Nhân ngày khai mạc Hội nghị Môi trường Thế giới đầu tiên tổ chức tại Stockholm (Thụy Điển) ngày 5/6/1972, UNEP (United Nations Environment Programme) đã công bố chọn ngày 5/6 hàng năm làm ngày Môi trường Thế giới (tiếng Anh: World Environment Day, viết tắt là WED). Trong phiên họp ngày 15/12/1972, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã ra quyết nghị chính thức. Kể từ đó, hơn 150 quốc gia trên thế giới đã hưởng ứng tham gia vào ngày kỷ niệm này.
Đây cũng là ngày để nâng cao nhận thức của con người về sự biến đổi khí hậu, ý thức về vai trò của bản thân trong vòng tuần hoàn của sự sống, từ đó có những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường. Năm nay, UNEP phát động chủ đề "Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa".
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường năm 2024, các cấp, các ngành của Quảng Ninh đã tập trung tổ chức tuyên truyền và thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật về tăng cường các hoạt động quản lý chất lượng môi trường đất; ứng phó biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính…
Nhân viên Công ty CP Cây xanh công viên Quảng Ninh thu gom, vớt rác trên vịnh Hạ Long. Ảnh: Lê Nam
Không chỉ tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Quảng Ninh trong nhiều năm qua đặc biệt quan tâm công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, coi đây là nhiệm vụ của toàn Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Với định hướng kiên trì chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; phát triển bền vững cả về kinh tế - xã hội, môi trường và an ninh; chuyển đổi xanh dựa vào ba trụ cột: Thiên nhiên, con người, văn hóa; Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp, cách làm hướng tới phát triển hài hòa, bền vững, bao trùm, lấy người dân là trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực và là mục tiêu của sự phát triển. Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; trở thành một địa phương thành công trong chuyển đổi phương thức phát triển từ nâu sang xanh; đi đầu trong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia.
Năm 2023, Quảng Ninh có Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) cao nhất cả nước với tổng điểm của cả 4 chỉ số thành phần là 26 điểm, với các điểm thành phần: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (7,41 điểm); Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu (6,18 điểm); Vai trò lãnh đạo của chính quyển tỉnh trong thúc đẩy thực hành Xanh (6,68 điểm); Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường (5,73 điểm). PGI là bộ chỉ số được khởi xướng từ năm 2022 với ý nghĩa góp phần chung tay từ phía cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền địa phương vào thực hiện chủ trương chính sách quan trọng của Đảng và Chính phủ về giải quyết những thách thức lớn toàn cầu trong đó có các vấn đề về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Việc đứng đầu cả nước về Chỉ số Xanh là sự ghi nhận xứng đáng với Quảng Ninh trong công tác bảo vệ môi trường. Bởi lẽ, Chỉ số PGI tập hợp cảm nhận của doanh nghiệp và truyền tải “tiếng nói” của cả cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng quản trị môi trường tới chính quyền các cấp. Một địa phương được coi là có chất lượng quản trị môi trường tốt khi có những nỗ lực phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; xây dựng và thực thi các quy định và biện pháp hợp lý để đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường mà không tạo thêm gánh nặng quá lớn cho doanh nghiệp; hướng dẫn, phổ biến đầy đủ về các thực hành xanh và chú trọng mua sắm xanh; và cuối cùng, khuyến khích “xanh hóa” mô hình sản xuất kinh doanh thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ cụ thể.
Đây cũng là động lực để Quảng Ninh tiếp tục nâng cao chất lượng quản trị môi trường, nỗ lực phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, “xanh hóa” mô hình sản xuất kinh doanh, hướng tới nền kinh tế xanh bền vững.
Bảo Bình