Khai thác lợi thế, phát triển du lịch ruộng bậc thang Miền Đồi (Hòa Bình)

Cập nhật: 19/06/2024
Ruộng bậc thang xã Miền Đồi, huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) được đánh giá có cảnh quan, cấu trúc ruộng đẹp bậc nhất của tỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy du lịch.

Cách trung tâm huyện Lạc Sơn khoảng 20km, với đặc thù địa hình đồi núi phức tạp, đường giao thông đến xã Miền Đồi quanh co, uốn lượn, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh sơn thủy yên bình, những cung ruộng bậc thang xếp tầng tầng lớp lớp, nối tiếp nhau men theo sườn đồi, thảo nguyên xanh, suối nước trong veo chảy róc rách, không khí trong lành, mát mẻ, những nếp nhà sàn truyền thống trong bản Mường.

Hơn 400ha ruộng bậc thang trên đồi, núi, cũng là nguồn cung cấp lương thực ổn định cho gần 1.000 nhân khẩu ở Miền Đồi. Để canh tác được trên địa hình có độ dốc cao, nguồn nước rất quan trọng, từ đó người dân đã ý thức để giữ gìn nguồn nước tốt. Cùng với đó, việc cày bừa, chăm sóc, cấy hái khó khăn, vất vả hơn nhiều so với những cánh đồng bằng phẳng ở vùng thấp.

Ruộng bậc thang xã Miền Đồi, huyện Lạc Sơn được đánh giá có cảnh quan, cấu trúc ruộng đẹp bậc nhất của tỉnh nhưng chưa phát huy được lợi thế về du lịch.

Với những tiềm năng, lợi thế để phát triển về du lịch nhưng chưa được đầu tư đúng mức về cơ sở hạ tầng, giao thông, sự kêu gọi đầu tư từ các đơn vị, doanh nghiệp nên xã Miền Đồi vẫn là xã nghèo đặc biệt khó khăn. Trước thực trạng này, Đảng ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, cải tạo vườn tạp, nâng cao năng suất lao động, tạo đột phá trong phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. 

UBND xã Miền Đồi cho biết tại Đại hội Đảng bộ xã cũng đã đưa vào Nghị quyết để khai thác để đẩy nhanh phát triển du lịch, tuy nhiên địa phương là một xã đặc biệt khó khăn về phát triển kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại. Qua đó, mong muốn được lãnh đạo cấp trên huyện, tỉnh, Trung ương quan tâm cho chính sách đầu tư, thu hút các nhà đầu tư, phát triển du lịch sinh thái gắn với tập quán, truyền thống, sản xuất nông nghiệp ruộng bậc thang. Chính quyền xã cũng đang khôi phục lại giống lúa bản địa, để đăng ký trở thành sản phẩm OCOP tạo thương hiệu đặc trưng riêng của địa phương gắn với phát triển du lịch.

Mới đây, Đoàn công tác Tỉnh ủy Hòa Bình do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với xã Miền Đồi, huyện Lạc Sơn nhằm thúc đẩy tiềm năng du lịch của địa phương trong thời gian tới. Miền Đồi là xã đặc biệt khó khăn, nằm ở phía Bắc của huyện Lạc Sơn, cách trung tâm huyện trên 20km. Xã có tổng diện tích 2.557,9ha với 948 hộ dân, 4.478 nhân khẩu; dân tộc Mường chiếm 99%. Trong đó, hộ nghèo chiếm 36,98%, hộ cận nghèo chiếm 36%. Xã chủ yếu là địa hình đồi núi, diễn biến thời tiết bất thường ảnh hưởng đến sản xuất kinh tế, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; thu nhập thấp; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu...

Các đại biểu xã Miền Đồi đề xuất lãnh đạo tỉnh làm đường giao thông nối xã Miền Đồi (huyện Lạc Sơn) với xã Thạch Yên (huyện Cao Phong) để giúp người dân vận chuyển, trao đổi hàng hóa thuận tiện, nhằm phát triển kinh tế, xã hội; có chủ trương thu hút nhà đầu tư tiềm năng về du lịch và quảng bá du lịch tới Miền Đồi để phát triển kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho nhân dân. Đồng thời, tỉnh, huyện quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trụ sở làm việc cho Đảng ủy, HĐND, UBND xã; trường học, trạm y tế... trên địa bàn xã.

Ruộng bậc thang tại Miền Đồi cần tiếp tục được khai thác để phát huy tiềm năng du lịch của địa phương. Ảnh: HD. 

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, xã Miền Đồi cần phát huy những lợi thế của địa phương như: nông nghiệp, kinh tế hộ gia đình, duy trì các mô hình phát triển kinh tế mang tính đặc trưng (lúa nếp Trứng Khe; chăn nuôi vịt cổ xanh, ong; khai thác lâm sản dưới tán rừng…); phát triển du lịch, dịch vụ. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Huyện ủy, UBND huyện Lạc Sơn đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn, làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch; phát triển du lịch cộng đồng gắn với các hoạt động trải nghiệm, quảng bá sản vật địa phương; bảo tồn ruộng bậc thang, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên sẵn có.

Huyện Lạc Sơn phối hợp với các sở, ngành tổ chức thử nghiệm Lễ hội ruộng bậc thang tại xã Miền Đồi nhằm quảng bá tới du khách trong và ngoài nước. Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình đề nghị Đảng ủy xã Miền Đồi quan tâm triển khai có hiệu quả Đề án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc Mường; giữ gìn văn hóa truyền thống, đời sống sinh hoạt, sản xuất của người Mường; tổ chức có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện nói chung, tại xã nói riêng. Xã đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện các chính sách xã hội, quan tâm phát triển y tế, giáo dục; tạo sinh kế cho người dân thoát nghèo; đảm bảo quốc phòng, an ninh ổn định.

Tại tỉnh Hòa Bình, quá trình kiến tạo nghìn năm đã hình thành nên bức tranh ruộng bậc thang của người Mường Hoà Bình với đa dạng loại hình, có khu ruộng độ dốc cao, có khu ruộng thoai thoải, có nơi lại nằm xen kẽ với những cánh rừng nguyên sinh, quanh hồ nước, thậm chí trên ruộng có các tảng đá lớn… tạo nên vẻ đẹp và giá trị độc đáo.

Trong hệ thống ruộng bậc thang trải khắp 4 vùng Mường (Bi, Vang, Thàng, Động), các khu ruộng mang vẻ đẹp ấn tượng hơn thuộc các huyện Lạc Sơn, Tân Lạc, Cao Phong. Theo thống kê, có hơn 40 thửa rộng từ 10 ha trở lên với tổng diện tích khoảng 5.120 ha tại các vùng Mường. Ruộng thường nằm xen kẽ các bản làng và khoảng rừng. Nhiều khu ruộng cốt cao, độ thay đổi từ dưới lên hàng trăm mét tạo thành thửa ruộng với hàng trăm bậc thang sánh ngang với các khu ruộng ở Sa Pa (Lào Cai); Mù Căng Chải (Yên Bái); Xín Mần, Hoàng Su Phì (Hà Giang)…

Năm 2021, Trung tâm Nghiên cứu các hiện tượng và khả năng đặc biệt cùng các nhà nghiên cứu thuộc Hội Khảo cổ học, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách đã tiến hành nghiên cứu dự án di sản văn hoá thế giới "Ruộng lúa, ruộng bậc thang của người Mường Hoà Bình”.

Với định hướng nghiên cứu bảo tồn theo hướng mở (bảo tồn thiên nhiên, văn hoá ruộng bậc thang để phát triển du lịch cao cấp), dự án thực hiện mục tiêu nghiên cứu trên quy mô lớn về văn hoá trồng lúa và tục thờ cúng tổ tiên của dân tộc Mường; hệ thống ruộng bậc thang… Từ đó bảo tồn, tôn tạo thêm các khu ruộng bậc thang chính và các đền thờ tổ tiên; từng bước hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị công nhận di sản cấp quốc gia, tiến tới được UNESCO công nhận di sản săn hoá thế giới... 

Các chuyên gia nghiên cứu dự án di sản "Ruộng lúa, ruộng bậc thang của người Mường Hoà Bình” đưa ra nhận định: Trong khi chỉ cần đáp ứng 1 hoặc nhiều tiêu chí thì các quần thể ruộng bậc thang và núi rừng tự nhiên tại 3 huyện Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn đáp ứng được 3/6 tiêu chí bình chọn di sản văn hoá thế giới.

Cụ thể, với hệ thống ruộng bậc thang đa dạng, diện tích vùng trung tâm lên đến 6.000 ha cùng hàng trăm thửa lớn nhỏ, cảnh quan văn hoá vô cùng ngoạn mục, ruộng bậc thang của người Mường Hoà Bình "là kiệt tác cho thấy sự sáng tạo thiên tài của con người”. Bên cạnh đó, có rất nhiều di chỉ khảo cổ của nền văn hoá Hoà Bình được phát hiện tại khu vực trung tâm ruộng bậc thang của người Mường Hoà Bình là minh chứng độc đáo hoặc chí ít cũng là hiếm có cho truyền thống văn hoá hoặc cho một nền văn minh còn đang tồn tại hay đã mất.../.

Lê Minh

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 18/6/2024