Nhiều hệ sinh thái ở Quảng Nam sở hữu giá trị đặc sắc, được ví như các “giảng đường của tự nhiên”. Tài nguyên này phù hợp để thúc đẩy loại hình du lịch giáo dục, góp phần tạo ra lối sống bền vững với môi trường.
Du khách trong một tour trải nghiệm ở biển An Bàng. Ảnh: Q.T
Xu hướng toàn cầu
Ngày đa dạng sinh học quốc tế (22/5) vừa qua, Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) đưa ra báo cáo về “sự lồng ghép đa dạng sinh học vào chính sách du lịch quốc gia”.
Báo cáo nhằm nghiên cứu mối quan hệ phức tạp giữa ngành du lịch và đa dạng sinh học, đồng thời cổ xúy mạnh mẽ việc lồng ghép hài hòa khai thác du lịch với bảo tồn đa dạng sinh học khi xu hướng này đang lan tỏa trên toàn cầu.
Một khảo sát của booking.com trên khoảng 29 nghìn du khách ở 30 quốc gia cho thấy, có đến 72% du khách tin rằng mọi người phải hành động ngay bây giờ để cứu trái đất cho các thế hệ tương lai.
Điều này cho thấy sự hiểu biết về môi trường và xã hội của du khách ngày càng tăng, đồng nghĩa với nhu cầu quay lại cùng tự nhiên để trải nghiệm, học hỏi các giá trị nguyên bản cũng tăng lên.
Ông Hoàng Hoa Quân - Phó Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, xu thế của du lịch toàn cầu hiện đang quay về với thiên nhiên.
Ngành du lịch nước ta cũng đang trong thời kỳ chuyển từ kinh tế du lịch “nâu” sang “xanh”. Dù vậy qua thống kê sơ bộ, tỷ trọng đóng góp của du lịch có trách nhiệm trong doanh thu ngành du lịch nói chung chưa cao.
Nhu cầu du lịch giáo dục ngày càng tăng lên, kể cả với dòng khách học sinh tại địa phương. Nắm bắt điều này, khá nhiều điểm đến của doanh nghiệp hoặc của các làng nghề đã thiết lập sản phẩm, dịch vụ trải nghiệm, học tập ở mức độ đơn giản, như đi và trải nghiệm trong ngày. Nhưng các sản phẩm này cơ bản vẫn khá rời rạc, chưa đủ hấp dẫn để hướng đến dòng khách ngoài địa phương.
Trong chương trình kích cầu du lịch hè 2024 của Quảng Nam, một gói sản phẩm đáng chú ý, lồng ghép với du lịch giáo dục là “trại hè” gắn với các hệ sinh thái đặc sắc của địa phương.
Gói sản phẩm này hiện được du khách đánh giá cao và đón nhận, do vậy một số tour phải giới hạn lượng học sinh tham dự để đảm bảo chất lượng.
Cơ hội của Quảng Nam
Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An có thể xem là một trong những nơi tiên phong của địa phương và cả nước về thúc đẩy xu hướng du lịch giáo dục gắn với các “giảng đường của tự nhiên”, từ nhiều năm về trước.
Khách quốc tế học thiết kế các sản phẩm từ tre tại Hội An. Ảnh: Q.T
“Giảng đường” ở đây là dòng sông, cánh rừng ngập mặn, vườn rau hữu cơ… TS. Chu Mạnh Trinh (Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) cho biết, “giảng viên” ở đây có thể là bác nông dân ở Cẩm Thanh hoặc những chị chủ homestay ở Cù Lao Chàm.
Họ say sưa kể về quá trình chung sống nương tựa vào tự nhiên đến với khách, từ khách trong nước, quốc tế đến các đoàn chuyên gia và cả cư dân ở các làng cộng đồng trong khu vực miền Trung để tham khảo, học tập kinh nghiệm.
Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết, du khách khi nghĩ đến du lịch Quảng Nam thường “đóng đinh” với hai di sản phố cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn. Nhưng thực tế, Quảng Nam còn có hệ sinh thái rộng lớn với nhiều khu bảo tồn, vườn quốc gia, khu sinh quyển độc đáo.
Và các sản phẩm du lịch phát triển ở các hệ sinh thái này chắc chắn phải dựa trên nguyên tắc bảo vệ tài nguyên, môi trường, tránh làm tác động, tổn thương đến quần thể tự nhiên, xã hội của nó.
Bên cạnh đó, Quảng Nam hiện có vườn thú bán hoang dã Safari (thuộc Vinwonders Nam Hội An) - một địa điểm trải nghiệm giáo dục rất được yêu thích.
Vừa qua, trong buổi làm việc tại địa điểm này, lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị đơn vị này ở một số thời gian thấp điểm trong năm, cần tạo điều kiện ưu đãi cho du khách địa phương, nhất là học sinh được trải nghiệm để lan tỏa tình yêu thiên nhiên và bảo tồn động vật hoang dã.
Theo nhận định từ doanh nghiệp du lịch, ngoài khu sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An, một số khu vực điển hình có tiềm năng rất lớn để thúc đẩy du lịch giáo dục có thể kể đến là rừng Tam Mỹ Tây (Núi Thành) với quần thể voọc chà vá chân xám, vườn quốc gia Sông Thanh hay Bãi Sậy - Sông Đầm…
Đây đều là những “tài sản” tự nhiên quý giá bồi đắp, lưu giữ qua hàng trăm năm với nhiều giá trị đặc thù, hấp dẫn có thể xây dựng tour tuyến thu hút các dòng khách du lịch có trách nhiệm.
Ông Lê Hoàng Hà - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch EMIC Travel cho rằng, những điểm đến này cần thay đổi góc nhìn về thị trường tiềm năng. Du lịch giáo dục định vị thị trường rộng mở và mọi thị trường khách đều có thể tham gia với nhu cầu riêng.
Tuy nhiên, khâu quan trọng nhất vẫn là phải có quy hoạch cụ thể khu vực phát triển du lịch thì các doanh nghiệp mới dám dấn thân để đồng hành với cộng đồng và cơ quan quản lý.
Quốc Tuấn