Giải pháp mở rộng quy mô hệ sinh thái carbon xanh

Cập nhật: 04/06/2024
Ngoài các cơ hội thị trường, Chính phủ các nước có thể sử dụng carbon xanh để đạt được các mục tiêu giảm thiểu và thích ứng theo Thỏa thuận Paris về khí hậu, nhưng các cam kết đầu tư bảo tồn vẫn chưa được hiện thực hóa trên quy mô lớn.

Các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển, bao gồm rừng ngập mặn, cỏ biển và đầm lầy mặn, đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực thích ứng và giảm nhẹ tác động từ biến đổi khí hậu. Những hệ sinh thái này có khả năng thu hồi từ 4-10 tấn CO2/ha mỗi năm với tốc độ nhanh hơn gấp 10 lần so với các khu rừng nhiệt đới.

Trên toàn cầu, các hệ sinh thái ven biển đóng góp hơn 190 tỷ USD hàng năm vào nguồn tài nguyên carbon xanh. Thông qua nỗ lực khôi phục các hệ sinh thái này, thế giới có thể hướng tới thu hồi 380 triệu CO2 và thu về 11,8 tỷ USD tài chính carbon vào năm 2040. Carbon xanh hiện đang nhận được sự quan tâm của các nhà lãnh đạo ở cấp cao nhất. Trước đó, trong cuộc họp về đại dương vào năm 2023, Văn phòng Điều hành Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã coi đây là ưu tiên hàng đầu.

(Ảnh minh họa)

Trong khi các chủ thể khu vực tư nhân ngày càng yêu cầu đầu tư tín dụng carbon để bảo vệ hoặc khôi phục hệ sinh thái xanh thì nguồn cung tín dụng này lại thiếu, khiến cơ hội cho carbon xanh chưa được khai thác. Ngoài ra, các khung chính sách hiện hành xung quanh thị trường carbon thiếu rõ ràng, điều này đã làm chậm quá trình phát triển các dự án carbon xanh.

Ngoài các cơ hội thị trường, Chính phủ các nước có thể sử dụng carbon xanh để đạt được các mục tiêu giảm thiểu và thích ứng theo Thỏa thuận Paris, nhưng các cam kết đầu tư bảo tồn vẫn chưa được hiện thực hóa trên quy mô lớn. Khi carbon xanh được chú ý nhiều hơn, chỉ có sự hợp tác mới tạo ra tiến bộ. Để phát huy hết tiềm năng của nó, thế giới phải đoàn kết các tác nhân carbon xanh ở mọi cấp độ để phát triển cơ chế khoa học, chính sách và tài chính nhằm mở rộng quy mô phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái carbon xanh.

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp đang có xu hướng tăng cường thực hiện các cam kết hướng tới mục tiêu net-zero và cân nhắc phương án bù đắp carbon trong các hoạt động sản xuất của mình. Xu hướng này đã làm gia tăng một cách bền vững nhu cầu tín chỉ carbon xanh. Lượng tín chỉ carbon còn “tồn kho” đang giảm dần, trong khi đó, sự cạnh tranh giữa những doanh nghiệp muốn mua tín chỉ carbon lại ngày một tăng lên. Theo đó, việc đầu tư vào các dự án carbon xanh mới sẽ giúp tạo ra hàng trăm nghìn tín chỉ carbon để đáp ứng nhu cầu trên.

Tuy nhiên, cần đảm bảo rằng các khoản tín dụng carbon này dựa trên cơ sở khoa học đáng tin cậy và cần có các cơ chế bảo vệ để đảm bảo chia sẻ lợi ích công bằng cho cộng đồng. Hiện nay, các cơ chế mới đang được hình thành để giúp cả người mua và người bán tín chỉ carbon xác định các dự án chất lượng cao, đủ khả năng đảm bảo lợi ích cho cả con người và hành tinh. Cụ thể, Nguyên tắc và Hướng dẫn về carbon xanh chất lượng cao được ban hành tại COP27 đã cung cấp cách tiếp cận nhất quán và được chấp nhận cho các mục tiêu này.

Cũng theo các chuyên gia, để mở rộng quy mô hệ sinh thái carbon xanh, một yếu tố không thể bỏ qua là sự hợp tác, phối hợp của toàn cầu. Hiện tại, thế giới đã cùng nhau đưa ra nhiều cam kết và chương trình hợp tác. Mới đây, Liên hợp quốc và Liên minh Rừng ngập mặn toàn cầu đã công bố dự án hợp tác có tên “Đột phá rừng ngập mặn”. Thông qua hành động tập thể, dự án Đột phá Rừng ngập mặn hướng tới ngăn chặn tình trạng mất rừng, khôi phục một nửa số rừng ngập mặn bị mất gần đây, tăng mức bảo vệ trên toàn cầu và đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho tất cả các khu rừng ngập mặn hiện có.

Quan hệ đối tác quốc tế về carbon xanh là một ví dụ điển hình khác về sự phối hợp toàn cầu. Với tư cách là một nhóm bao gồm các chính phủ, tổ chức phi chính phủ và tổ chức nghiên cứu, nền tảng này hướng tới kết nối tất cả các thành viên và hỗ trợ lẫn nhau. Song song với việc sử dụng Nguyên tắc và Hướng dẫn carbon xanh chất lượng cao làm nền tảng. Quan hệ đối tác ở mọi cấp độ - từ địa phương đến toàn cầu, trên tất cả các lĩnh vực - sẽ hỗ trợ khai thác tiềm năng của hệ sinh thái carbon xanh để mang lại lợi ích cho con người.

Lan Hương

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 3/6/2024