Cùng với việc tham quan các điểm du lịch nổi tiếng thì những năm gần đây, du khách bắt đầu có thêm xu hướng trải nghiệm những khu sinh thái cộng đồng. Người dân trở thành hướng dẫn viên du lịch là một vấn đề khó, vậy nên các ngành, địa phương đang tập trung hướng dẫn, đào tạo để họ sẵn sàng đón tiếp du khách.
Vùng cao Quảng Nam có những địa điểm du lịch sinh thái cộng đồng thu hút du khách. Ảnh: Phan Vinh
Tập huấn - hành động
Khu vườn của ông Nguyễn Minh Quốc (khối phố Hương Trà, phường Hòa Hương, TP. Tam Kỳ) rộng 3.000m2, trước đây là vườn tạp, một số vụ, ông trồng mè, trồng đậu nhưng không hiệu quả.
Bắt đầu khi thành phố tổ chức lễ hội mùa hoa sưa, du khách tìm về Hương Trà trải nghiệm ngày một đông, họ lang thang ngắm hàng sưa trăm tuổi rồi quanh quẩn ở bãi cỏ ven sông mà không biết đi đâu khác.
Nghĩ tới khu vườn của mình cũng rợp bóng mát, có thể làm điểm nghỉ chân cho du khách, ông Quốc quyết định đầu tư cải tạo lại vườn tạp. Ông đăng ký với phường tham gia xây dựng nhà vườn sinh thái, gắn kinh tế nông nghiệp và du lịch. Ông dọn dẹp các loại cây dại, trồng bưởi, mít và ổi lê Đài Loan.
Người dân làng Hương Trà được tham gia lớp tập huấn thực tế. Ảnh: Phan Vinh
“Mình được tham gia lớp tập huấn cách đón tiếp du khách, thường xuyên giữ vệ sinh vườn nhà. Tới mùa lễ hội vừa rồi, du khách ghé thăm vườn mình rất đông, người trong nhà ai cũng niềm nở, giới thiệu với du khách các loại trái cây trong vườn, mời nước và hái trái cây cho họ ăn thử. Có người còn mua ổi mang về” - ông Quốc nói.
Theo ông Hồ Minh Sơn - Chủ tịch UBND phường Hòa Hương, ông Quốc là một trong 9 chủ vườn sinh thái đăng ký cải tạo vườn làm điểm dừng chân đón du khách tham quan tại Hương Trà nằm trong đề án xây dựng làng du lịch sinh thái Hương Trà của địa phương.
Từ lợi thế cảnh quan yên bình, hàng sưa 100 tuổi, con đường làng và dòng sông xanh mát, Hòa Hương đã tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay làm du lịch cộng đồng.
Năm 2023, TP. Tam Kỳ phối hợp với Viện Công nghệ xanh TP. Đà Nẵng tổ chức tập huấn cho người dân trong 2 ngày với những nội dung như nâng cao nhận thức cộng đồng về mạng lưới du lịch, tự đánh giá nguồn lực cộng đồng trong du lịch, thực hành xây dựng chương trình du lịch, học tập cộng đồng...
Viện Công nghệ xanh TP. Đà Nẵng tập huấn cho người dân làng Hương Trà. Ảnh: Phan Vinh
“Ngoài ra, để có được sự chung tay của người dân trong phát triển du lịch tại Hương Trà, phường cũng thực hiện nhiều đợt tuyên truyền, nêu cao tinh thần làm gương của từng chủ thể. Thời gian tới, Hương Trà sẽ thành lập hợp tác xã du lịch, gồm các thành viên có homestay, nhà vườn, nghề truyền thống, ẩm thực tham gia để chuyên nghiệp hóa trong phát triển du lịch cộng đồng” - ông Sơn nói.
Thay đổi tư duy
Vừa qua, Sở VHTTDL đã tổ chức khóa tập huấn kỹ năng kinh doanh lưu trú nhà dân (homestay) cho người dân tại huyện Bắc Trà My. Mục đích khóa tập huấn là nâng cao kiến thức và các kỹ năng cần thiết để người dân đang hoặc dự kiến kinh doanh mô hình lưu trú có thể triển khai dịch vụ lưu trú tại nhà đảm bảo an toàn, chất lượng.
Người dân huyện Bắc Trà My thực hành bố trí nơi lưu trú cho du khách. Ảnh: Phan Vinh
Hơn 30 học viên được tham gia lớp tập huấn diễn ra trong vòng 6 ngày, gồm các hộ dân ở làng du lịch cộng đồng Làng Mường (xã Trà Giang), Làng văn hóa Cao Sơn (xã Trà Sơn), Nóc Sơ Rơ (xã Trà Bui), điểm du lịch sinh thái suối Nước Ví (xã Trà Kót), điểm du lịch sinh thái sông Tiên (Trà Kót)...
Lớp tập huấn tập trung hướng dẫn một số kỹ năng giao tiếp cơ bản với khách du lịch từ tiếp nhận, xử lý và hỗ trợ khách đặt chỗ. Hướng dẫn những phương pháp tiếp thị với chi phí thấp nhằm thu hút thêm khách du lịch. Học hỏi cách chế biến món ăn và pha chế một số loại thức uống phục vụ du khách.
Đặc biệt, các học viên còn được thực hành quy trình cung cấp dịch vụ lưu trú có chất lượng cho khách du lịch trong điều kiện của gia đình. Với các điểm du lịch sinh thái có vị trí xa trung tâm đô thị thì việc phát triển dịch vụ lưu trú là cơ sở quan trọng để thu hút du khách.
Theo bà Võ Thị Thúy Hằng - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bắc Trà My, lớp tập huấn là tiền đề quan trọng, thay đổi tư duy của người dân về cách làm kinh tế từ du lịch, để địa phương triển khai thác các kế hoạch xây dựng từng khu du lịch sinh thái cộng đồng sau này.
Một mâm thức ăn mang đậm bản sắc dân tộc Mường ở Bắc Trà My. Ảnh: Phan Vinh
Trước mắt, trong năm 2024, địa phương định hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tại Làng Mường (xã Trà Cang).
Trong đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng với các chương trình tập huấn và học tập kinh nghiệm các địa phương khác, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng nghề, kỹ năng mềm, kiến thức làm du lịch cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia. Đặc biệt là xây dựng văn hóa du lịch chuyên nghiệp, thân thiện, an toàn và văn minh.
“Làm du lịch cộng đồng, cái khó nhất là phải khởi sinh mong muốn từ cộng đồng, Nhà nước có đầu tư bao nhiêu nhưng người dân không chung tay thì không bao giờ thành công.
Vì vậy, khi xây dựng đề án phát triển du lịch tại Làng Mường trong năm 2024 này, chúng tôi coi trọng yếu tố con người, thay đổi tư duy người dân, hướng đến mô hình du lịch bền vững” - bà Hằng cho biết thêm.
Phan Vinh