Nắng nóng quanh năm Ninh Thuận được ví là “tiểu sa mạc của Việt Nam”. Song cũng chính bởi thời tiết khắc nghiệt đã tạo nên sự khác biệt về môi trường, cảnh vật, tài nguyên rừng, biển để địa phương phát triển du lịch với lợi thế riêng biệt.
Vịnh Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) hằng năm thu hút hàng triệu lượt du khách đến tham quan và trải nghiệm du lịch biển.
Với mục tiêu đón 3,2 triệu lượt du khách trong năm 2024, phấn đấu doanh thu đạt 2.500 tỷ đồng, Ninh Thuận đã hợp tác với nhiều tỉnh, thành phố để xây dựng các chương trình, tour, tuyến du lịch riêng biệt.
Lợi thế “tiểu sa mạc”...
Ninh Thuận có bờ biển trải dài 105km cùng những dãy núi cao hướng ra Biển Đông, tạo nên những vịnh biển xanh - cát trắng - nắng vàng, như bãi tắm Ninh Chữ, Bình Tiên, Cà Ná; đồi cát Nam Cương, Mũi Dinh trải dài, mềm mại như dải lụa vô tận,... Vịnh Vĩnh Hy năm 2020 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích danh thắng cảnh quốc gia, được đánh giá là một trong bốn vịnh đẹp nhất Việt Nam (cùng với Vịnh Hạ Long - Quảng Ninh, Lan Hạ - Hải Phòng và Lăng Cô - Thừa Thiên Huế), Vườn quốc gia Núi Chúa (được UNESCO công nhận là Khu sinh quyển thế giới) và Vườn quốc gia Phước Bình có hệ sinh thái đặc thù, đang bảo tồn hàng trăm loài động, thực vật, rùa biển... quý hiếm.
Văn hóa các dân tộc anh em tại Ninh Thuận, như: lễ hội Katê hằng năm gắn với các công trình kiến trúc tháp Chăm còn tồn tại tương đối nguyên vẹn; các tập tục như: lễ ăn đầu lúa gắn với nghệ thuật đánh mả la, thổi khèn bầu, đàn đá, đàn Chapi của đồng bào Ra Glai; lễ cầu ngư, hội đua thuyền, lắc thúng... của ngư dân vùng biển còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc.
Cùng với 51 địa danh du lịch, Ninh Thuận là một trong số ít điểm đến tổ chức lướt ván diều tốt nhất thế giới với tốc độ gió 25 hải lý/giờ. Với địa hình chủ yếu là những đồi cát và núi cao vươn ra biển, Ninh Thuận còn là thiên đường cho những trải nghiệm du lịch thể thao mạo hiểm như: đua xe trên đồi cát, dù lượn, trekking,...
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận Lê Kim Hoàng cho biết, nhiều dự án có quy mô lớn, đẳng cấp cao (như: Khu du lịch sinh thái Nam Núi Chúa, Khu du lịch Long Thuận, TTC Resort Premium - Ninh Thuận...) đi vào hoạt động rất hiệu quả. Tỉnh đã triển khai xây dựng quy hoạch Khu du lịch quốc gia đến năm 2045 gắn với những lợi thế khác biệt.
Với chiến lược đặt ra, Ninh Thuận đã tổ chức thành công các hội nghị xúc tiến, tham gia nhiều hội nghị quảng bá và ký kết các chương trình phát triển du lịch với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh..., qua đó, giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch mới, như: Phát triển bộ môn lướt ván diều ở vùng biển huyện Ninh Hải; tham quan đồi cát Nam Cương, Mũi Dinh, huyện Thuận Nam; du lịch nông nghiệp công nghệ cao tại các vườn nho, vườn táo, trang trại trồng hoa lan; làng sen Mỹ Nghiệp, huyện Ninh Phước; du lịch cộng đồng tại làng bích họa Hòn Thiên, Khu du lịch sinh thái cộng đồng Núi Chúa Láng Me, đồng cừu An Hòa, đồi cừu Thành Sơn, huyện Ninh Hải... và hoạt động sân golf Nara Bình Tiên,... được du khách quốc tế chọn là điểm đến ưa thích, giới truyền thông và các hãng lữ hành trong nước đánh giá cao. Toàn tỉnh có 212 cơ sở lưu trú du lịch với 4.686 phòng. Tính đến tháng 4/2024, trong số 56 dự án du lịch, với tổng vốn đăng ký hơn 52.469 tỷ đồng, đã có 23 dự án đã đưa vào hoạt động, 20 dự án đang triển khai thi công và 13 dự án đang hoàn tất thủ tục đầu tư.
Thu hút du khách bằng sản phẩm mới
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Long Biên, với những khác biệt, như: khám phá và vui chơi giải trí cát - muối; nhiều sản phẩm du lịch cộng đồng độc đáo đã trở thành thương hiệu nổi tiếng (tour tham quan làng nho Thái An, huyện Ninh Hải; các trang trại táo, nho, huyện Ninh Phước; vườn trái cây sinh thái Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn; cánh đồng cừu, huyện Ninh Hải, Bác Ái; mô hình khu du lịch văn hóa sinh thái hồ sen gắn với tìm hiểu văn hóa đồng bào Chăm, huyện Ninh Phước; mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại xã Phước Bình gắn với tìm hiểu văn hóa đồng bào Ra Glai, huyện Bác Ái...) đã đem lại thu nhập cho nhiều hộ dân ở một số làng quê và trở thành điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách trong nước và quốc tế.
Anh Nguyễn Đình Trí ở xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn áp dụng công nghệ hiện đại trồng 2.500m2 nho ngón tay đen NH04-102, nho hồng NH01-152, nho mẫu đơn NH01-212 trong nhà màng... cho những chùm quả to, chín đẹp, được một số người chụp ảnh check-in, tạo nên “cơn sốt” trên mạng xã hội. Nhờ đó, vườn nho này đã thu hút du khách đến trải nghiệm mô hình nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp du lịch ngày càng đông, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Chị Huỳnh Thị Mai Loan, du khách đến từ tỉnh Bình Dương chia sẻ: “Khung cảnh vườn nho đỏ trĩu quả, không gian thoáng mát, trong lành, du khách được tự tay cắt những chùm nho chín và chụp hình lưu niệm cùng bạn bè rất hấp dẫn. Chủ vườn không thu phí tham quan cũng đã tạo nên sự khác biệt so với những nơi khác cho nên du khách rất yêu thích”.
Bãi tắm Hòn Đỏ ở xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải với khí hậu luôn duy trì ở nhiệt độ vừa phải, ban đêm thường có gió biển thổi vào rất mát. Đến đây, du khách có thể ngắm hoàng hôn buông, cắm trại qua đêm, đến sáng hôm sau tiếp tục chiêm ngưỡng khung cảnh bình minh tuyệt đẹp. Chị Hoàng Thị Quyến, du khách đến từ Nghệ An cho biết:
“Bãi Hòn Đỏ vẫn giữ nguyên được nét đẹp hoang sơ với làn nước biển xanh mát, du khách trải nghiệm hoạt động lặn ngắm san hô dưới nước biển, ngắm những rạn san hô đã hóa thạch ngay trên cạn với đa dạng hình dáng, màu sắc rất đẹp. Du khách có thể dựng lều giữa khu rừng dương rộng lớn hoặc giữa những mái rạn san hô để tận hưởng không khí trong lành, gió biển mát rượi và thưởng thức hải sản tươi ngon, nên rất ấn tượng với sản phẩm du lịch khác biệt của Ninh Thuận”.
Hằng năm, những đồi cát hoang sơ, độc đáo rộng hàng trăm héc-ta ở làng biển Sơn Hải, huyện Thuận Nam quyến rũ hàng trăm nghìn lượt du khách tìm đến để ngắm những vạt cát bay trong gió, tạo nên dải lụa khổng lồ và liên tục thay đổi hàng trăm kiểu dáng khác lạ trên đồi cát mênh mông.
Trải nghiệm này đem lại cảm hứng khám phá và xúc cảm rất thú vị cho du khách. Tại đây, du khách còn được tắm biển, tham quan ngọn hải đăng xây dựng từ năm 1904 trên sườn ngọn núi cao ở Mũi Dinh; thưởng thức những món hải sản tươi sống, thịt cừu nướng mang đậm chất vùng quê nắng gió và được các đội xe phục vụ đưa đón vượt qua đồi cát rộng lớn, rồi chụp ảnh lưu niệm bên những đàn cừu gặm cỏ trên núi...
Nhiều năm trước, đồng bào Ra Glai, Chu Ru tại các huyện Ninh Sơn và Bác Ái không biết du lịch cộng đồng là gì. Đến nay, người dân được đào tạo kỹ năng cơ bản và loại hình du lịch sinh thái - văn hóa - lịch sử ngày càng lan tỏa. Đồng bào đã biết cách hướng dẫn du khách trải nghiệm, khám phá những điều mới lạ trong vùng đệm của Vườn quốc gia Phước Bình, chiêm ngưỡng núi đồi hoang sơ, cảnh sắc độc lạ của cây đậu anh đào, hoa lan... nở khắp núi rừng; quan sát đàn bò tót lai F1 quý hiếm...
Xã Phước Bình có 40 hộ biết tận dụng diện tích đất trống trong vườn cây ăn quả để dựng 50 nhà sàn truyền thống và trồng xen canh cây bưởi da xanh với các giống cây khác, như: chôm chôm, sầu riêng... nhằm đa dạng hóa vườn cây ăn quả đặc thù để phục vụ du khách “hái tận tay, ăn tận gốc”.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Ninh Thuận Trương Văn Tiến, cho biết: Năm 2024, đơn vị đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, 15 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá và 64 nhiệm vụ chủ yếu, thường xuyên để triển khai thực hiện vai trò hỗ trợ thúc đẩy, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, với tinh thần đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến du lịch trên các ứng dụng nền tảng số, quảng bá hình ảnh đến với các doanh nghiệp, du khách trong nước và thị trường khách du lịch quốc tế.
Mới đây, trung tâm đã tổ chức Chương trình gặp gỡ doanh nghiệp du lịch tỉnh Ninh Thuận và Đoàn Famtrip với 20 thành viên là lãnh đạo Hiệp hội Du lịch và đại diện các doanh nghiệp lữ hành tại thành phố Gwangju và Đoàn Hiệp hội thể thao giải trí biển thành phố JEJU (Hàn Quốc) khảo sát các điểm đến du lịch tiêu biểu, các di sản thiên nhiên, văn hóa đặc sắc của tỉnh Ninh Thuận để kết nối với các đơn vị lữ hành, du khách Hàn Quốc đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa, vịnh Vĩnh Hy,...
Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã xác định 5 trụ cột phát triển, trong đó, năng lượng tái tạo và du lịch là hai trong những mũi nhọn kinh tế của tỉnh.
Bài và ảnh: Nguyễn Trung