Ngày 11.6, tại Trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) ở thủ đô Paris, Kỳ họp lần thứ 10 Đại hội đồng Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003), đã khai mạc với sự tham dự của 183 quốc gia thành viên và hơn 100 quan sát viên. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp này.
Tại phiên khai mạc, Việt Nam đã được các nước thành viên tín nhiệm cao bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Công ước 2003, đưa số lượng các cơ chế then chốt của UNESCO mà Việt Nam tham gia lên con số 6 (thành viên Uỷ ban Di sản thế giới và Hội đồng Chấp hành UNESCO, Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO, Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ và Phó Chủ tịch Đại hội đồng Công ước 2003).
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự kỳ họp. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của sự kiện này, một lần nữa cho thấy vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao của Việt Nam, sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với vai trò và năng lực điều hành của ta tại các thể chế đa phương toàn cầu, và đặc biệt là sự ghi nhận đối với những đóng góp của Việt Nam trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể trong nước và trên thế giới. Đây cũng là kết quả của việc triển khai chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước về đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, cũng như Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030.
Ở vị trí điều hành, Việt Nam sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng, thông qua các quyết định quan trọng của UNESCO về văn hóa, đóng góp hơn nữa cho việc hoàn thiện, thực hiện các mục tiêu của Công ước 2003, cũng như tranh thủ các chương trình, kế hoạch, sáng kiến của UNESCO phục vụ phát triển đất nước, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trong hợp tác văn hóa ở tầm toàn cầu.
Phát biểu tại phiên khai mạc toàn thể của Kỳ họp lần thứ 10, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban liên Chính phủ, Ban thư ký và các quốc gia thành viên Công ước 2003 trong thúc đẩy các mục tiêu của Công ước, nâng cao nhận thức về vai trò của bảo vệ và trao truyền di sản phi vật thể, đặt cộng đồng vào trung tâm của nỗ lực bảo tồn di sản. Thứ trưởng khẳng định Việt Nam, với 15 di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh và 550 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, luôn luôn quan tâm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, không ngừng xây dựng và hoàn thiện chính sách, luật pháp quốc gia, và gần đây nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa và Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc đề xuất UNESCO và các nước thành viên cần tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, triển khai hiệu quả Công ước, ưu tiên chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển, các quốc gia Châu Phi, nhóm đảo nhỏ đang phát triển, thúc đẩy tham gia và đóng góp của cộng đồng, phụ nữ và thanh niên.
Các quốc gia thành viên Công ước 2003 đánh giá cao những kinh nghiệm, hiểu biết và nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở cả phương diện lý luận, luật pháp và thực tiễn, là bài học tốt cho nhiều quốc gia ở khu vực và quốc tế, góp phần bảo vệ khẩn cấp những di sản có nguy cơ bị mai một, gìn giữ những di sản đại diện cho nhân loại và quảng bá những hình mẫu di sản được bảo vệ tốt trên thế giới.
Các đại biểu chụp ảnh chung. Ảnh: TTXVN
Diễn ra trong hai ngày, 11 và 12.6, Kỳ họp lần thứ 10 của Đại hội đồng Công ước 2003 là dịp để các nước thành viên cùng nhau thảo luận các vấn đề quan trọng đối với tương lai của Công ước và hướng các nỗ lực của các quốc gia và cộng đồng vào việc bảo vệ di sản sống của thế giới. Các chủ đề chính trong chương trình nghị sự bao gồm: tổng kết các hoạt động của Đại hội đồng giai đoạn 2022 - 2023; xem xét việc triển khai rộng rãi hơn Điều 18 của Công ước; xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn lực của Quỹ Di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2024 và 2025; công nhận các tổ chức phi chính phủ mới và bầu 12 thành viên mới của Ủy ban.
Đại hội đồng Công ước 2003 là cơ quan quyền lực cao nhất của UNESCO trong lĩnh vực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, gồm đại diện của 183 nước thành viên. Đại hội đồng quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến chính sách, đường lối phát triển của Công ước, phân bổ kinh phí hỗ trợ công tác bảo tồn di sản phi vật thể ở các quốc gia, bầu Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003. Việt Nam chính thức tham gia Công ước 2003 vào ngày 5.9.2005, trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới gia nhập Công ước quan trọng này. Là một thành viên tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam đã 2 lần được tín nhiệm, trúng cử vào Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Tinh thần của Công ước đã được vận dụng vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 và vào thực tiễn hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam, với những kết quả rất đáng ghi nhận.
Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện, đệ trình và thúc đẩy việc ghi danh các hồ sơ đề cử như: Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc; Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê; Hang Con Moong; Lễ hội Vía bà Chúa Xứ núi Sam; Nghệ thuật Tranh dân gian Đông Hồ; Nghệ thuật Chèo; Mo Mường; Công viên địa chất Lạng Sơn; và đặc biệt là Dự án bảo tồn và phát huy giá trị khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Hồng Hà