Tại Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Net Zero cho Việt Nam vào năm 2050.
Để đạt được những mục tiêu đó, ngoài nỗ lực điều hành vĩ mô của Chính phủ, là nỗ lực của cá nhân, doanh nghiệp và cần có sự góp sức lớn của truyền thông về môi trường du lịch, các mục tiêu Net Zero.
Trong Báo cáo "Nature Positive Travel & Tourism” (Du lịch tự nhiên tích cực), Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các đơn vị kinh doanh du lịch và lữ hành trong việc ngăn chặn, đảo ngược tình trạng thiên nhiên bị tàn phá. Theo đó, các doanh nghiệp du lịch và lữ hành được trao vị trí đặc biệt để thực hiện các hành động tích cực nhằm khôi phục tự nhiên; đồng thời, thông qua các giải pháp lấy tự nhiên làm cốt lõi, giảm sự phát thải khí các-bon để đạt được mục tiêu "Net Zero”.
1. Net Zero và tầm quan trọng
Net Zero hay "Phát thải ròng bằng 0" là một mục tiêu môi trường nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính (như CO2, CH4, N2O) do con người gây ra xuống mức cân bằng với khả năng hấp thụ hoặc loại bỏ khí thải của Trái đất, đến mức mà tổng lượng khí thải ròng được giảm xuống bằng "0”. Vấn đề này không chỉ đòi hỏi việc giảm thiểu phát thải từ các nguồn như giao thông, sản xuất công nghiệp và sản xuất điện năng, mà còn bao gồm việc tăng cường khả năng hấp thụ các-bon thông qua các biện pháp như trồng rừng mới, bảo tồn rừng, công nghệ thu giữ và lưu trữ các-bon (CCS).
Mục tiêu đạt được phát thải ròng bằng "0” nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu theo Thỏa thuận Paris, với hy vọng giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2°C và nỗ lực hạn chế sự tăng nhiệt dưới mức 1,5°C so với mức trước thời kỳ công nghiệp. Để đạt được điều này, Chính phủ, doanh nghiệp, cá nhân đều cần cam kết giảm phát thải và hỗ trợ các giải pháp cho khả năng hấp thụ các-bon, tạo ra một nền kinh tế toàn cầu ít các-bon hơn và bền vững hơn [2].
Nhằm ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, đồng thời bảo tồn một hành tinh có thể sống được, mức tăng nhiệt độ toàn cầu cần được giới hạn ở mức 1,5°C so với mức tiền công nghiệp. Hiện tại, Trái đất đã ấm hơn khoảng 1,1°C so với cuối những năm 1800 và lượng khí thải tiếp tục tăng. Để duy trì sự nóng lên toàn cầu ở mức không quá 1,5°C - như yêu cầu trong Thỏa thuận Paris - lượng khí thải cần phải giảm 45% vào năm 2030 và đạt mức 0 vào năm 2050 [3].
Mặc dù hầu hết các quốc gia chỉ mới bắt đầu thực hiện các mục tiêu và chính sách về Net Zero gần đây, nhưng những chiến lược này vẫn có ý nghĩa và tác động to lớn, mang lại lợi ích cho môi trường và cộng đồng trên toàn thế giới, cụ thể:
Tăng cường an ninh lương thực: Thực vật phát triển tốt hơn trong điều kiện khí hậu phù hợp với chúng, do đó, nhiệt độ toàn cầu tăng nhanh là rất nguy hiểm. Chính sách Net zero sẽ bền vững hơn cho môi trường, góp phần nâng cao sức khỏe cây trồng và sản lượng nông nghiệp cao hơn.
Bảo vệ sức khỏe đại dương: Lượng CO2 tăng cao trong khí quyển làm tăng nhiệt độ đủ để gây hại cho sinh vật biển như cá và các rạn san hô thông qua các tác động như axit hóa đại dương và thay đổi dòng hải lưu, điều này sẽ đẩy nhanh mực nước biển dâng. Tác động nghiêm trọng đến lượng các-bon hấp thụ vào đại dương và các rạn san hô có thể giảm tới 50% ngay cả khi tình trạng nóng lên toàn cầu giảm nhẹ [4].
Xây dựng cuộc sống tốt hơn: Ít khí thải hơn có nghĩa là không khí ít ô nhiễm hơn, điều này sẽ mang lại cuộc sống tốt hơn vì có khoảng 7 triệu người chết vì ô nhiễm không khí mỗi năm nên việc giảm thiểu ô nhiễm là rất quan trọng [5].
Hạn chế biến đổi khí hậu: Các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng cao, suy giảm đa dạng sinh học là những tác dụng phụ phổ biến của biến đổi khí hậu. Việc giảm phát thải khí nhà kính sẽ góp phần tích cực vào việc cải thiện các kiểu thời tiết, do đó, làm giảm quy mô, thời gian và cường độ của các hiện tượng tàn khốc như vậy.
Thúc đẩy phát triển kinh tế: Chuyển đổi sang nền kinh tế Net Zero mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho các ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghệ xanh, hiệu quả năng lượng. Tạo ra việc làm mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống con người.
2. Lợi ích và những khó khăn trong du lịch Net Zero
Khi khái niệm du lịch có trách nhiệm được xác định vào năm 2002, ngay trước Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững ở Johannesburg, không đề cập cụ thể về tác động của ngành này đối với biến đổi khí hậu nhưng chỉ 20 năm sau đó, đây là ưu tiên hàng đầu của ngành.
Du lịch "Net zero” hay Net zero Tourism là loại hình du lịch hoàn toàn không gây tổn hại môi trường trong quá trình vận hành. Theo đó, các doanh nghiệp du lịch và lữ hành được trao vị trí đặc biệt để thực hiện hành động tích cực nhằm khôi phục tự nhiên. Đồng thời, thông qua các giải pháp lấy tự nhiên làm cốt lõi và giảm sự phát thải khí các-bon để đạt được mục tiêu "Net zero”. Du lịch Net zero không chỉ là xu hướng mới mà còn là một chiến lược mang lại nhiều lợi ích lớn cho du khách và môi trường. Qua đó, giúp giảm lượng khí nhà kính phát ra từ các hoạt động du lịch, đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của thế giới về biến đổi khí hậu. Điều này không chỉ làm giảm ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường, mà còn tạo ra một trải nghiệm du lịch tích cực và ý nghĩa cho du khách, khi họ có cơ hội tham gia vào các hoạt động du lịch thân thiện với môi trường, khám phá những điểm đến bền vững.
Vậy du lịch Net Zero bao gồm các hoạt động:
Thứ nhất, vận chuyển và điểm đến bền vững: Sử dụng phương tiện vận chuyển hiệu suất năng lượng cao và thúc đẩy việc sử dụng giao thông công cộng; Lựa chọn các điểm đến du lịch được chứng nhận là bền vững, ủng hộ bảo tồn tự nhiên và duy trì văn hóa địa phương.
Thứ hai, du lịch thân thiện, hỗ trợ cộng đồng: Người du lịch tham gia vào các hoạt động du lịch như trekking, kayak, hay snorkeling có ít ảnh hưởng đến môi trường; Hỗ trợ cộng đồng địa phương bằng cách ưu tiên lựa chọn dịch vụ và sản phẩm của họ.
Thứ ba, giáo dục và tạo nhận thức, bao gồm, tổ chức các hoạt động giáo dục để tăng cường nhận thức về du lịch bền vững; Chia sẻ thông tin về lợi ích của Net Zero Tourism và khuyến khích mọi người tham gia vào mục tiêu giảm thiểu ảnh hưởng của du lịch đối với môi trường.
Tuy du lịch Net Zero là một loại hình được khuyến khích để tạo ra du lịch bền vững, nhưng cũng đối diện với nhiều khó khăn không nhỏ. Đầu tiên là về chi phí, chuyển đổi sang du lịch Net Zero đòi hỏi khoản đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo, công nghệ xanh và cơ sở hạ tầng. Chi phí này có thể ảnh hưởng đến ngân sách của quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển. Tiếp đó là tính khả thi, việc chuyển đổi sang du lịch Net Zero cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân. Mặt khác, việc chuyển đổi sang Net Zero có thể dẫn đến mất việc làm trong một số hình thức du lịch truyền thống. Bên cạnh đó, việc triển khai các giải pháp du lịch Net Zero có thể dẫn đến một số rủi ro tiềm ẩn, chẳng hạn như tác động đến môi trường và hệ sinh thái.
3. Du lịch Việt Nam trong cuộc đua Net Zero
Tại Việt Nam, các địa phương đều nhận định và hướng tới việc cung cấp các hoạt động du lịch đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nhưng vẫn có thể duy trì việc bảo tồn, gìn giữ và tôn tạo các tài nguyên thiên nhiên, di sản, công trình có ý nghĩa về du lịch để tiếp tục phát triển du lịch trong tương lai. Tiềm năng du lịch tại các địa phương có ngành du lịch phát triển ở nước ta tiêu biểu như Hà Nội, Quảng Ninh, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu,… rất đa dạng: Sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên, di sản, công trình có ý nghĩa lịch sử văn hóa đang rất tích cực trong việc xây dựng những tour trải nghiệm xanh, cung cấp các hoạt động du lịch đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của du khách trong và ngoài nước mà vẫn đáp ứng được yêu cầu của du lịch "Net Zero”. Mới đây, Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội năm 2024 có chủ đề "Du lịch Việt Nam – Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững” tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Hà Nội (I.C.E. Hanoi). Chủ đề này được đánh giá là phù hợp với xu hướng mới "Net Zero tours” – thúc đẩy du lịch bền vững, giảm ảnh hưởng tiêu cực lên môi trường và hỗ trợ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Du lịch Quảng Bình hướng tới Net Zero
Cuối tháng 3/2024, tỉnh Bến Tre đã thí điểm tour du lịch mới mang tên "Net Zero tours Bến Tre”. Khi tham gia tour này, du khách sẽ được trải nghiệm hoạt động bao gồm di chuyển, lưu trú, ăn uống… hoàn toàn thân thiện với môi trường. Đặc biệt, khi bắt đầu tour, du khách sẽ được trao một cuốn passport (hộ chiếu) Net Zero, ý nghĩa như một giấy thông hành để du khách trở thành công dân xanh toàn cầu của tương lai. Cuốn sổ này cho phép du khách tự ghi chép lại những hoạt động mà họ được trải nghiệm trong suốt chuyến đi. Cùng với đó, du khách sẽ được hướng dẫn cách đo lường và tính toán lượng phát thải đã tạo ra trong suốt chuyến trải nghiệm, sau đó cùng nhau thực hiện bù đắp thông qua các hoạt động như trồng cây bần, cây đước, sử dụng các nông sản, mua đồ thủ công, mỹ nghệ ở của người dân hoặc mua một cây dừa lâu năm… sẽ là những hành động bù đắp phát thải các-bon khi tham gia tour du lịch Net Zero ở Bến Tre.
Tại Hội An (Quảng Nam) từ sớm đã kêu gọi cộng đồng và du khách hạn chế dùng đồ nhựa sử dụng một lần. Hội An cũng chính thức ra mắt mô hình "Khách sạn không rác thải nhựa” vào tháng 9/2023. Thành phố cũng đặt mục tiêu mỗi năm giảm từ 13 - 15% rác thải nhựa, tiến đến năm 2025 không còn phát sinh rác thải nhựa dùng một lần.
Huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), trong nhiều năm qua đã triển khai các chương trình, chính sách về BVMT, trong đó trọng tâm là Đề án huyện Cô Tô không có rác thải nhựa; Đề án Phân loại rác thải tại nguồn; Đề án hạn chế sử dụng túi ni lông…
Tương tự, tại huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), nhiều doanh nghiệp làm du lịch cũng chú trọng đầu tư các dụng cụ giảm thải rác khó tiêu hủy ra môi trường như: Sử dụng các dụng cụ ăn uống bằng gỗ, sứ, thủy tinh thay thế đồ nhựa, đầu tư máy lọc nước đặt tại phòng, phân loại rác thải và hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần… Côn Đảo hướng tới năm 2025 sẽ giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường và không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030 [6].
Trên cả nước, nhiều đơn vị lữ hành cũng đã hưởng ứng xu hướng du lịch xanh – bền vững bằng một số "tour xanh” như: Tour thám hiểm hang động tại Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình); tour khám phá chùm đảo hoang sơ "tứ Bình” tại Khánh Hòa; tour xem rùa đẻ trứng ở Hòn Bảy Cạnh (Côn Đảo), tour du lịch dọn sạch bãi biển tại Vân Đồn (Quảng Ninh), tour du lịch canh nông ở Trà Vinh, tour du lịch "tắm rừng” tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai…
4. Đề xuất giải pháp phát triển du lịch Net Zero
Từ những phân tích khảo sát trên, để phát triển du lịch hướng tới BVMT, đạt mục tiêu của Net Zero cần giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, để du lịch Việt Nam phát triển theo hướng tăng trưởng xanh cần phải tôn trọng và bảo vệ tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa, dựa trên tính nguyên sơ, nguyên bản của các giá trị cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa dân tộc; Cần phát triển đa dạng các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nông nghiệp - nông thôn, du lịch khám phá trải nghiệm các giá trị di sản tự nhiên và văn hóa, nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe. Các địa phương và doanh nghiệp trong quá trình phát triển và kinh doanh du lịch cần tính đến bài toán "xanh hóa” và "bền vững hóa” các hoạt động du lịch, trên cơ sở gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường.
Thứ hai, đặc biệt cần thiết phải hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định quản lý về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh; khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có trách nhiệm, đầu tư bền vững, đầu tư xanh để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh, thúc đẩy xu hướng tiêu dùng du lịch xanh; tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh, sạch trong hoạt động kinh doanh du lịch, sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, vật liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng…
Thứ ba, nâng cao truyền thông về Net Zero để mọi người nhận thức đúng đắn về các mục tiêu này. Đồng thời, truyền thông góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động đúng. Bên cạnh đó, truyền thông về du lịch gắn liền với N et Zero cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa. Nâng cao nhận thức của mỗi người, thì việc lựa chọn loại hình du lịch BVMT mới ngày càng tăng lên, và có hiệu quả được.
Thứ tư, đầu tư hạ tầng và công nghệ xanh. Hạ tầng du lịch Net Zero đóng góp quan trọng, hòa cùng với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của đất nước trong việc sử dụng năng lượng tái tạo, xây dựng hệ thống xử lý nước thải chuyên nghiệp, công nghệ tiết kiệm năng lượng thông minh, hệ thống vận tải xanh như xe điện…
Thứ năm, khuyến khích nghiên cứu và đổi mới khoa học công nghệ mới, các giải pháp sáng tạo nâng cao tính cạnh tranh và thu hút khách du lịch quốc tế. Đây là giải pháp rất phù hợp trong thời kỳ đất nước ta đang bùng nổ sự phát triển kinh tế số với lực lượng lao động trong lĩnh vực khoa học công nghệ dồi dào.
Thứ sáu, đẩy mạnh hợp tác công tư, liên kết quốc tế. Hợp tác này cần có sự phối hợp và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, xây dựng dự án, chương trình giữa các doanh nghiệp du lịch trong nước, tổ chức phi chính phủ (NGO), các đổi tác du lịch quốc tế để tạo ra môi trường thuận lợi, thúc đẩy phát triển du lịch xanh. Cùng với sự quan tâm từ các cơ quan quản lý chức năng, du lịch Net Zero sẽ thực sự tạo ra một mạng lưới du lịch xanh trong cả nước và đồng hành cùng sự phát triển kinh tế xanh toàn cầu.
Nguyễn Văn Song - Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội
Tài liệu tham khảo:
1. Cam kết Net Zero – một quyết tâm chính trị vì lợi ích quốc gia, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
2. Báo cáo "Nature Positive Travel & Tourism” (Du lịch tự nhiên tích cực), Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC).
3. Báo cáo của Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S), đoạn nhiệt độ toàn.
4. Báo cáo Điện khí LNG - Tổng quan về định hướng đầu tư và phát triển trong bối cảnh hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0” tại Việt Nam (WWF).
5. Báo cáo của tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2018, https://www.who.int/vietnam/vi/health-topics/air-pollution
6. Hướng tới du lịch "Net Zero”, Báo Đại Đoàn Kết https://daidoanket.vn/huong-toi-du-lich-net-zero-10277018.html.