Tài nguyên du lịch là cơ sở và là yếu tố cần thiết để xây dựng các sản phẩm du lịch. Huế là mảnh đất giàu tài nguyên và thế mạnh du lịch, việc tận dụng tài nguyên du lịch sẵn có để đưa vào khai thác, phục vụ du khách gắn với bảo vệ tài nguyên một cách hợp lý là vấn đề đặt ra.
Quán xá trên một khu vực bờ biển ở Lăng Cô
Mừng và lo
Vừa qua, thông tin dọc bờ biển An Lộc thuộc xã Quảng Công, huyện Quảng Điền mọc lên các công trình xây dựng homestay kiên cố trái phép khiến dư luận xôn xao. Điều đáng nói là những công trình này được UBND xã giao đất trái thẩm quyền gây ra tình trạng mất mỹ quan, ảnh hưởng đến quy hoạch chung của bãi biển. Việc giao đất này không qua đấu giá, không có hợp đồng thuê đất cho một số cá nhân xây dựng các nhà hàng, homestay kinh doanh sai phép trên vùng bờ biển An Lộc. Mặc dù UBND huyện Quảng Điền đã có chỉ đạo xử lý, giải quyết đúng quy định của pháp luật, nhưng câu chuyện này một lần nữa dấy lên những nỗi lo.
Nhớ năm 2022, báo chí và dư luận nhiều lần phản ánh vụ việc dự án khu du lịch sinh thái xây dựng các hạng mục ngang nhiên, trái phép giữa rừng thuộc khu vực thác Cây Sen, thuộc thôn Bắc Khe Dài, xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc. Thời điểm đó, UBND tỉnh đã yêu cầu xử lý dứt điểm sự việc này. Hay năm 2023, tại khu vực suối A Lin thuộc xã Trung Sơn, huyện A Lưới, một hộ dân đã ngang nhiên chiếm dụng lòng suối A Lin, đắp bờ đá để xây dựng các chòi, công trình phục vụ du lịch. Việc xây dựng trái phép này làm thay đổi dòng chảy suối A Lin, phá vỡ cảnh quan. Dù UBND xã Trung Sơn đã có quyết định xử phạt hành chính đối với hộ dân này, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc tháo dỡ bạt và đá chắn suối, các vật gây cản trở dòng chảy suối A Lin, nhưng sau đó, trường hợp này vẫn tiếp tục triển khai thi công các hạng mục xây dựng trái phép trên suối, buộc UBND xã Trung Sơn phải có văn bản đề nghị gửi UBND huyện A Lưới chỉ đạo các phòng, ban ngành phối hợp để xử lý dứt điểm công trình trái phép này.
Thừa Thiên Huế là mảnh đất rất giàu tài nguyên du lịch. Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên và các giá trị văn hóa làm cơ sở để hình thành sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch. Trên thực tế, giàu tài nguyên du lịch mang lại rất nhiều cơ hội để phát triển ngành công nghiệp không khói cho Thừa Thiên Huế, thể hiện ở việc khai thác đa dạng các loại hình du lịch để Huế trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách. Tuy nhiên, việc khai thác không đúng cách, không đúng quy định của pháp luật lại dẫn đến những nỗi lo. Điển hình như việc hình thành, phát triển các mô hình du lịch biển là chủ trương đúng đắn nhằm phát huy hiệu quả các bãi biển, hình thành các bãi tắm cộng đồng, qua đó tạo công ăn việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Thế nhưng, khi tài nguyên du lịch được khai thác không đúng cách, ảnh hưởng tạo ra không chỉ với kinh tế - xã hội, mà thậm chí là tạo dư luận xấu trong Nhân dân. Đây là nỗi lo hiện hữu và là vấn đề đặt ra cho ngành du lịch, các ban ngành, địa phương liên quan.
Khai thác gắn với bảo vệ
Công bằng để nói, chính quyền địa phương, ngành du lịch và các ban, ngành, đơn vị ở Thừa Thiên Huế rất chú trọng đến việc phát triển du lịch bền vững. Điều này đồng nghĩa, việc khai thác gắn với bảo vệ đã được chú ý từ rất sớm. Điển hình như vấn đề nổi lên là du lịch giảm rác thải nhựa, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đã xây dựng một kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa giai đoạn 2023 - 2025 với rất nhiều mục tiêu đặt ra. Các lực lượng chức năng cũng thường xuyên có các đợt kiểm tra các vấn đề liên quan đến khai thác và bảo vệ các tài nguyên du lịch.
Tuy nhiên, với nguồn tài nguyên du lịch khá lớn, trong khi đó ý thức của một bộ phận người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch còn hạn chế, chỉ vì lợi ích trước mắt mà chưa nghĩ đến phát triển du lịch bền vững đang tạo ra những nỗi lo trong câu chuyện khai thác gắn với bảo vệ tài nguyên du lịch. Một số lần đến các bãi biển ở huyện Phú Lộc, chúng tôi vô tình bắt gặp khách vẫn thoải mái ăn uống xả rác. Nếu không có các chế tài đủ mạnh, hoặc cơ sở kinh doanh du lịch “chiều khách”, thực trạng trên sẽ dần phổ biến.
Giải quyết vấn đề này, cần sự hợp lực từ nhiều phía, với rất nhiều giải pháp. Trước hết, cần có sự kết nối từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, sự liên kết giữa các địa phương lân cận với nhau nhằm trao đổi cách thức tổ chức, bố trí hoạt động hợp lý, thiết kế tour tuyến khoa học…
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ, việc khai thác gắn với bảo vệ tài nguyên du lịch được ngành du lịch rất quan tâm. Bên cạnh công tác quy hoạch du lịch phát triển theo hướng bền vững, ngành du lịch cũng định hướng, tư vấn để các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường, tránh tác động đến cảnh quan, môi trường. Các điểm du lịch cũng hướng đến xây dựng các quy định để hạn chế sử dụng rác thải nhựa.
Điều quan trọng là cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá. Những biện pháp tuyên truyền không chỉ đến với những người làm du lịch mà còn để nâng cao ý thức của du khách nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch. Tránh được một số trường hợp du khách đến điểm du lịch lại bẻ cành, hái hoa để làm đạo cụ chụp ảnh, hoặc sử dụng các dịch vụ ăn uống tại chỗ nhưng không giữ vệ sinh chung, gây ảnh hưởng đến mỹ quan của địa điểm tổ chức hoạt động du lịch.
Bài, ảnh: Hữu Phúc