Nằm giữa “thủ phủ” công nghiệp Bắc Ninh, Phù Lãng (xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ), ngôi làng cổ với nghề làm gốm truyền thống hơn 700 năm, đang có bước chuyển mình. Cùng với tranh Đông Hồ, làng quan họ Viêm Xá, làng gốm Phù Lãng được lựa chọn thí điểm xây dựng sản phẩm OCOP du lịch, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm độc đáo, đáp ứng nhu cầu của du khách, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.
Làng gốm Phù Lãng hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp xưa cũ.
Với hệ thống giao thông thuận tiện, cách Hà Nội khoảng 60 km, làng gốm Phù Lãng, với các sản phẩm đặc trưng là thô, mộc ít sử dụng máy móc, khuôn in, màu men nâu tự nhiên, lâu nay được du khách trong và ngoài nước biết đến như một điểm tham quan du lịch làng nghề.
Tại làng Phù Lãng hiện có khoảng 200 hộ gia đình, với hơn 1.000 người gắn bó ngày đêm với nghề gốm. 10 năm trở lại đây, bắt nhịp xu thế thị trường, người thợ làng gốm đã sáng tạo ra những sản phẩm mới, đa dạng, với nhiều mẫu mã, kiểu dáng khác nhau (chum, vại, lọ hoa, chậu hoa),... thuộc dòng gốm mỹ thuật và gốm truyền thống mang đến sức sống mới cho nghề gốm. Mỗi năm, làng nghề sản xuất và đưa ra thị trường tiêu thụ hơn 1 triệu sản phẩm các loại, đem lại doanh thu gần 100 tỷ đồng với thu nhập bình quân đạt 7 - 9 triệu đồng/người/tháng.
Nhiều cơ sở sản xuất gốm trong làng đã nắm bắt cơ hội, khai thác tiềm năng, chủ động liên kết các doanh nghiệp lữ hành đưa khách du lịch về địa phương tham quan, trải nghiệm. Như xưởng gốm Đức Thịnh, mỗi năm đón trung bình khoảng 20.000 khách là học sinh các trường trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm làm gốm và thưởng thức ẩm thực địa phương.
Tuy nhiên, do chưa có bộ máy quản lý bài bản, thiếu liên kết giữa các cơ sở sản xuất, cách tổ chức đón khách phần lớn theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương” cho nên đến nay, Phù Lãng chưa thể bán các sản phẩm gốm và dịch vụ nghề gốm cho du khách như một sản phẩm du lịch hấp dẫn. Thiếu sản phẩm du lịch đa dạng, có chiều sâu văn hóa làng nghề, ngôi làng cổ ven sông Cầu dù in đậm dấu ấn của vùng Kinh Bắc xưa với hình ảnh thân thương chợ quê, bến nước, bờ đê, cánh đồng lúa dập dờn nhưng thường chỉ đông đúc vào dịp Tết, những ngày nghỉ cuối tuần, với lượng khách đến và đi trong ngày.
Tháng 3 vừa qua, Hợp tác xã Dịch vụ và du lịch gốm Phù Lãng chính thức thành lập. Với những quyền lợi thiết thực như quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giới thiệu khách đến trải nghiệm, bước đầu, hợp tác xã đã thu hút 15 thành viên tham gia. Anh Nguyễn Minh Ngọc, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Kế hoạch hành động của Hợp tác xã là tập hợp các hộ gia đình, đặt ra các phương án sản xuất, làm dịch vụ hoạt động trên tinh thần tự nguyện, hợp tác phù hợp với nhu cầu thị trường. Trong giai đoạn đầu thành lập, Hợp tác xã mong nhận được sự hỗ trợ của các cấp quản lý nhà nước về xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đào tạo, tập huấn các phương pháp xây dựng, quản lý điều hành, quảng bá, tiếp thị hoạt động phát triển du lịch...
Ngày 8/5/2024, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban hành Quyết định số 223/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023 - 2025”, với tổng kinh phí thực hiện hơn 60 tỷ đồng. Trong đó, làng gốm Phù Lãng được định hướng xây dựng thành sản phẩm OCOP du lịch gắn vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đây là cơ hội để gốm Phù Lãng vươn xa.
Theo đề án, để đầu tư phát triển sản phẩm OCOP du lịch làng nghề gốm Phù Lãng, trong thời gian tới, làng nghề sẽ được hỗ trợ công tác quảng bá, tiếp thị, xây dựng khu vực đón tiếp tại vị trí đầu làng, bãi đỗ xe. Khu vực đình làng được quy hoạch làm bảo tàng mini để trưng bày, giới thiệu sản phẩm gốm Phù Lãng qua các niên đại và gốm Việt Nam. Không gian chợ được thiết kế thành điểm giới thiệu về ẩm thực, khu vực trưng bày và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm gốm Phù Lãng cho du khách.
Đặc biệt, một “con đường gốm” sẽ được xây dựng dọc theo đường trục chính vào làng. Các bức tranh được sử dụng sẽ theo tích quan họ, Đông Hồ. Không gian bến đò làng Gốm được trang trí các sản phẩm về gốm. Tại các xưởng sản xuất được thiết kế không gian trải nghiệm, vui chơi, ăn nghỉ. Khu vực bãi cỏ ven sông được quy hoạch, chỉnh trang thành các khu vực cắm trại, dã ngoại ngoài trời; khu vực tổ chức các hoạt động giải trí khác...
Đồng chí Nguyễn Bá Quân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Quế Võ cho biết: “Trên cơ sở đề án xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch của tỉnh Bắc Ninh, thị xã Quế Võ sẽ tập trung phối hợp với các sở, ngành của tỉnh để triển khai dự án, gắn với các mục tiêu bảo tồn và phát triển làng nghề gốm Phù Lãng. Chúng tôi tin rằng, sẽ thực hiện thành công việc bảo tồn và phát triển nghề gốm Phù Lãng; xây dựng làng gốm trở thành địa danh du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm gắn với các sản phẩm OCOP theo đúng mục tiêu của tỉnh và thị xã đề ra”.
Dự kiến, khi triển khai Đề án “Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023 - 2025” tại làng gốm Phù Lãng, doanh thu của các cơ sở sản xuất tăng lên từ 25-30% so với sản xuất đơn lẻ; mở ra cơ hội, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương. Quan trọng hơn, với việc quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước bằng phương pháp truyền thống và công nghệ hiện đại, những giá trị của gốm Phù Lãng sẽ được lan tỏa rộng rãi, mang thông điệp văn hóa về đất và người Phù Lãng nói riêng, vùng đất Bắc Ninh - Kinh Bắc nói chung.
Bài và ảnh: An Trân