Vườn quốc gia (VQG) Bái Tử Long (Quảng Ninh) là một trong những VQG đầu tiên được công nhận tại Việt Nam và là công viên di sản thứ 38 của ASEAN. Kể từ khi được công nhận đến nay, nơi đây luôn là thiên đường về bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời cũng là mơ ước khám phá đối với những du khách yêu thích thiên nhiên và du lịch sinh thái.
Công viên di sản thứ 38 của ASEAN
VQG Bái Tử Long nằm trên địa bàn huyện Vân Đồn. Vườn được thành lập ngày 1/6/2001 theo Quyết định số 85/2001/QĐ-TTg, trên cơ sở mở rộng và chuyển hạng từ Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Mùn. Đây là Vườn thứ 12 trong danh sách 34 VQG đã được thành lập ở Việt Nam theo thứ tự thành lập và là một trong 7 VQG vừa có diện tích trên cạn vừa có diện tích biển.
Đảo Ba Mùn hay còn gọi là Đảo Thú, là một trong 3 nhóm đảo chính của Vườn quốc gia Bái Tử Long.
Tổng diện tích của VQG Bái Tử Long là 15.783ha, trong đó, diện tích biển chiếm 9.658ha, còn lại 6.125ha là diện tích các đảo nổi. Phần đảo bao gồm cả đảo núi đất và đảo đá vôi, với hơn 80 hòn đảo lớn, nhỏ, chia thành 3 cụm đảo chính: Ba Mùn, Trà Ngọ và Sậu. VQG Bái Tử Long nằm trong địa giới hành chính 3 xã: Minh Châu, Vạn Yên và Hạ Long của huyện Vân Đồn. Diện tích vùng đệm là 16.534ha, nằm trên 5 xã: Vạn Yên, Minh Châu, Hạ Long, Bản Sen, Quan Lạn.
Do có cấu tạo địa hình, địa chất đa dạng nên hệ sinh thái của VQG Bái Tử Long rất đa dạng. Các loài động, thực vật có tại Vịnh Hạ Long hầu hết xuất hiện ở Vịnh Bái Tử Long. Cho đến nay, VQG Bái Tử Long ghi nhận sự xuất hiện của 2.415 loài sinh vật, gồm 1.195 loài động, thực vật rừng, 1.220 loài sinh vật biển. Trong đó, có 106 loài được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam, Danh lục đỏ thế giới.
Hang luồn Cái Đé là nơi dẫn vào một trong những hệ sinh thái rừng ngập mặn độc đáo của Vườn quốc gia Bái Tử Long.
Năm 2016, theo đề nghị của Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) VQG Bái Tử Long đã được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) công nhận là Công viên di sản ASEAN do đáp ứng được các tiêu chí về tính toàn vẹn về sinh thái; tính đại diện; tính tự nhiên; tính độc đáo và các sinh cảnh quý, hiếm; tính hợp pháp. Theo ACB, VQG Bái Tử Long sở hữu hệ sinh thái rừng ngập mặn (tại khu vực áng Cái Lim) được đánh giá là độc đáo nhất Đông Nam Á về giá trị sinh học, khoa học, giáo dục và đào tạo.
Tại đây, các nhà khoa học và các chuyên gia về bảo tồn đa dạng sinh học đã tìm thấy nhiều bằng chứng về diễn thế tự nhiên của các hệ sinh thái rừng ngập mặn nguyên thủy với nhiều cây có tuổi đời hàng trăm năm.
Mở cánh cửa phát triển du lịch sinh thái
Với những giá trị về đa dạng sinh học, cảnh quan, văn hóa lịch sử, năm 2006, VQG Bái Tử Long được công ty du lịch sinh thái của Anh Gecko bình chọn là một trong 5 điểm đến tốt nhất Đông Nam Á.
Dù sở hữu giá trị đa dạng sinh học cao bậc nhất Đông Nam Á và xuất hiện trong nhiều danh sách bình chọn uy tín về du lịch sinh thái, tuy nhiên cánh cửa đưa du khách ghé thăm VQG Bái Tử Long lâu nay vẫn đóng kín. Hầu hết những đoàn khách có cơ hội khám phá Bái Tử Long là các đoàn chuyên gia nghiên cứu và báo chí. Du khách chỉ có thể từ xa ngắm nhìn những đảo đất, đảo đá chứ chưa nói tới việc đi sâu, tiếp cận với khu vực áng Cái Lim - nơi sở hữu giá trị độc đáo về sinh thái không đâu có được tại Đông Nam Á.
Khu vực vùng lõi của Vườn Quốc gia Bái Tử Long chủ yếu là đón các đoàn nghiên cứu và báo chí.
Năm 2023, hiện thực hóa chủ trương mở rộng không gian phát triển và tạo sản phẩm du lịch mới, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của tỉnh Quảng Ninh, Ban Quản lý VQG Bái Tử Long đã đề xuất triển khai một số hoạt động du lịch sinh thái tại đây với 3 tuyến du lịch cụ thể: Tuyến đi trong ngày xuất phát từ cảng Ao Tiên đi làng chài cống Lão Vọng - đảo Trà Ngọ lớn - hòn Thiên Nga; tuyến 2 ngày 1 đêm xuất phát từ cảng Ao Tiên - khu Cái Đé - Điểm đỗ nghỉ đêm Máng Hà; tuyến 3 ngày 2 đêm: xuất phát từ cảng Ao Tiên - vụng Trà Thần (đảo Trà Ngọ lớn) - bãi tắm Cái Lim - Điểm đỗ nghỉ đêm Máng Hà - khu Cái Đé - Điểm nghỉ đêm.
Du thuyền 5 sao Grand Pioneers 2 là du thuyền đầu tiên thực hiện "Hành trình di sản" đi qua 2 vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, trong đó có những điểm đến thuộc Vườn quốc gia Bái Tử Long. Ảnh: Nguyễn Thơm
Song song với việc đề xuất tuyến luồng mới, VQG Bái Tử Long cũng đề xuất UBND tỉnh Quảng Ninh về việc phát triển 3 sản phẩm du lịch mới: Trải nghiệm tham quan hệ sinh thái rừng tại VQG Bái Tử Long, đu dây mạo hiểm (zipline); Trải nghiệm chèo thuyền kayak, thuyền nan, lặn biển, thám hiểm hang động tại khu vực Cái Đé và ngủ đêm trên vịnh tại khu vực Máng Hà.
Các sản phẩm mới đề xuất đã tạo được sự phấn khởi cho cộng đồng doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh, bởi từ lâu, những người làm du lịch đã nhận thấy tiềm năng vô giá nhưng bị bỏ ngỏ của Bái Tử Long… Tuy nhiên, khép lại năm 2023, những sản phẩm du lịch sinh thái này vẫn lỡ hẹn vì nhiều lý do.
Ông Phạm Quốc Việt, Trưởng Phòng Khoa học - Hợp tác quốc tế, Ban Quản lý VQG Bái Tử Long, cho biết: “Để triển khai được các sản phẩm du lịch mới, Phương án quản lý rừng bền vững VQG Bái Tử Long phải được phê duyệt làm cơ sở để điều chỉnh Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Các sản phẩm du lịch sinh thái khám phá rừng tạm thời chưa có căn cứ pháp lý để triển khai. Tuy nhiên, việc triển khai các sản phẩm du lịch trên biển cơ bản phù hợp với định hướng trong hồ sơ đề nghị thành lập Khu bảo tồn biển Bái Tử Long đang được Ban Quản lý VQG Bái Tử Long lập, nên đây sẽ là những sản phẩm khả thi, có thể triển khai ngay trong năm nay”.
Rừng trâm cổ trên xã đảo Minh Châu sẽ là một trong những điểm tham quan của du khách trên "Hành trình di sản".
Mới đây, Công ty Việt Thuận Group cho ra mắt sản phẩm “Hành trình di sản", dự kiến chạy thử chuyến đầu tiên vào tháng 7 tới. Đây là hải trình đầu tiên kết nối du lịch Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long theo hành trình 3 ngày 2 đêm trên du thuyền 5 sao. Hành trình xuất phát từ Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu đưa du khách tham quan các biểu tượng của Vịnh Hạ Long và tiếp tục nối dài đến VQG Bái Tử Long, các đảo Bản Sen, Quan Lạn, Minh Châu của huyện Vân Đồn. Trong hành trình, du khách sẽ được trải nghiệm ngắm bình minh trên Vịnh Bái Tử Long, đạp xe tham quan và tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, cuộc sống của người dân trên các xã đảo, tắm biển và tham quan rừng trâm cổ tại Minh Châu...
Ông Lương Hữu Tuyên, Phó Giám đốc Công ty Việt Thuận Group, cho biết: Hành trình di sản sẽ được triển khai chạy thử trong một năm, sau đó chúng tôi sẽ tiến hành đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm và triển khai giai đoạn 2. Trong quá trình vận hành sản phẩm, Việt Thuận sẽ tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về du lịch, vận tải hành khách và đặc biệt là bảo vệ môi trường. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý VQG Bái Tử Long để tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái với nguyên tắc không làm ảnh hưởng xấu tới các hệ sinh thái, tài nguyên rừng, biển; không làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên và môi trường của VQG; tích cực tuyên truyền, giáo dục và quảng bá, giới thiệu các giá trị của VQG đến cộng đồng và du khách.
VQG Bái Tử Long với vai trò là khu dự trữ sinh quyển của quốc gia và khu vực, là kho báu cho phát triển du lịch nói chung và du lịch sinh thái nói riêng. Tuy nhiên, để du lịch nơi đây khởi sắc và cất cánh, rất cần có chiến lược dài hạn và căn cơ, đảm bảo cân bằng lợi ích giữa bảo tồn và phát triển. Có như vậy, du lịch VQG Bái Tử Long mới thực sự khác biệt, hấp dẫn và bền vững.
Đào Linh