Tháng 4/2024 vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với các huyện công bố tuyến du lịch "Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội - Điểm về nguồn cội", với điểm khởi đầu là các di tích nổi tiếng tại huyện Thanh Oai.
Để khai thác tốt tuyến du lịch này, Thanh Oai đã và đang đẩy mạnh kết nối các di sản, làng nghề và khu du lịch sinh thái.
Khu du lịch nông nghiệp sinh thái đầm Cao Viên (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai). Ảnh: Đỗ Phong
Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, "Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội - Điểm về nguồn cội" tập trung khai thác những điểm đến di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề của khu vực các huyện: Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức. Đối với huyện Thanh Oai, nổi bật là những di tích lịch sử, văn hóa như: Đền Nội thuộc làng Bình Đà (xã Bình Minh); chùa Bối Khê (xã Tam Hưng) và tại thôn Xuyên Dương (xã Xuân Dương) có Nhà lưu niệm Bác Hồ, nơi lưu dấu ký ức khi Người sống và làm việc tại đây trong những ngày cuối năm 1946, đầu năm 1947… Đó là nguồn di sản đồ sộ, quý báu, là cơ sở để huyện Thanh Oai phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh.
Ngoài ra, huyện Thanh Oai còn nổi tiếng với nhiều nghề truyền thống, như: Làng Cự Đà (xã Cự Khê) có nghề làm tương và miến; làng Chuông (xã Phương Trung) làm nón lá; làng Ước Lễ (xã Tân Ước) làm giò, chả; nghề điêu khắc Võ Lăng, lồng chim Canh Hoạch (xã Dân Hòa)… Không những vậy, huyện Thanh Oai còn có nhiều thế mạnh về du lịch nông nghiệp sinh thái với các điểm đến cảnh quan đẹp, như: Khu đầm Thanh Cao - Cao Viên, vườn cây ăn quả tại 7 xã ven sông Đáy…, đáp ứng tốt nhu cầu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng của du khách.
Mặc dù có nguồn lực lớn, nhưng huyện Thanh Oai chưa khai thác hết lợi thế này. Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi cho biết, hiện hầu hết các di sản văn hóa, đền, chùa trên địa bàn huyện vẫn do người dân trông nom; khi du khách đến tham quan, lễ chùa, phải tự khám phá, chưa có người hướng dẫn, thuyết minh bài bản... “Đối với các làng nghề, khu du lịch sinh thái, hiện huyện mới chỉ là hình thành hệ thống giao thông kết nối, chưa đầu tư, khai thác thành điểm du lịch”, ông Trần Văn Lợi chia sẻ.
Đánh giá về tiềm năng du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, sinh thái tại huyện Thanh Oai, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng, Thanh Oai đang bỏ ngỏ tiềm năng vốn có của mình. Điều quan trọng hiện nay là phải xác định các tuyến du lịch cụ thể, đặc trưng, từ đó xây dựng và kết nối các tuyến với nhau; đồng thời, phải chú trọng đến nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực du lịch.
Góp phần phát triển công nghiệp văn hóa
Để thúc đẩy, phát huy nguồn lực, trở thành điểm nhấn trong "Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội - Điểm về nguồn cội", Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi thông tin, huyện sẽ lựa chọn những di tích, làng nghề truyền thống, có bề dày lịch sử để đầu tư phát triển. Từ điểm nhấn đó, huyện sẽ kết nối thành các tuyến du lịch riêng biệt về văn hóa, di sản, làng nghề, sinh thái. Các tuyến du lịch này đều có sự kết nối với các huyện nằm trong "Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội - Điểm về nguồn cội", là Ứng Hòa, Mỹ Đức và mở rộng ra các quận, huyện khác.
Nhiều chuyên gia cho rằng, với 51 làng nghề truyền thống, trong đó có những làng nghề hàng trăm năm tuổi, thì không gian làng nghề đặc sắc sẽ là điểm nhấn của huyện Thanh Oai khi phát triển tuyến du lịch này. Theo Chi hội trưởng Chi hội Du lịch xanh Việt Nam (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) Phùng Quang Thắng, điểm nổi bật ở các làng nghề truyền thống của Thanh Oai là nằm trong những ngôi làng cổ với những nếp nhà, cổng làng, ao làng đậm chất kiến trúc - văn hóa Đồng bằng Bắc Bộ. Ngoài ra, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái cũng là những thế mạnh riêng khi Thanh Oai đang phấn đấu trở thành một quận xanh, sinh thái của Hà Nội trong tương lai.
Cùng với xác định điểm du lịch đặc thù, Thanh Oai cũng đang đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực cho du lịch. Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, huyện Thanh Oai sẽ phối hợp với các huyện trong "Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội - Điểm về nguồn cội" để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, nhằm phát triển du lịch và các dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, bài bản. Theo đó, đối với các làng nghề, huyện sẽ đầu tư không gian trải nghiệm khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Với các điểm du lịch này, huyện sẽ nghiên cứu thành lập hợp tác xã để quy tụ bà con làng nghề cùng chung tay làm du lịch. Còn đối với các đền, chùa, di tích lịch sử, văn hóa, huyện sẽ tập trung gìn giữ, bảo tồn, phát triển hệ thống đường giao thông, trồng cây xanh để tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
“Thời gian tới, huyện tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông, quy hoạch các tuyến đường có tính kết nối với các điểm du lịch và tập trung đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Đặc biệt, trên cơ sở tuyến du lịch "Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội - Điểm về nguồn cội", huyện sẽ từng bước sắp xếp, phân bố không gian hợp lý để tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, ưu tiên bảo tồn, khai thác, phát huy hiệu quả một số không gian văn hóa phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa”, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng nhấn mạnh.
Đỗ Minh