Kinh nghiệm quý báu về phát triển du lịch bền vững ở khu vực Nam Thái Bình Dương

Cập nhật: 18/06/2024
Phát triển du lịch bền vững là ưu tiên hàng đầu ở khu vực Nam Thái Bình Dương nhằm thu hút sự chú ý nhiều hơn của du khách quốc tế.

Theo hãng Nikkei Asia, khách sạn The Moso nằm trên hòn đảo nhỏ Moso, cách thủ đô của Vanuatu ở Nam Thái Bình Dương 45 phút lái xe, gần như sử dụng hoàn toàn năng lượng mặt trời.

Quang cảnh The Havannah: Khách sạn tự cung tự cấp thực phẩm và tạo điều kiện cho các chuyến tham quan làng do người địa phương tổ chức. Ảnh:The Havannah.

Khách sạn vận hành hệ thống nước tự cung tự cấp, nước clo trong bể bơi được thay thế bằng nước ngọt, và những chai thủy tinh đựng bia Tusker địa phương mà du khách tiêu thụ sẽ được nghiền nát và trộn thành xi măng để sử dụng trong việc xây dựng khu nghỉ dưỡng mới.

Gỗ lũa - những mảnh vụn từ lốc xoáy - tạo thành những chiếc bàn hoặc khung tranh, trong khi thân cây được sử dụng làm ghế đẩu bên trong khu nghỉ dưỡng sang trọng quét vôi trắng.

Khách sạn là một trong nhiều doanh nghiệp ở các quốc đảo nhỏ thuộc khu vực Nam Thái Bình Dương đang tập trung vào phát huy tính bền vững trong du lịch để tăng lượng khách đến đồng thời bảo vệ các hệ sinh thái mỏng manh đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu.

Ông Joel Slattery, chủ sở hữu của khách sạn The Moso nhấn mạnh ưu tiên phát triển du lịch bền vững và cho rằng du khách ngày càng muốn tìm cách đảm bảo một kỳ nghỉ không gây hại cho môi trường.

Khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), khoảng 1,8 triệu người đã đến thăm các đảo Nam Thái Bình Dương mỗi năm trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, chủ yếu đến Fiji, Samoa và Vanuatu, và số lượng nhỏ hơn đến thăm Tuvalu, Quần đảo Marshall và Kiribati.

Trước đây, khách du lịch chủ yếu là từ Úc và New Zealand, nhưng ngày nay du khách ở các nước châu Á cũng muốn đến đây. Ông Chris Cocker, Giám đốc điều hành của Tổ chức Du lịch Thái Bình Dương cho rằng khu vực Nam Thái Bình Dương là "biên giới cuối cùng cần được khám phá đầy đủ".

Kể từ sau đại dịch Covid-19, khu vực Nam Thái Bình Dương rơi vào trạng thái rất ít khách du lịch ghé thăm mặc dù nơi đây sở hữu điểm đến có nhiều di sản văn hóa, rừng nhiệt đới, rừng rậm và đầm phá. Đến hiện tại, khu vực này cũng đang phải đối mặt với những vấn đề lớn do biến đổi khí hậu gây ra. Các quốc đảo Nam Thái Bình Dương được Liên hợp quốc xem là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới khi gặp thiên tai.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), mực nước biển ở khu vực Nam Thái Bình Dương tăng nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác, gây ra hiện tượng nước mặn xâm nhập vào hệ thống nước ngọt và xói mòn bờ biển.

Hạn hán, lũ lụt và lốc xoáy là những mối đe dọa thường xuyên. Mùa bão năm 2022-2023 có tới 5 cơn bão tấn công Nam Thái Bình Dương.

"Các nước khu vực Nam Thái Bình Dương phải đặt ra trách nhiệm cân bằng giữa lợi ích kinh tế ngắn hạn và trung hạn của du lịch với tính bền vững lâu dài khi liên tục phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu", bà Sara Currie - chuyên gia du lịch cao cấp của Sáng kiến Phát triển Khu vực Tư nhân Thái Bình Dương của Ngân hàng Phát triển Châu Á lưu ý.

Trong khi đó, Susanne Becken, Giáo sư về du lịch bền vững tại Đại học Griffith của Úc cũng nhấn mạnh, nếu điểm đến thu hút quá nhiều khách du lịch thì sẽ tác động tiêu cực đến môi trường. Trong lịch sử, khu vực Nam Thái Bình Dương đã chịu áp lực trong việc cung cấp nước, xử lý nước thải và phát triển năng lượng sạch. Tuy nhiên, số lượng du khách đến đây không hề nhiều, khiến nền kinh tế của khu vực rơi vào tình trạng trì trệ.

Cân bằng tăng trưởng du lịch và tính bền vững

Vanuatu và các quốc đảo nhỏ khác ở Nam Thái Bình Dương đang ngày càng cố gắng đạt được sự cân bằng giữa tăng trưởng du lịch và tính bền vững. Ảnh: Rebecca L. Root, The Moso, and The Havannah

"Không có cách tiếp cận hoàn hảo nào để đạt được sự cân bằng giữa tăng trưởng du lịch và tính bền vững. Câu hỏi quan trọng nhất là chúng ta có nhận ra những tác động tiềm ẩn của việc tăng trưởng quá mức và làm cách nào có thể lập kế hoạch trước để tránh tình huống như vậy không?", Giám đốc điều hành của Tổ chức Du lịch Thái Bình Dương Cocker nhấn mạnh.

Với tư duy này, vào cuối năm 2023, 20 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên của Tổ chức Du lịch Thái Bình Dương, bao gồm các quốc gia ngoài Nam Thái Bình Dương như Đông Timor, đã ký Cam kết Du lịch Bền vững nhằm nâng cao du lịch bền vững như một mục tiêu ưu tiên khu vực.

Tổ chức này cũng đưa ra Tiêu chuẩn Du lịch Bền vững Thái Bình Dương, bổ sung cho các hướng dẫn về điểm đến bền vững do Hội đồng Du lịch Bền vững Toàn cầu, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ ban hành.

Tiêu chuẩn này đã đóng vai trò là chuẩn mực cho từng điểm đến ở Thái Bình Dương nhằm đánh giá hiệu suất hiện tại, nâng cao nhận thức và khuyến khích du khách đi du lịch có trách nhiệm.

Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng hướng đến mục tiêu đào tạo tính bền vững trong các doanh nghiệp du lịch, quảng bá các sản phẩm do địa phương sản xuất và có nguồn gốc, đồng thời đảm bảo việc sử dụng nước du lịch không ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nước của cộng đồng.

Các chuyên gia cũng cho rằng khu vực này đang ở vị trí tương đối tốt để định hướng du lịch bền vững, vì du lịch ở Nam Thái Bình Dương luôn có quy mô tương đối nhỏ và hầu hết thuộc sở hữu của địa phương.

Ông Rob Macalister, đại diện cho ngành du lịch Vanuatu nhận định ở những nơi khác trên thế giới, các quốc gia tận hưởng du lịch trên quy mô lớn hơn đang phải hạn chế các hoạt động không bền vững. Tuy nhiên, với các quốc gia Nam Thái Bình Dương, điều quan trọng hơn là phải đi đúng hướng và bảo vệ các hệ thống hiện có ngay từ đầu. Ngành du lịch khu vực Nam Thái Bình Dương sẽ phải thúc đẩy khả năng quản lý chất thải tốt hơn và cung cấp giáo dục về bảo vệ khu sinh thái như rạn san hô.

Theo Research Watch, một nền tảng dữ liệu cung cấp thông tin về tình trạng tài nguyên của hành tinh, các hoạt động du lịch liên quan đến các rạn san hô, như lặn bằng ống thở và câu cá, tạo ra 2,3 tỷ USD hàng năm cho khu vực. Tuy nhiên, các rạn san hô đang bị đe dọa bởi nhiệt độ đại dương tăng cũng như tình trạng ô nhiễm do con người gây ra.

Ngân hàng Thế giới đã gợi ý khu vực này nên tập trung phát triển các thị trường du lịch có giá trị cao hơn, chẳng hạn như du lịch văn hóa và mạo hiểm, để cung cấp cho chính phủ các nước Nam Thái Bình Dương và khu vực tư nhân những nguồn tăng trưởng bền vững hơn về môi trường và kinh tế.

Đi bộ đường dài Cross Island Walk ở Niue và mua sắm tại Chợ Punanga Nui của Quần đảo Cook trở thành những hoạt động phổ biến nhất trong khu vực.

Một số điểm đến cũng từng bước đưa ra các biện pháp giải quyết vấn đề tồn tại của ngành du lịch để định hướng phát triển bền vững. Chẳng hạn như Bora, một hòn đảo thuộc Polynesia thuộc Pháp, đã áp dụng thuế du lịch 200 USD/ngày từ năm 2022 để hỗ trợ người dân địa phương tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục, đồng thời giới hạn số lượng khách du lịch mà hòn đảo chỉ đón khoảng 280.000 khách du lịch mỗi năm.

Hay Polynesia thuộc Pháp cũng cấm các tàu du lịch chở hơn 3.500 hành khách cập cảng, trong khi Palau yêu cầu tất cả du khách cam kết tôn trọng di sản sinh thái và văn hóa của đất nước. Palau cũng cấm du khách sử dụng các loại kem chống nắng gây độc cho rạn san hô.

"Có một số chính sách và quy định khác, yêu cầu các công ty lữ hành cung cấp hộp đựng thực phẩm và nước uống có thể tái sử dụng cho khách hàng để giảm đi rác thải nhựa cũng như các quy định cấm kem chống nắng gây độc cho rạn san hô", Ivory Vogt, đến từ Palau, chuyên gia khí hậu tại Palau nhấn mạnh.

Hồng Nhung

Nguồn: Bộ VHTTDL - bvhttdl.gov.vn - Đăng ngày 17/6/2024