Bản Nà Sự thuộc xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) là nơi sinh sống của đồng bào Thái trắng, với gần 140 hộ dân, hơn 600 nhân khẩu. Phát huy tiềm năng về môi trường sinh cảnh tự nhiên và bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc, chính quyền địa phương và người dân Nà Sự đã chung tay phát triển mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên ở Nậm Pồ. Sau gần hai năm mở cửa đón khách, bản du lịch cộng đồng Nà Sự đã trở thành điểm dừng chân không thể thiếu trong hành trình khám phá Điện Biên, khám phá cực Tây A Pa Chải.
Bản Nà Sự (Nậm Pồ, Điện Biên). Ảnh: Xuân Tư - TTXVN
Bản Nà Sự nằm bên tuyến Quốc lộ 4H từ huyện Mường Chà đi Mường Nhé (tỉnh Điện Biên). Nà Sự có khung cảnh thơ mộng với những dãy nhà sàn dựa lưng vào núi và phía trước là cánh đồng ruộng bậc thang xinh đẹp, nằm bên dòng suối Nậm Bai uốn lượn quanh co và được nối với Quốc lộ 4H bằng một chiếc cầu treo qua suối. Nà Sự nằm trên tuyến đường chinh phục cực Tây A Pa Chải, là một điểm đến hấp dẫn tại huyện Mường Nhé.
Để tạo nên cảnh quan xanh, sạch, đẹp ở Nà Sự, đó là cả tâm huyết của chính quyền địa phương, đặc biệt là chị em phụ nữ trong bản. Đều đặn mỗi tuần một lần, chị em trong chi hội phụ nữ bản Nà Sự lại thu xếp việc nhà để cùng nhau ra quét dọn vệ sinh bản làng sạch đẹp. Giờ đây, đến bản Nà Sự, từ đầu bản đến cuối bản, nhà nào cũng trồng hoa tươi rực rỡ, gọn trong, sạch ngoài, gầm sàn nhà đã thông thoáng, không còn cảnh gia súc, gia cầm chen chúc.
Phụ nữ dân tộc Thái trắng chăm sóc hoa tạo cảnh quan môi trường trong bản du lịch cộng đồng Nà Sự. Ảnh: TTXVN
Chị Lèng Thị Chiên, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Nà Sự cho biết, trước đây người dân trong bản vẫn còn chăn nuôi gia súc như trâu, bò, lợn dưới sàn nhà, bản không được sạch đẹp như bây giờ. Thế nhưng từ khi có định hướng xây dựng bản Nà Sự thành bản du lịch cộng đồng, lãnh đạo địa phương giao người dân, trong vòng một tháng phải di dời hết chuồng gà, chuồng lợn. Mới đầu, việc thực hiện khó khăn vì bà con đã xây kiên cố, thế nhưng mọi người cùng giúp nhau, chung tay làm sạch bản làng. Đặc biệt, hưởng ứng phong trào trồng hoa xây dựng cảnh quan bản làng, đầu tiên, Chi hội phân công mỗi hội viên quản lý 5 m, vừa trồng, vừa chăm sóc. Sau đó, cả bản cùng trồng hoa. Giờ đây, bản Nà Sự đã trở nên sạch và đẹp lên rất nhiều.
Nhờ phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên từ những việc nhỏ nhất, bản Nà Sự như được khoác lên mình một diện mạo mới kể từ khi tiến hành xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Anh Lò Văn Mai, Bí thư Chi bộ bản Nà Sự chia sẻ, bản thân anh là đảng viên, người đứng đầu bản nên phải đi đầu, gương mẫu làm trước từ những việc nhỏ như di dời chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng hoa, cây cảnh tạo khuôn viên. Khi những người đứng đầu bản tiên phong làm trước, bà con cảm thấy có hiệu quả nên cũng tiến hành làm theo và dần phong trào lan ra cả bản cùng thực hiện.
Những cọn nước được người dân Nà Sự làm để tạo điểm nhấn cho du khách tham quan. Ảnh: TTXVN
Đến với bản Nà Sự, du khách sẽ được khám phá và trải nghiệm cuộc sống thực tế của đồng bào Thái trắng; tham gia thực hiện một số công việc sản xuất truyền thống, trải nghiệm chế biến món ăn cùng đồng bào Thái hoặc tìm hiểu về văn hóa và phong tục bản địa; hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp, không khí mát lành. Một đặc điểm thú vị khác là du khách có thể trải nghiệm trình diễn điệu múa của dân tộc Thái tại Không gian trải nghiệm văn hóa ẩm thực, giao lưu văn hóa, văn nghệ ngay bên dòng suối Nậm Bai.
Lần đầu tiên trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng ở Nà Sự, anh Nguyễn Văn Tuấn, du khách từ thành phố Hà Nội đến Điện Biên trải nghiệm cung đường A Pa Chải chia sẻ, đến với bản Nà Sự anh cảm thấy rất bất ngờ về không gian du lịch vô cùng ấn tượng với khung cảnh bản làng, thiên nhiên đặc sắc mang đậm bản sắc Tây Bắc, có núi, suối, ruộng bậc thang, cọn nước. Anh Tuấn cũng bất ngờ khi được trải nghiệm không gian ẩm thực độc đáo với các món ăn của đồng bào dân tộc Thái và các điệu múa xòe, tiếng đàn tính mang âm hưởng văn hóa dân tộc đều được người dân trong bản mang lại cho du khách.
Du khách tham gia đốt lửa trại đêm tại bản du lịch cộng đồng Nà Sự. Ảnh: TTXVN
Theo Chủ tịch UBND xã Chà Nưa Thùng Văn Ánh, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, địa phương đã triển khai dự án phát triển du lịch cộng đồng tại bản Nà Sự. Trong đó tập trung vào việc cải tạo cảnh quan, đường điện, nơi ăn nghỉ và các dịch vụ trải nghiệm. Riêng nếp nhà sàn trong bản vẫn được giữ nguyên theo bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, bà con trong bản đã đoàn kết và góp sức làm cọn nước bên khu vực suối để tạo thành điểm nhấn, biểu tượng của du lịch Nà Sự. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng vận động nhân dân trong bản bảo tồn, phát huy nghề may dệt thổ cẩm, mây tre đan, các sản phẩm nông sản nhằm tạo nên sản phẩm du lịch, tăng thu nhập cho người dân trong bản.
Trong một lần đến trải nghiệm bản du lịch cộng đồng Nà Sự, Chủ tịch Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam Phạm Hải Quỳnh cho rằng, mỗi bản văn hóa du lịch đều có sự trải nghiệm thú vị riêng, nhưng đối với Nà Sự có sự khác biệt từ phong cảnh thiên nhiên, nét văn hóa đặc trưng trong trang phục, ẩm thực, nghề truyền thống. Tất cả đã tạo nên điểm đặc sắc của du lịch Nà Sự và đây sẽ là điểm dừng chân hấp dẫn trên cung đường chinh phục cực Tây A Pa Chải đối với mỗi du khách.
Những cọn nước được người dân Nà Sự làm để tạo điểm nhấn cho du khách tham quan. Ảnh: TTXVN
Hiện nay, Nà Sự là một trong những mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên ở Điện Biên áp dụng số hóa toàn diện. Đến Nà Sự, du khách chỉ cần quét mã QR là có đầy đủ thông tin các dịch vụ. Chính quyền địa phương đã xây dựng website, trang mạng xã hội với đầy đủ thông tin, hình ảnh về bản, các dịch vụ du lịch, các nét văn hóa đặc sắc ở Nà Sự để giúp du khách có cái nhìn toàn diện về mô hình du lịch cộng đồng này.
Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ Lê Khánh Hòa cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đầu tư kinh phí và đặc biệt mời chuyên gia về du lịch cộng đồng tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ nhằm đưa Nà Sự trở thành bản du lịch cộng đồng đặc sắc mà không đánh mất đi những nét văn hóa truyền thống, cảnh quan vốn có.
Du khách quét mã QR để tìm hiểu thông tin các dịch vụ của bản du lịch cộng đồng Nà Sự. Ảnh: TTXVN
Cùng với sự chung tay của chính quyền địa phương, tinh thần đoàn kết của người dân, bản Nà Sự đã và đang "thay da đổi thịt" từng ngày nhờ phát triển du lịch cộng đồng. Đến nay, Nà Sự đã trở thành điểm đến hấp dẫn, một điểm sáng trong du lịch cộng đồng ở vùng biên giới, miền núi. Việc phát triển du lịch cộng đồng đã trở thành hướng đi tạo sinh kế bền vững cho người dân nơi đây.
Xuân Tư