Là một xã vùng cao biên giới của thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), Hải Sơn đã từng là địa phương còn tồn tại nhiều tập quán lạc hậu, trình độ dân trí không đồng đều, kinh tế vô cùng khó khăn. Quyết tâm vượt lên cái khó, nhờ vận dụng có hiệu quả các chính sách, cùng sự nỗ lực lao động, bà con vùng cao nơi đây đã tìm ra hướng đi đúng đắn là phát triển du lịch cộng đồng để từng bước thoát nghèo.
Hải Sơn - Điểm đến nơi biên cương Tổ Quốc
Hải Sơn - Vùng đất khó
Hải Sơn là xã vùng cao biên giới của TP Móng Cái với gần 87% cư dân là đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, chủ yếu là người Dao và Sán Chỉ. Xã Hải Sơn cách trung tâm TP Móng Cái gần 34km đường bộ, với hơn 80% diện tích tự nhiên là đồi núi xen kẽ sông suối, thung lũng khiến việc giao thương, đi lại của người dân vốn không thuận lợi. Với nhiều tập quán còn lạc hậu, trình độ dân trí không đồng đều, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào việc canh tác nông nghiệp manh mún... là những yếu tố khiến cho cuộc sống ở Hải Sơn luôn khó khăn, vất vả.
Chị Đặng Thị Vinh, thôn Pò Hèn nhớ lại: “Trước kia người dân thôn cũng như cả xã chủ yếu trồng rừng nhưng năng suất thấp, đi lại thì cực kỳ khó khăn. Đời sống bà con chúng tôi nghèo và khó khăn lắm. Chẳng thế mà, xã từng là một trong những xã nghèo của thành phố Móng Cái”.
Nhiều năm trước đây, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, chiếm đến 50% dân số; các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế yếu, phong tục, tập quán lạc hậu; vai trò lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể còn nhiều hạn chế...Đời sống của bà con vùng DTTS nơi đây đã khó lại càng khó hơn!
Không để cái khó “bó” cuộc sống
Thế nhưng, không dừng lại ở cái khó, đến với Hải Sơn hôm nay, du khách không chỉ khám phá một nét đẹp riêng có trong bức tranh du lịch Móng Cái đặc sắc mà còn trân quý biết bao sự nổ lực của người dân, cảm nhận rõ nét sự đổi thay trên quê hương vùng cao nơi đây!
Hải Sơn là một trong những địa phương giàu bản sắc văn hóa, lại được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan tuyệt đẹp như: thác 72 gian kỳ vĩ, hồ Tràng Vinh, núi Panai, Mã Thàu Sơn, làng bích họa Pò Hèn rực rỡ giữa núi rừng Đông Bắc... Đặc biệt, nơi đây có Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn, điểm đến tâm linh ngàn người thăm viếng.
Phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, người dân ở Hải Sơn đang tích cực tận dụng để phát triển du lịch cộng đồng vừa nâng cao thu nhập, vừa góp phần bảo tồn, phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Từ nhiều năm nay, xóm họ Đặng được biết đến là ngôi làng bích họa yên bình
Hào hứng chia sẻ về điều này, chị Lỷ Thị Múi, thôn Thán Phún, xã Hải Sơn cho biết: “Nhờ việc phát triển du lịch cộng đồng, chúng tôi đã có thêm nguồn thu nhập ổn định, đáng kể. Chúng tôi cũng dần tự ý thức trong bảo vệ môi trường sống, tự cải tạo cho ngôi nhà của gia đình, đường làng, ngõ xóm thêm sạch đẹp hơn; tích cực gìn giữ, bảo vệ bản sắc văn hóa, nghề truyền thống của dân tộc. Sẽ không ai giúp mình được nếu mình không tự thay đổi nhận thức và cùng nhau vươn lên”.
Trong cái nắng vàng rực rỡ nhuộm thêm sắc tím ngọt ngào của hoa sim, bà con Hải Sơn xúng xính váy hoa, khăn quấn, chăm chút từng chú lợn béo tròn, nắn nót từng búp trà tươi, nhuộm thêm đậm đà mẹt xôi ngũ sắc... để góp chung niềm vui vào Lễ hội hoa sim biên giới.
Khách đến đây đều được đón tiếp với nụ cười tuyệt vời, cùng trải nghiệm các trò chơi dân gian như ném còn, đánh đu, leo cầu khỉ, đánh quay, bịt mắt bắt vịt, trèo cây chuối, cùng học cách làm bánh sắn, cách nấu xôi ngũ sắc, cùng hát Soóng Cọ với người dân tộc Sán Chỉ, hát giao duyên với người dân tộc Dao… Đây không chỉ là cách làm du lịch thân thiện, tuyệt vời mà còn là cách để giữ gìn, trao truyền, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào, góp phần tạo nên bản sắc, điểm nhấn độc đáo để thu hút du khách.
Lễ hội Hoa sim biên giới thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng
Vậy là, từ những di tích, cảnh đẹp sẵn có đến những món ăn vô cùng dân dã (cá suối, thịt ngan đen, thổ cẩm, trám muối riềng, rượu sim,...) đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho bất kỳ ai một lần đặt chân tới Hải Sơn và đặc biệt hơn, tất cả đều do bàn tay của người Hải Sơn thực hiện.
Xã biên giới hoang sơ ngày nào nay đã dần thay da đổi thịt bằng những ngôi nhà kiên cố, bao con đường đất đã được thay bằng đường nhựa, bê tông. Hải Sơn bây giờ khang trang, sạch đẹp, các khu vườn, đồi, trang trại, gia trại của bà con ngày càng phát triển. Toàn xã không còn hộ nghèo, đồng bào yên tâm ổn định cuộc sống, bám đất, bám làng, giữ gìn chủ quyền biên cương của Tổ quốc.
Trao đổi với phóng viên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Móng Cái Nguyễn Văn Đô nhấn mạnh: “Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, mô hình du lịch cộng đồng được TP. Móng Cái xác định là thế mạnh, trong đó chọn các xã vùng cao Bắc Sơn, Hải Sơn là điểm đến, lấy du lịch cộng đồng làm nền tảng cho bảo tồn văn hóa, lấy bảo tồn văn hóa để làm du lịch cộng đồng. Phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, người dân ở Hải Sơn đang tích cực tận dụng để phát triển du lịch cộng đồng vừa nâng cao thu nhập, vừa góp phần bảo tồn, phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Mỹ Dung