Sau Vịnh Hạ Long và huyện đảo Cô Tô, từ cuối tháng 4/2024, huyện Vân Đồn là điểm đến tiếp theo của tỉnh Quảng Ninh chủ trương hạn chế rác thải nhựa trong hoạt động du lịch với mục tiêu bảo vệ hệ sinh thái, hướng tới phát triển du lịch xanh, bền vững.
Xã đảo Minh Châu (huyện Vân Đồn) lắp đặt các pano, áp phích chủ đề “Nói không với đồ nhựa dùng một lần” tại các địa điểm du lịch.
Ngày 24/4/2024, huyện Vân Đồn ban hành Kế hoạch số 1299/KH-UBND về giảm thiểu rác thải nhựa tại 5 xã đảo trên địa bàn. Trong đó, đưa ra mục tiêu, từ quý III/2024, 100% đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trên địa bàn các xã: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen không sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong các hoạt động, hạn chế 80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy; phấn đấu đến năm 2025, giảm thiểu 50% lượng rác thải nhựa và tiến tới xóa rác thải nhựa ở các địa phương này vào năm 2030.
Hiện thực hóa mục tiêu này, nhiều giải pháp đang được triển khai. Điển hình như tại xã Minh Châu, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền rộng rãi thông điệp giảm thiểu rác thải nhựa, lắp đặt đồng bộ các pano, áp phích chủ đề “Nói không với đồ nhựa dùng một lần” kèm theo các mô hình chứa rác thải nhựa cỡ lớn tại các địa điểm tập trung đông khách du lịch và dân cư như bến cảng, bãi tắm, phố đi bộ… Xã cũng không cho phép tổ chức các dịch vụ ăn uống, tiệc nướng BBQ trên bãi biển để bảo vệ môi trường.
Với quan điểm người dân và du khách là chủ thể trong thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa, xã chú trọng thay đổi thói quen, giảm dần việc sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng một lần, túi nilon, thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, cũng như trong sinh hoạt của cộng đồng dân cư trên địa bàn. Hiện tại, Minh Châu đã xuất hiện những đơn vị tiên phong, lan tỏa thông điệp không rác thải nhựa. Anh Hà Huy Mạnh, chủ khách sạn Phoenix, xã Minh Châu, chia sẻ: Ngay từ khi lên ý tưởng xây dựng cho đến đi vào hoạt động đến nay đã hơn 4 năm, đơn vị luôn kiên trì quan điểm bảo vệ môi trường cho đảo từ những hành động nhỏ nhất để lan tỏa đến người dân, du khách. Mọi không gian trang trí, vật liệu xây dựng, đơn vị tận dụng tối đa các vật liệu tái chế; không sử dụng các loại nước đóng chai dùng một lần mà thay thế bằng chai thủy tinh, không sử dụng ống hút nhựa cũng như hạn chế thấp nhất việc sử dụng túi nilon trong hoạt động hằng ngày…
Nhiều giải pháp chung tay hạn chế rác thải nhựa được thực hiện đồng bộ tại Bến cảng cao cấp Ao Tiên - một trong những cửa ngõ đưa du khách ra tuyến đảo huyện Vân Đồn.
Các giải pháp chung tay hạn chế rác thải nhựa được triển khai ngay từ các bến cảng trong đất liền. Tại Bến cảng cao cấp Ao Tiên, hệ thống loa phát thanh thường xuyên truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường, khuyến cáo du khách không mang theo sản phẩm nhựa một lần. Các pano, áp phích với thông điệp nói không với túi nilon, chai nhựa dùng một lần được đặt ở những vị trí dễ nhìn nhất. Cảng Ao Tiên cùng các nhà tàu chuẩn bị sẵn sàng túi tái chế để hỗ trợ du khách và người dân thay thế túi nilon đựng đồ mang ra các đảo. Chị Đinh Thị Lụa (du khách TP Hà Nội) cho biết: Đoàn chúng tôi trước khi đến Quảng Ninh cũng tìm hiểu và cả đoàn đều chuẩn bị hành lý gọn gàng, sử dụng đồ tái chế để bảo vệ môi trường.
Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vân Đồn, cho biết: Xác định hạn chế rác thải nhựa dùng một lần ngay từ nguồn phát thải, huyện thực hiện khuyến cáo đến các đơn vị kinh doanh dịch vụ cũng như người dân cùng chung tay thực hiện và tiến tới ký cam kết; có giám sát trong quá trình thực hiện, đảm bảo kiểm soát nguồn phát thải, hướng đến du lịch bền vững, không rác thải nhựa.
Nguyễn Thơm