Với mục tiêu đón 13,8 triệu lượt khách, ngành du lịch Thanh Hóa đang tiếp tục làm mới các sản phẩm hiện có; đồng thời bổ sung thêm các dịch vụ, sản phẩm mới, các khu du lịch biển Thanh Hóa đang trở thành thị trường “chia khách” với các trọng điểm du lịch của cả nước trong mùa cao điểm du lịch hè 2024.
Hiện, Sầm Sơn có trên 710 cơ sở lưu trú với trên 25.000 phòng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, 50 nhà hàng phục vụ ăn uống có sức chứa từ 300 người trở lên và 250 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, thương mại. Cùng với sự ra đời của các tổ hợp khách sạn, khu vui chơi giải trí cao cấp và sự cải thiện chất lượng dịch vụ, văn hóa giao tiếp, ứng xử, du lịch Sầm Sơn đã và đang tạo được sức hấp dẫn mới đối với du khách.
Du khách vui chơi tại bãi biển Sầm Sơn. Ảnh: TTXVN
Nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại Thành phố Sầm Sơn như: Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn; Sun Grand Boulevard - quảng trường biển Sầm Sơn; Vlasta - Sầm Sơn... hoạt động rất hiệu quả. Lượng khách đến với Sầm Sơn sẽ còn tăng mạnh khi thời tiết những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7 được dự báo có nhiều đợt nắng nóng, nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng biển càng tăng cao. Trước "độ hot" của điểm đến, thành phố Sầm Sơn đã, đang siết chặt quản lý các hoạt động du lịch, trong đó đặc biệt chú trọng việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.
Ông Lê Doãn Lương, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin, UBND thành phố Sầm Sơn cho biết: “Thành phố đang triển khai có hiệu quả các phương án quản lý, trong đó tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống; từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Cùng với đó, Sầm Sơn cũng tranh thủ các nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh cải cách hành chính để thu hút đầu tư..."
Không riêng Sầm Sơn, từ đầu tháng 5 đến nay, các địa phương có biển khác ở Thanh Hóa như Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa); Tiên Trang, Quảng Thái (Quảng Xương); Hải Hòa, Bãi Đông (thị xã Nghi Sơn)... bình quân công suất phòng lưu trú luôn đạt 70 - 90%.
Một số đơn vị doanh nghiệp lữ hành cho biết, ở thời điểm hiện tại, nếu du khách chưa có kế hoạch từ trước sẽ rất khó để đặt dịch vụ lưu trú tiêu chuẩn 3 - 5 sao tại thành phố Sầm Sơn cũng như một số khu nghỉ dưỡng biển khác tại Thanh Hóa, đặc biệt là vào dịp cuối tuần.
Các địa phương đang tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch... đảm bảo môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Chỉ tính riêng trong tháng 6/2024, thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã đón gần 2,1 triệu lượt khách, bằng 108% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: TTXVN
Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết, các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh đã sớm xây dựng và tung ra thị trường gần 200 sản phẩm du lịch trọn gói phù hợp xu hướng trong dịp hè 2024, trong đó tập trung vào du lịch nghỉ dưỡng biển, trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, sinh thái cộng đồng. Các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh cũng chủ động, tích cực đầu tư, làm mới sản phẩm, dịch vụ khách sạn, resort; thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, thu hút khách du lịch, các nhóm khách hàng. Dựa trên khảo sát nhu cầu thị trường, bên cạnh các sản phẩm tour nghỉ dưỡng biển, dịch vụ du lịch phục vụ nhóm khách lẻ, mảng du lịch team building (loại hình du lịch kết hợp trò chơi) dành cho khối doanh nghiệp, khối khách đoàn dự báo sẽ là sản phẩm bùng nổ trong dịp hè năm nay ở Thanh Hóa.
Đặc biệt mới đây, trong Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sầm Sơn và Hải Tiến là 2 địa danh nằm trong danh sách 61 địa điểm tiềm năng được quy hoạch phát triển thành Khu du lịch Quốc gia. Việc Sầm Sơn - Hải Tiến được lựa chọn là một trong 61 địa điểm tiềm năng phát triển Khu du lịch Quốc gia sẽ góp phần tạo động lực quan trọng phát triển du lịch cho các vùng, địa phương, lan tỏa thương hiệu, hình ảnh cho các điểm đến.
Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Để hướng tới mục tiêu trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn trong cả nước, Thanh Hóa đang tập trung "nâng hạng" các dòng sản phẩm cao cấp, sản phẩm nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái cộng đồng, văn hóa - lịch sử, hướng đến du lịch Thanh Hóa trong suốt bốn mùa. Trong đó, tỉnh đã chú trọng xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch, thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược. Đến thời điểm này, Thanh Hóa đã thu hút 81 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 146.000 tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, hệ thống dịch vụ đồng bộ, có chất lượng cao, hướng đến đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong và ngoài nước thuộc phân khúc cao cấp.
Có thể nói, ngoài việc hưởng lợi từ khi tuyến cao tốc đường bộ đi qua địa bàn được đưa vào khai thác, ngành “công nghiệp không khói” của Thanh Hóa đã tận dụng khá tốt thế mạnh từ du lịch biển - đảo. Điều này đang tạo sức cạnh tranh hút khách cho các điểm đến ở Thanh Hóa khi mà hoạt động du lịch toàn cầu dần phục hồi, phát triển như thời điểm trước khi xảy ra COVID-19.
Việt Hoàng