Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về việc chung tay hành động giải quyết các vấn đề rác thải nhựa và thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã có hành động thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả để chống, giảm thiểu chất thải nhựa.
Lãnh đạo UBND tỉnh cùng đại diện sở ngành tham gia làm vệ sinh môi trường ven biển Phan Thiết.
Để thực hiện đồng bộ, hiệu quả vấn đề rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có chỉ thị yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn.
Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị phải thực sự gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa bằng các hành động thiết thực, cụ thể, như: Sử dụng các loại túi, giỏ dùng nhiều lần khi đi mua sắm; ưu tiên sử dụng sản phẩm dễ phân hủy, thân thiện với môi trường tại công sở và trong sinh hoạt hằng ngày của mỗi cá nhân và gia đình; vận động người thân, gia đình cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”.
Cùng với đó, các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập, các huyện, thị xã, thành phố không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai nhựa đựng nước, ống hút,… dùng một lần trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp, ngày lễ, ngày kỷ niệm và hoạt động công sở mà phải ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường. Tiên phong, gương mẫu thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ngay tại công sở, bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại các cơ quan, đơn vị; chất thải nhựa và các chất thải khác có thể tái chế không được để lẫn với chất thải hữu cơ. Khuyến khích việc xử lý chất thải rắn hữu cơ ngay tại cơ quan, đơn vị có sân vườn. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, quản lý, giám sát tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường, thu gom rác thải, phân loại rác thải nhựa và giảm túi ni-lông tại cơ quan, đơn vị.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp tổ chức phát động các phong trào giảm và tiến tới không sử dụng túi ni-lông; xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông về rác thải gắn với việc tổ chức Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, Chiến dịch làm sạch biển, Ngày Môi trường thế giới, Giờ Trái đất, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam,… Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong công tác quản lý rác thải, rác thải nhựa; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động phát thải, thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải, chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh.
Sở Công Thương tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc ngành quản lý về tác hại của rác thải nhựa, khuyến khích phân loại rác thải tại nguồn để thu gom và xử lý theo quy định. Vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ dân sinh và các cơ sở kinh doanh dịch vụ cam kết giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần hoặc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường.
Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu đưa nội dung giáo dục nhận thức về bảo vệ môi trường nói chung, tác hại của chất thải nhựa và túi ni-lông khó phân hủy nói riêng vào chương trình ngoại khóa tuyên truyền ở các cấp học theo các hình thức, nội dung phù hợp. Đồng thời, chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục có sân vườn xây dựng chương trình phân loại rác thải sinh hoạt và giảm thiểu chất thải nhựa để học sinh thực hiện; đưa nội dung phân loại rác và giảm thiểu chất thải nhựa thành một tiêu chí đánh giá thi đua lớp, trường xanh, sạch, đẹp, an toàn.
Nhằm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, nâng cao nhận thức, ứng xử và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy của cộng đồng và xã hội, mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận cũng đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi biển trên địa bàn tỉnh.
Đến năm 2030, sẽ giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.
Để đạt được mục tiêu trên, Kế hoạch của tỉnh Bình Thuận đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương; thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa từ các hoạt động ở khu vực ven biển và trên biển; kiểm soát rác thải nhựa và túi ni-lông khó phân hủy từ nguồn; hoàn thiện chính sách hỗ trợ, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý rác thải nhựa đại dương.
Kế hoạch cũng giao nhiệm vụ, trách nhiệm thực hiện cho Chi cục Biển và Hải đảo, Chi cục Bảo vệ môi trường, Phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn..., hướng dẫn, yêu cầu chủ cơ sở thực hiện nghiêm túc việc phân loại rác thải tại nguồn; hướng dẫn, yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan có biện pháp xử lý vi nhựa từ nước thải khu đô thị và khu công nghiệp, nhất là tại vùng ven biển, cửa sông, vùng biển ven bờ./..
BC