Bên cạnh những điểm đến nổi tiếng như hang Pác Bó, suối Lê Nin, đèo Mã Phục, hồ Thang Hen, thác Bản Giốc…, tỉnh Cao Bằng còn có những địa danh, điểm đến mang nhiều nét hoang sơ, hấp dẫn, thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm.
Nhũ đá trong động Ngườm Ngao.
Vẻ đẹp độc đáo của động Ngườm Ngao
Cách thác Bản Giốc gần 5km, động Ngườm Ngao nằm trong lòng một quả núi thuộc bản Gun, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh. Động Ngườm Ngao được phát hiện từ năm 1921, đưa vào khai thác du lịch năm 1996 và được công nhận là danh thắng cấp quốc gia năm 1998.
Ngườm Ngao trong tiếng Tày có nghĩa là “Hang hổ”. Tương truyền rằng, xưa kia trong động có nhiều hổ dữ sinh sống, chúng thường vào các bản xung quanh để bắt gia súc của dân địa phương. Người dân đặt bẫy bắt hết được hổ và từ đó có được cuộc sống yên lành. Vì vậy, người dân tộc Tày mới đặt tên động là Ngườm Ngao. Tuy nhiên, cũng có một sự tích khác về cái tên Ngườm Ngao, đó là do một dòng suối ngầm với tích tụ sỏi cao đến hàng mét thoát ra sông Quây Sơn chảy rì rầm ngày đêm, phát ra âm thanh vọng vào vách hang nghe như tiếng hổ gầm, vì thế mà thành tên động.
Phần động được Hội Hang động Hoàng gia Anh khảo sát năm 1995 dài 2.144m với 3 cửa chính: Ngườm Ngao, Ngườm Lồm và Bản Thuôn. Theo các nhà nghiên cứu khoa học, hang động đá vôi chứa nhiều hóa thạch san hô, huệ biển được tạo thành từ vùng biển cổ cách ngày nay khoảng 400 triệu năm. Vào mùa hè, trong hang mát mẻ và mùa đông thì rất ấm áp. Theo kết quả khảo sát năm 2016 của Viện Địa chất khoáng sản, động Ngườm Ngao dài 2.769m, sâu 61m, có 2 tầng hang hoạt động và hóa thạch, động có 5 cửa có độ cao từ 420 - 507m trên mực nước biển. Hiện nay, Ban Quản lý động mới khai thác du lịch một đoạn hang dài 945,8m với 2 cửa.
Vào trong động, du khách cảm nhận cảnh quan thiên nhiên với nhiều khối thạch nhũ đá lạ mắt, kỳ vĩ. Trong động có nhiều buồng, tầng, bậc thang, hành lang đủ mọi kích cỡ, nhiều nhũ đá, măng đá, cột , rèm đá… đủ mọi hình dáng, liên với những cây san hô, con tàu, thác vàng, thác bạc, đài sen úp ngược, cột đá cô đơn, ruộng bậc thang. Tất cả do thiên nhiên tạo nên mang đến cảnh quan độc đáo, kỳ ảo. Đặc biệt, nhũ đá trong động có màu khác hẳn với nhiều hang động ở các địa phương khác bởi lượng canxi pha nhiều tạp chất, phản chiếu ánh sáng lung linh, huyền ảo. Đáng chú ý, trong số các khối nhũ đá là đài sen úp ngược và cột đá cô đơn có bố cục, màu sắc rất đẹp. Về mùa mưa, nước từ những cánh hoa nhỏ xuống vừa đẹp mắt vừa vui tai.
Càng đi sâu vào trong động, vẻ đẹp càng lung linh, quyến rũ. Trên đường đi có lúc đi trên đường bằng, có lúc bám men theo vách đá, vượt qua những ngóc ngách chỉ một người chui lọt, có đoạn nhũ đá từ trần hang đột ngột chắn ngang lối đi, phải cúi gật người mới qua được, có đoạn phải lội qua suối nhỏ, nước chảy róc rách, nhưng có đoạn đi vào trong lòng động du khách thấy được cả không gian rộng lớn, nhìn lên cao sẽ thấy các tầng nhũ đá đan xen nhau. Nét độc đáo tạo thành điểm nhấn của danh thắng động Ngườm Ngao còn là những thửa ruộng bậc thang do sàn đá vôi bị xâm thực và phong hóa nhiều triệu năm tạo thành.
Làng đá cổ Khuổi Ky
Nét cổ kính làng đá Khuổi Ky
Từ Thác Bản Giốc đi khoảng 2,5km, trên đường vào động Ngườm Ngao, du khách sẽ đến làng đá cổ Khuổi Ky thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh. Quần thể làng đá Khuổi Ky gồm có 14 căn nhà sàn bằng đá, trải rộng khoảng 10.000m2 dựa lưng vào núi đá, phía trước là khoảng đất rộng khoảng 2.000m2 để trồng cây lương thực và dòng suối Khuổi Ky chạy qua phía trước làm cho ngôi làng càng đẹp, ấn tượng.
Qua cổng chính, du khách đã dần nhận thấy sự khác biệt. Lối vào đi qua những con đường lát đá, kè đá hai bên, tường bao được làm bằng đá, nhà được xây bằng đá, móng làm bằng đá hộc, chân tảng kê cột cũng được làm bằng đá và gia công lại. Các đồ dùng sinh hoạt của người dân cũng thân thiện với đá, sử dụng chất liệu đá như cối xay, bếp, đập nước.
Làng đá Khuổi Ky nổi tiếng với những ngôi nhà sàn bằng đá và tục thờ thần đá độc đáo. Bà con đã tận dụng đá tự nhiên để dựng lên những bức tường đá một cách kiên cố, những ngôi nhà cũng được làm bằng đá, chắc chắn như một pháo đài. Những bức tường đá kiên cố được hình thành bởi những viên đá có nhiều kích cỡ được xếp lèn vào nhau, sử dụng thêm chất kết dính được làm từ hỗn hợp đá vôi trộn cát, khi hoàn thành, độ dày của bức tường có thể dày hơn 30cm, thể hiện rõ tính bản địa, sự sáng tạo của đồng bào dân tộc Tày.
Để dựng thành công một ngôi nhà, cần mất khoảng từ 2 - 3 năm. Người dân xếp đá đến độ cao khoảng 2,5m, đặt kèo, làm gác. Việc lên tầng cho ngôi nhà đá khó khăn ở chỗ, càng lên cao thì việc điều chỉnh độ chính xác càng phải tỉ mẩn hơn. Nếu không đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật thì sẽ khiến ngôi nhà sẽ bị xiêu vẹo, dễ đổ, chiều cao của nhà thường từ 7 - 8m.
Giai đoạn cuối cùng trong việc dựng ngôi nhà đá chính là lợp ngói âm dương. Loại ngói này sẽ giữ cho ngôi nhà đá mang đậm nét cổ kính. Nhà thường có 3 gian chính, mỗi gian có một chức năng nhất định thuận tiện cho việc sinh hoạt. Diện tích nhà tùy thuộc vào số người trong gia đình. Những bức tường kiên cố được tạo nên từ hàng vạn viên đá lớn nhỏ khác nhau bằng một thứ keo kết dính trộn từ đá và vôi cát.
Cao Bằng vẫn còn nhiều điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm. Đến Cao Bằng vào thời điểm tháng 9 - 10 là thời tiết đẹp nhất; còn du khách đi vào dịp tháng 11 - 12 là thời điểm rực rỡ sắc màu của hoa dã quỳ, hoa tam giác mạch... Trong hành trình khám phá, nét ẩm thực độc đáo của Cao Bằng với các món ăn đặc trưng như: Phở chua, xôi trám, bánh áp chao, bánh cuốn, bánh trứng kiến, vịt quay 7 vị, cá trầm hương, thịt bò gác bếp, lạp sườn, bánh khảo Thông Huề, hạt dẻ Trùng Khánh, mận Bảo Lạc… sẽ tạo nên dấu khó quên trong hành trình của mỗi người./.
Bài, ảnh: Dương Nguyễn