Làng A Nôr được Hiệp hội Du lịch Việt Nam lựa chọn là một trong 3 làng du lịch cộng đồng tiêu biểu của Việt Nam. Đó là kết quả của sự lựa chọn đúng đắn phát triển du lịch dựa vào cộng đồng trên nền tảng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số và bảo vệ môi trường bền vững.
Điểm du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr là lựa chọn yêu thích của du khách. Ảnh: Phương Liên
Điểm du lịch sinh thái cộng đồng làng A Nôr (thôn Đút 1, xã Hồng Kim) có diện tích 10ha, cách thành phố Huế hơn 60km và cách trung tâm huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế 3km về phía Đông Bắc. Làng A Nôr là nơi để du khách trải nghiệm loại hình du lịch cộng đồng kết hợp với du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng và khám phá nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Pa Kô. Nơi đây nổi tiếng với thác A Nôr trong xanh, mát lành và thơ mộng, thích hợp cho du khách đến tắm suối, khám phá núi rừng và nghỉ mát vào các dịp cuối tuần.
Ông Trần Đức Sáng (Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế) cho biết, trong quá trình tồn tại và phát triển, người Pa Kô đã xây dựng nên những đặc trưng văn hóa cho dân tộc mình. Trong đó, dấu ấn về cư trú là ngôi nhà dài truyền thống (Moong) - nơi sinh sống của nhiều thế hệ trong một dòng họ. Khi một thành viên có gia đình, Moong sẽ được nối dài. Mỗi gia đình được chia một gian riêng, bếp lửa riêng và một bếp lửa chung của đại gia đình ở gian chung Moong, nơi đón tiếp và ngủ nghỉ của các vị khách đến thăm làng. Nhà được điêu khắc và trang trí các hệ thống hoa văn đa dạng như: Hình tượng động vật, cây cỏ, hoa lá, hình người, hoa văn hình học… Nhà kho là nơi cất giữ nông sản, công cụ lao động được dựng xa nơi cư trú để tránh hỏa hoạn. Chòi rẫy là nơi tạm trú cho những hộ gia đình làm rẫy xa làng, tuy nhiên vẫn có đủ bếp nấu, chỗ sinh hoạt, cất giữ lương thực và dụng cụ. Ngoài ra, chòi rẫy còn là nơi hẹn hò của nam nữ đến tuổi trưởng thành tìm hiểu nhau, hay còn gọi là tục đi sim.
Môi trường cư trú nhiều núi rừng, khe suối đã mang đến cho người Pa Kô ở Hồng Kim nhiều nguồn nguyên liệu phong phú trong đời sống ẩm thực từ hệ động vật, thực vật, côn trùng; các hệ củ, quả, thân, lá cùng với cách thức dự trữ và chế biến như: các món nướng, thui, luộc, xào, gỏi, muối, sấy… tạo nên hệ thực đơn phong phú, hợp lý với đời sống trong sinh cảnh rừng núi. Trong hệ thống lễ hội của đồng bào Pa Kô, lễ cơm mới và lễ cải táng là hai lễ hội quan trọng nhất. Nhìn chung, người Pa Kô ở thôn A Nôr vẫn còn lưu giữ khá nguyên vẹn những nét văn hóa truyền thống phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng.
Theo ông Trần Đức Sáng, từ năm 2004, 19 gia đình trong làng A Nôr đã được Công ty may Việt Tiến và chính quyền huyện A Lưới hỗ trợ mỗi gia đình 15 triệu đồng để khôi phục lại nhà sàn truyền thống, mở rộng con đường vào suối, giúp người dân hoạt động du lịch nhỏ lẻ. Tuy vậy, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên đồng bào Pa Kô còn bỡ ngỡ trong việc phát triển du lịch. Với quyết tâm phát triển du lịch ở làng A Nôr, trên cơ sở các nghị quyết của cấp trên, Đảng ủy xã Hồng Kim đã ban hành nghị quyết về tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, du lịch giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025; sau đó, UBND xã thành lập Ban quản lý du lịch sinh thái thác A Nôr...
Sau khi có nghị quyết của Đảng ủy và sự vào cuộc của UBND xã Hồng Kim, từ năm 2016 đến nay, khu du lịch A Nôr dần thay đổi mạnh mẽ. UBND xã đã vận động các hộ gia đình thành lập 2 nhóm hoạt động du lịch, một nhóm du lịch sinh thái thác A Nôr và một nhóm du lịch cộng đồng. Các nhóm này đều đặt dưới sự quản lý và giám sát trực tiếp của UBND xã thay vì những hoạt động du lịch tự phát riêng lẻ từng hộ như trước đây.
Ở điểm du lịch thác Anôr, một ngôi làng truyền thống thân thiện với môi trường của người Pa Kô được dựng dọc con đường lên thác. Người dân làm các nhà sàn nhỏ bằng tre, nứa, lợp lá cọ nằm san sát nhau. Các hạng mục như đường bê tông vào điểm du lịch, bãi giữ xe, nhà vệ sinh được đầu tư xây dựng với kinh phí trên 3,2 tỷ đồng. Bà con tổ chức nhiều đợt trồng hoa, cây sim, làm hàng rào; làm lán trại, xây dựng bảng nội quy, niêm yết giá, cắm biển cảnh báo độ sâu khu vực tắm suối, trang bị một số phương tiện cứu hộ, cứu nạn và sắp xếp, bố trí lại nhân lực tại điểm du lịch. Tại điểm du lịch này, có 12 nhóm tham gia hoạt động với gần 90 lao động là người địa phương.
Đối với điểm làng du lịch cộng đồng A Nôr, 3 hộ ban đầu đăng ký tham gia kinh doanh cơ sở lưu trú homestay được huyện hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ để mua sắm chăn, ga, gối, nệm, chỉnh trang khuôn viên nhà, vườn. Làng đã thành lập tổ dịch vụ du lịch, đội văn nghệ dưới sự quản lý của UBND xã. Xã còn phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện tổ chức các trò chơi dân gian, các hoạt động tham quan, học tập, hội thảo, khảo sát du lịch để thu hút khách; tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá, quay phim đưa hình ảnh của điểm du lịch đến với du khách.
Ban đầu, chỉ có 3 cơ sở lưu trú homestay, đến năm 2023, số hộ gia đình kinh doanh homestay đã tăng lên 7 hộ. Đến A Nôr, du khách được trải nghiệm gói bánh A quát (bánh tình yêu), gội đầu, xông răng bằng dược liệu, xúc cá suối, giao lưu văn nghệ lửa trại cùng bà con, giã gạo, sàng gạo; thưởng thức các sản vật đặc trưng của đồng bào Pa Kô; trải nghiệm quá trình làm ra các sản phẩm đan lát, điêu khắc gỗ, dệt zèng...
Khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp, người dân thân thiện, mến khách, sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo là những yếu tố khiến lượng khách đến làng ngày càng đông, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho đồng bào nơi đây.
Phương Liên