Triển lãm “Cổ vật hội tụ” tại Kinh thành Huế

Cập nhật: 25/06/2024
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp Hội Cổ vật TP. Hồ Chí Minh và các nhà sưu tầm cổ vật trong nước tổ chức khai mạc trưng bày Triển lãm chủ đề “Cổ vật hội tụ” tại điện Kiến Trung, Đại Nội Huế.

Bộ sưu tập gốm sứ cổ tại Triển lãm. (Ảnh BTC)

Triển lãm tạo các hoạt động gắn với thú chơi truyền thống lâu đời trong dân gian, đồng thời tạo trải nghiệm mới cho người dân, du khách trong không gian di sản khi đến Đại Nội Huế. Đây còn là cơ hội cho các nhà sưu tập cổ vật trong nước giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về công việc sưu tầm cổ vật.

Gốm cổ triều Nguyễn

Theo đó, 29 nhà sưu tập cổ vật trong nước giới thiệu 147 cổ vật được chế tác dưới thời nhà Nguyễn, được sử dụng trong cung đình lẫn dân gian; do các nghệ nhân của triều đình nhà Nguyễn chế tác, các cơ sở sản xuất trong nước thực hiện (đồ gốm cây mai, đồ gỗ…) hoặc đặt hàng, mua từ nước ngoài để sử dụng (pháp lam, đồ sứ…). Các sưu tập hiện vật hội tụ đa dạng về chất liệu (pháp lam: Vàng, bạc, bạc khảm vàng, ngọc, sứ ký kiểu, gỗ…), chức năng sử dụng (sinh hoạt, tế tự, trang trí, tiêu khiển…) và phong phú về loại hình, nguồn gốc xuất xứ (đồ sứ ký kiểu và pháp lam dưới thời Nguyễn, các dòng gốm cây mai, các hiện vật có niên đại thế kỷ XIX…).

Điển hình tại trưng bày phải kể đến như bộ sưu tập “Đồ sứ ký kiểu” của nhà sưu tầm Lê Thanh Nghĩa; bộ sưu tập Pháp lam của nhà sưu tập Nguyễn Đỗ Như Anh; bộ sưu tập Khánh vàng của nhà sưu tập Thân Việt Hùng; hiện vật dĩa sứ “Mai hạc” của nhà sưu tập Mai Bá Thiện; các hiện vật nghiên mực, gác bút, hộp pháp lam, bình bạc, khay gỗ, ấn đồng của nhà sưu tập Nguyễn Trung Thành; nhà sưu tập Trương Văn Chánh với chiếc khay gỗ và ống điếu… Riêng Thừa Thiên Huế có 5 nhà sưu tập gửi hiện vật tham gia, chủ yếu là đồ pháp lam, đồ sứ và gỗ.

Đây là triển lãm cổ vật đầu tiên hội tụ các nhà sưu tầm cổ vật ở 3 miền đất nước (Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Thừa Thiên Huế…) cùng tham gia.

Nhiều người dân, du khách tham quan không gian Triển lãm.

Chủ tịch Hội Cổ vật TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Nghĩa chia sẻ: Chơi cổ vật là một thú chơi đòi hỏi người chơi phải có kiến thức về lịch sử văn hóa và kiến thức đó phải thường xuyên được cập nhật bổ sung. Hy vọng trong thời gian tới, sẽ có những cuộc triển lãm tương tự để các nhà sưu tập tư nhân có cơ hội giới thiệu bộ sưu tập của mình đến công chúng, góp phần tích cực vào việc bảo tồn phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Nguyệt Anh

Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển - baodantoc.vn - Đăng ngày 24/6/2024