Các ngôi đình tại phố cổ Hà Nội và không gian nghệ thuật đã được kết nối với nhau tạo thành một tour nghệ thuật đi bộ thú vị và thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân địa phương.
Ghé thăm các ngôi đình và rảo bước qua khu phố cổ Hà Nội, ông Andrew (quốc tịch Australia) khẳng định đây là cách thức thú vị nhất để hiểu hơn về Hà Nội và cuộc sống của người dân: "Tôi đã tham gia rất nhiều tour đi bộ tham quan tại Hà Nội, nhất là trong khu phố cổ thì đây là loại hình phù hợp nhất. Tour lần này đi qua 7 ngôi đình, mỗi đình lại là một không gian nghệ thuật và tôn vinh một nghề truyền thống khác nhau. Đây là cách làm thông minh và tôi nghĩ du khách nước ngoài đều sẽ hưởng ứng".
Không gian nghệ thuật tại đình Yên Thái - nơi thờ Nguyên phi Hoàng Thái hậu Ỷ Lan
Tour khám phá các ngôi đình mà ông Andrew vừa tham gia là một sản phẩm thuộc dự án "chuyện Đình trong Phố", khi các nghệ sĩ sắp đặt không gian nghệ thuật vào không gian tâm linh của các ngôi đình trong phố cổ, sao cho phù hợp với câu chuyện lịch sử gắn với ngôi đình đó. Đã có 7 ngôi đình được dự án "thổi hồn" bằng các không gian nghệ thuật là đình Hà Vĩ, đình Tú Thị, đình Yên Thái, đình Nam Hương, đình Phả Trúc Lâm, đình Trung Yên, đình Phúc Kiến.
Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn - người đứng sau thành công của dự án cho biết yếu tố xuyên suốt và kết nối các điểm dừng trong tour đi bộ này chính là câu chuyện văn hóa gắn với nghề truyền thống tại những ngôi đình thờ vị tổ nghề. Ví dụ trưng bày tại đình Tú Thị (phố Yên Thái) giới thiệu nghề thêu, tại đình Hà Vĩ (phố Hàng Hòm) là câu chuyện nghề sơn mài hay đình Phả Trúc Lâm (phố Hàng Hành) là nghề thuộc da làm giày dép... "Mục tiêu của dự án là mong muốn các ngôi đình được biết đến nhiều hơn, thu hút quan tâm từ người dân và khách du lịch. Đây cũng chính là một cách thúc đẩy công nghiệp văn hoá tại Hà Nội".
Tuyến du lịch đi bộ với điểm dừng là các ngôi đình tại phố cổ Hà Nội
Trưng bày tại các ngôi đình là những không gian nghệ thuật sáng tạo, tạo nên bởi các tác phẩm của nhiều nghệ sĩ khác nhau, phản ánh câu chuyện và di sản tại chính ngôi đình được lựa chọn. Triển lãm được thực hiện bằng nhiều hình thức, bao gồm cả tác phẩm bằng loại hình thủ công hoặc nghệ thuật gắn với ngôi đình. Đôi khi tác giả lại sử dụng tranh, ảnh và nghệ thuật sắp đặt để tái hiện di sản và câu chuyện lịch sử của ngôi đình.
Các ngôi đình và không gian nghệ thuật khi được kết nối với nhau tạo thành một tour nghệ thuật đi bộ thú vị và thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân địa phương. Dự án này cũng giúp kích thích thói quen đi bộ khám phá các di sản văn hoá nghệ thuật trong đô thị, một thói quen cũng dần phát triển trở lại, giúp gắn kết cộng đồng hiệu quả hơn trong những năm gần đây.
Một bức tranh sơn mài được trưng bày tại đình Hà Vĩ, nơi thờ ông tổ nghề sơn Trần Lư.
Theo ông Lê Minh Đức, Chủ tịch UBND phường Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), trước đây công tác phát huy giá trị di tích Hội quán Phúc Kiến (một địa điểm trong tour đi bộ) gặp nhiều khó khăn dù đây là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật có giá trị trong không gian phố cổ. Hiện nay Hội quán vừa có công năng phục vụ cộng đồng là cơ sở học tập cho học sinh của Trường Tiểu học Hồng Hà, vừa là không gian thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người dân, đồng thời là điểm sinh hoạt văn hóa địa phương.
Gần đây với sự chỉ đạo của UBND quận Hoàn Kiếm, UBND Phường Hàng Bồ phối hợp với một số đơn vị tổ chức các hoạt động gắn với phát huy giá trị di tích như biểu diễn nghệ thuật ca trù, trưng bày giới thiệu phố nghề Đông Nam dược Lãn Ông… Ông Lê Minh Đức cho biết: “Hội quán Phúc Kiến đã mở cửa đón khách vào hai ngày cuối tuần. Đây là dịp để người dân và du khách hiểu biết thêm về di tích. Các hoạt động đã được đánh giá cao, thu hút đông đảo người dân và du khách”.
Khách quốc tế tham quan trưng bày ảnh tại Hội quán Phúc Kiến (phường Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Trên địa bàn phường Hàng Bồ có 7 cơ sở di tích đình, đền, chùa. Sắp tới, thực hiện dự án bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa của UBND quận Hoàn Kiếm, phường Hàng Bồ sẽ trùng tu, tôn tạo kiến trúc chùa Thái Cam (số 16B Hàng Gà), tổ chức lễ rước tưởng niệm ngày hóa của Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ tại đình Đông Thành (số 7 Hàng Vải) hưởng ứng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn kỳ vọng sẽ có nhiều hơn các ngôi đình trong phố cổ Hà Nội tham gia vào dự án. Khi được "thổi hồn" bằng các không gian nghệ thuật sáng tạo, các di tích vừa mang hơi thở thời đại mà vẫn kết nối một cách tinh tế với hồn xưa phố cổ. Tuy nhiên để mỗi di tích thực sự được "sống" đòi hỏi những nỗ lực không những của nhiều người, nhiều thế hệ mà cả sự tham gia tích cực của các bên liên quan.
Hải Nam