiện du lịch quốc tế lớn, quảng bá du lịch Bình Thuận trong các sự kiện quốc tế…); 

Đẩy mạnh phát triển marketing điện tử, ứng dung công nghệ 4.0 thiết kế các tour du lịch thực tế ảo; tạo fanpage và instagram quảng bá du lịch Bình Thuận, đẩy mạnh quảng cáo trên các trang mạng xã hội: Facebook, Twiter, Zalo... Nâng cấp Cổng Thông tin du lịch thông minh, đảm bảo luôn cập nhật thông tin đầy đủ đặc biệt là các loại hình, sản phẩm du lịch (điểm đến và tour tuyến). Khuyến khích thúc đẩy các bên liên quan tham gia chiến lược chuyển đổi số du lịch quốc gia với sự tham gia của nhiều địa phương, ngành nghề, lĩnh vực liên quan.  

Đầu tư, phát triển, hình thành nên sản phẩm du lịch chủ lực tiêu biểu, bền vững như: Đồi cát bay Mũi Né; suối Tiên Hàm Tiến; bãi đá bảy màu Tuy Phong,... Những sản phẩm du lịch văn hóa đăc trưng ̣của dân tộc Chăm, di tích Trường Dục Thanh, Vạn Thủy Tú, chùa núi Tà Cú (Hàm Thuận Nam), Dinh Thầy Thím (La Gi), chùa Cổ Thạch (Tuy Phong), chùa Linh Quang, Vạn An Thạnh, đền thờ Công chúa Bàn Tranh (Phú Quý), bàu Trắng, đồi Trinh Nữ (Bắc Bình),… Xây dựng Bộ tiêu chí về sản phẩm du lịch sạch bao gồm các dịch vụ du lịch tạo nên sự đồng nhất trong sản phẩm du lịch như: Khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan, phương tiện vận chuyển, hướng dẫn viên suốt tuyến và hướng dẫn viên tại điểm,... hướng đến kinh doanh có trách nhiệm, hạn chế tác động môi trường.../

Lê Hằng

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 30/5/2024