Thành phố Đà Nẵng hướng đến mục tiêu khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển, hải đảo đưa Đà Nẵng trở thành đô thị biển quốc tế trên nền tảng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển và các hải đảo trong lành, xã hội hài hòa với thiên nhiên.
Đà Nẵng là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển. Thành phố có 6/8 quận, huyện tiếp giáp với biển với hơn 92km bờ biển, 80% dân số đang sinh sống tại các quận, huyện ven biển. Đà Nẵng có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú.
Với hơn 30km đường bờ biển, Đà Nẵng được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan tự nhiên đẹp. Dải các bãi biển đẹp, có điều kiện lý tưởng từ Liên Chiểu đến Non Nước (Nam Ô, Xuân Thiều, Tiên Sa, Sơn Trà, Mỹ Khê...). Gần đây, bãi biển Đà Nẵng đã được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong sáu bãi biển đẹp nhất hành tinh, cùng với sự hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, là động lực cho Đà Nẵng xây dựng thành thành phố biển mang tầm quốc tế với ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch biển.
Với nền nhiệt cao, luôn trên 20 độ C, vùng biển Đà Nẵng là nơi thích hợp cho sinh vật phù du, cá, tôm, san hô… phát triển, đem lại nguồn lợi hải sản lớn cho thành phố. Sinh vật biển Đà Nẵng rất đa dạng, với hơn 266 loài có giá trị kinh tế cao, riêng về cá có hơn 600 loài (30 - 40 loài có giá trị kinh tế cao). Trữ lượng hải sản lớn, khoảng 1.136 nghìn tấn, khả năng khai thác hằng năm là 60.000 - 70.000 tấn hải sản các loại.
Biển Đà Nẵng là vùng biển nhiệt đới, quanh năm nắng ấm, là điều kiện tốt cho san hô phát triển. San hô Đà Nẵng phát triển quanh bán đảo Sơn Trà thành dạng diềm, trong đó san hô đá hơn 90%. San hô có vai trò bảo đảm đa dạng sinh học trên vùng biển thành phố và là lợi thế phát triển du lịch. Hiện nay, Đà Nẵng phát triển loại hình du lịch lặn biển ngắm san hô thu hút du khách gần xa.
Vùng biển ngoài khơi, quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa của thành phố cũng là khu vực giàu hải sản, và là nơi thuận lợi để nuôi trồng thủy sản. Thành phố có trên 576ha diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước mặn, phân bố ở các khu vực Thọ Quang, Nại Hiên Đông, Hòa Cường, Hòa Hiệp, quanh đèo Hải Vân. Ngoài ra, Đà Nẵng còn có nhiều tài nguyên và lợi thế ven biển khác như: Khoáng sản - cát trắng, mỏ dầu khí…
Với những lợi thế về tài nguyên biển, hải đảo, TP. Đà Nẵng hướng tới mục tiêu trở thành một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước.
Từ những lợi thế trên, tháng 2/2020, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 28-CTr/TU ngày 18/02/2019 của Thành ủy về phát triển bền vững kinh tế biển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kế hoạch xác định mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, đô thị biển quốc tế trên cơ sở phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Đà Nẵng đặt mục tiêu đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố đạt 10% vào năm 2025 và 15% vào năm 2030. Mục tiêu đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành thành phố phát triển kinh tế biển bền vững và thịnh vượng.
Hướng tới mục tiêu trở thành một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, đô thị biển quốc tế trên cơ sở phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, thời gian qua TP. Đà Nẵng đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên biển, hải đảo được địa phương này đẩy mạnh triển khai. UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 70/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 3/4/2023 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố.
TP.Đà Nẵng đặt ra mục tiêu tổng quát từ năm đến năm 2030 tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, công bằng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; ô nhiễm môi trường biển được ngăn ngừa, kiểm soát và giảm thiểu; đa dạng sinh học biển, ven biển và hải đảo được bảo vệ, duy trì và phục hồi; các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa biển được bảo tồn và phát huy; tác động của thiên tai được hạn chế thấp nhất có thể, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, góp phần hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước. Tầm nhìn đến năm 2050, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nhằm đưa Đà Nẵng trở thành đô thị biển quốc tế trên nền tảng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển và các hải đảo trong lành, xã hội hài hoà với thiên nhiên.
Thành phố sẽ phát triển bền vững các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên từ Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Khai thác hải sản; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; Công nghiệp ven biển và khai thác các tài nguyên, khoáng sản biển khác. Đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) đạt 10% vào năm 2025 và 15% vào năm 2030. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững, phù hợp với các quy định quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển.
Bên cạnh đó, thực hiện ngăn ngừa, kiểm soát và đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong lĩnh vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương; các công trình ven biển và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh; xây dựng, hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung tách biệt với nước mưa đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường. Phấn đấu đến năm 2030, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về môi trường và sức tải môi trường biển, khả năng phục hồi, chống chịu của hệ sinh thái biển, đảo.
Thành phố Đà Nẵng tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để khai thác, hiệu quả bền vững nguồn tài nguyên biển, hải đảo, hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra.
Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản. Quản lý và phục hồi hệ sinh thái rạn san hô và thảm cỏ biển; tăng diện tích các khu vực phục vụ cho bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái biển, diện tích các khu bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển thành phố. Kế hoạch cũng đề ra mục tiêu ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng dựa vào sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo cùng với tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, động đất, sóng thần. Xác định được nguyên nhân và có biện pháp phòng tránh, ngăn chặn, hạn chế tác động của xâm nhập mặn, xói lở bờ biển.
Xem thêm: juna spa
Bên cạnh đó, việc điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học biển và hải đảo cơ bản đáp ứng được yêu cầu của hoạt động khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển và hải đảo, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa biển, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng góp phần phát triển bền vững kinh tế biển. Đánh giá được tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng. 100% diện tích vùng biển Đà Nẵng được phân công quản lý được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỷ lệ bản đồ 1:500.000. Thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số hóa về biển, đảo, bảo đảm tích hợp, chia sẻ và cập nhật.
Cùng với những giải pháp trên, TP. Đà Nẵng đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về biển, về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về biển, về sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển thông qua các chiến dịch tuyên truyền cao điểm bao gồm Ngày Môi trường thế giới (05/6), Ngày Đại dương thế giới (08/6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (01 - 08/6). Đẩy mạnh giáo dục pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết, từ đó hình thành ý thức bảo vệ môi trường, ý thức chấp hành pháp luật về biển trong xã hội.
Tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho cộng đồng dân cư ven biển về biến đổi khí hậu và kỹ năng thích nghi để sống chung với biến đổi khí hậu. Vận động ngư dân không sử dụng các biện pháp có tính hủy diệt, thiếu bền vững trong khai thác hải sản, không khai thác hải sản trong các vùng cấm, không đánh bắt các loài thủy sinh thuộc danh mục cấm khai thác và có trách nhiệm bảo vệ các loài thủy sinh thuộc danh mục ưu tiên bảo vệ.
Đức Mạnh