Ngày 1/6, tại thành phố Đồng Hới, Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) tổ chức Hội nghị công bố Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng giai đoạn 2021 - 2030 và Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch năm 2024.
Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Võ Dung
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết: Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng chứa đựng nhiều giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học. Sau hơn 20 năm được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới (tháng 7/2003), Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn trong nước và thế giới, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của du lịch Quảng Bình trên thị trường du lịch quốc tế.
Để tiếp tục phát huy các giá trị của Di sản thế giới, ngày 23/1/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng giai đoạn 2021 - 2030. Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cam kết sẽ phối hợp và tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư khảo sát thực địa các khu vực tiềm năng, hình thành ý tưởng và có giải pháp khả thi với các dự án đầu tư. Hội nghị cũng giúp các doanh nghiệp hiểu rõ và tiếp cận gần hơn với Di sản Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, cùng đồng hành để biến những giá trị tiềm năng của Di sản thành sản phẩm du lịch khác biệt và độc đáo, để Di sản không chỉ là danh hiệu mà là giá trị bảo tồn, kinh tế và động lực thúc đẩy tỉnh ngày càng phát triển.
Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và các doanh nghiệp ký và trao biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư phát triển du lịch. Ảnh: Võ Dung
Theo Đề án, phạm vi thực hiện có diện tích 124.832 ha gồm toàn bộ Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và một phần diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất liền kề giao cho Ban Quản lý Vườn quản lý, bảo vệ; thời gian thực hiện từ nay đến năm 2030. Đề án được xây dựng nhằm khai thác hết tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, hệ thống hang động gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc. Đồng thời tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế của Vườn quốc gia; góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân địa phương; kêu gọi đầu tư xây dựng các tuyến điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí mới, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, thu hút du khách. Phấn đấu đến năm 2030, lượng khách du lịch đạt khoảng 3 triệu lượt, tổng doanh thu đạt khoảng 1.500 tỷ đồng.
Hiện nay, tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đang khai thác 17 sản phẩm du lịch, tuy nhiên chất lượng một số sản phẩm chưa tương xứng với tài nguyên của Di sản. Vì vậy, Đề án yêu cầu các doanh nghiệp đang quản lý, khai thác các sản phẩm du lịch tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, chuyên nghiệp hóa phong cách phục vụ, tạo điều kiện để du khách trải nghiệm tốt nhất. Đề án cũng xác định 20 khu vực (gồm 9 điểm và 11 tuyến du lịch) có tiềm năng cần ưu tiên kêu gọi đầu tư để phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Xuân Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh: Để triển khai Đề án có hiệu quả và mang tính bền vững, các sở, ban, ngành, địa phương liên quan cần khẩn trương triển khai tổ chức thực hiện Đề án; đưa danh mục các dự án ưu tiên vào danh mục xúc tiến đầu tư của tỉnh để kêu gọi đầu tư. Ngoài ra, việc xem xét các nhà đầu tư cần đúng quy trình, đảm bảo tính minh bạch, ưu tiên những doanh nghiệp có năng lực và trách nhiệm, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu, phát triển. Quá trình khai thác sản phẩm du lịch đảm bảo tính phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên gắn với phát triển cộng đồng, sản phẩm du lịch dịch vụ tương xứng. Mặt khác, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các giá trị của Di sản đến với du khách và cộng đồng nhằm nâng cao ý thức của người dân, chung tay làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát huy có hiệu quả các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đối thoại, lắng nghe và giải đáp những đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Dịp này, Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã ký và trao biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư với 5 doanh nghiệp trong phát triển du lịch.
Võ Dung