Kiên Giang: Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch

Cập nhật: 13/06/2024
Tỉnh Kiên Giang tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế; đồng thời đề ra nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.

Du khách vui chơi tại Bãi Trường (TP. Phú Quốc)

Kiên Giang là một trong bốn tỉnh vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, cửa ngõ phía tây nam Tổ quốc, thông ra vịnh Thái Lan và tiếp giáp với Campuchia, có cảng biển và sân bay quốc tế, thuận lợi giao lưu, hợp tác với khu vực và quốc tế. Tỉnh có đường bờ biển phần đất liền dài hơn 200km, có trên 140 đảo lớn nhỏ với nhiều bãi tắm đẹp, trong lành thích hợp tắm biển, khám phá. Hệ thống danh lam, thắng cảnh và di tích lịch sử, văn hóa đa dạng thích hợp phát triển các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, nông thôn, nghỉ dưỡng chất lượng cao...

Để khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch, tỉnh quy hoạch 4 vùng du lịch trọng điểm là TP. Rạch Giá và vùng phụ cận, vùng TP. Hà Tiên - Kiên Lương, vùng U Minh Thượng và TP. Phú Quốc phù hợp với điều kiện tự nhiên và tài nguyên du lịch của mỗi vùng. Những năm gần đây, du lịch tỉnh có bước phát triển nhanh, trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh. Du lịch tỉnh dần định vị thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới khi được nhiều tổ chức, tạp chí du lịch uy tín đánh giá là điểm đến an toàn, hấp dẫn và mến khách... 5 tháng đầu năm 2024, du lịch Kiên Giang tiếp tục có bước phát triển khá, tỉnh đón gần 4,5 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó có trên 442.000 lượt du khách quốc tế; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 11.428 tỷ đồng.

Theo đồng chí Nguyễn Lưu Trung - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, nhằm phát triển du lịch, tỉnh tiếp tục tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, huy động nguồn lực đầu tư phát triển du lịch; đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá; xây dựng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; tăng cường liên kết vùng; bảo vệ môi trường, bảo tồn giá trị văn hóa; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực; tăng cường chuyển đổi số và quản lý nhà nước về du lịch… Tỉnh tranh thủ thời cơ, tận dụng cơ hội để phát triển hệ sinh thái du lịch, tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác, thúc đẩy du lịch phát triển toàn diện, nhanh và bền vững.

Tỉnh đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, kết nối, hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn giữa các khu, điểm du lịch với hệ thống giao thông của tỉnh; đẩy mạnh khai thác du lịch đường biển khi Cảng hành khách quốc tế Dương Đông (TP. Phú Quốc) đưa vào khai thác. Tận dụng các nền tảng mạng xã hội trong xúc tiến, quảng bá phát triển du lịch; quảng bá du lịch trên các chuyến bay, tại nhà ga, bến cảng, phương tiện giao thông công cộng; quảng bá qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho du khách tại các địa bàn du lịch trọng điểm; triển khai các chiến dịch kích cầu du lịch.

Song song đó, tỉnh rà soát, đánh giá lại hệ thống sản phẩm du lịch theo vùng, nhất là các sản phẩm thế mạnh, đặc thù như sản phẩm du lịch biển, đảo, nông thôn, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh, sản phẩm du lịch, giải trí cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng, tiệc cưới, thể thao... Đồng thời, khuyến khích, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu đầu tư phát triển điểm đến đẳng cấp và đa trải nghiệm với các sản phẩm du lịch sáng tạo, có tính liên vùng để thu hút và giữ chân du khách; đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch ban đêm tại các khu vực tập trung đông du khách của địa phương. Đồng thời, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, cảnh quan tự nhiên độc đáo; đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng về số lượng và chất lượng; tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đối tác ở nước ngoài tham gia hỗ trợ đào tạo nhân lực chất lượng cao... phục vụ cho phát triển du lịch bền vững.

Kiên Giang tăng cường liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương trong tỉnh, liên kết các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước để hình thành một cung đường, nhiều điểm đến; tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; nghiên cứu triển khai thực hiện các mô hình quản trị, hợp tác công - tư trong phát triển du lịch; kiên quyết xử lý hành vi vi phạm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tiếp tay, bao che các hành vi vi phạm, trục lợi từ việc chèo kéo, ép giá, quảng cáo sai sự thật trong hoạt động kinh doanh du lịch, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch của tỉnh./.

Trung Hiếu

Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Kiên Giang - kiengiang.gov.vn - Đăng ngày 07/6/2024